Vượt gần 200 cây số đường núi, vào đầu giờ chiều chúng tôi đã có mặt tại Phó Bảng, một thời là thủ phủ cao nguyên đá phía bắc. Cuối năm 1979, trung tâm huyện chuyển ra Ðồng Văn. Hiện giờ, Phó Bảng vẫn là cửa khẩu nhộn nhịp, đang được tỉnh đầu tư quy hoạch với quy mô thị tứ. Khí hậu mát lành quanh năm, Phó Bảng có điều kiện phát triển cây dược liệu, cây đặc sản, giàu tiềm năng du lịch. Ngoài cửa khẩu Tà Lùng tương lai sẽ là cửa khẩu sầm uất thuận lợi cho việc buôn bán, giao thương, cách thị trấn Phó Bảng không xa về phía tây khu II có một quần thể hang động phong phú, trong đó phải kể đến hang Ðộng Nguyệt nằm ở lưng chừng núi. Vòm hang rộng 600 m, có ngách thông ra phía sau, trên đỉnh lộ ra một khoảng trống hình tròn, nắng trời, ánh trăng chiếu vào lung linh, huyền ảo, có thể do vậy mà đồng bào gọi là hang Ðộng Nguyệt. Nhũ đá rủ xuống mang nhiều hình thù kỳ lạ, chim én nhiều vô kể. Chếch lên phía bắc, Phó Bảng còn có một hồ nước rộng chừng 5.000 m2 quanh năm nước trong xanh, chung quanh là rừng cây, chủ yếu thông đá cỡ gần 100 tuổi cao vút.
Từ trung tâm Phó Bảng rẽ trái, qua 15 cây số theo đường giao thông nông thôn loại B, tôi ngược lên Phố Là. Dãy núi đá vôi sừng sững kéo dài lên phía bắc. Có địa hình cao hơn Phó Bảng, gió từ cánh rừng thổi về không ngớt, giữa hè, ở đây vẫn lạnh. Chỉ đi vài cây số đã gặp rừng nguyên sinh kéo từ Phó Bảng sang Phố Cáo rộng dài hơn 2.000 ha với nhiều chủng loại gỗ quý hiếm và động, thực vật phong phú. Thi thoảng lại thấy mấy chú thỏ, sóc bông phóng vút qua đường, hay tiếng gà gô gáy te te ở bìa rừng, tiếng suối xa xa chảy ầm ào, và mây trắng đọng lững lờ trong các lòng khe. Hẳn là nhắc đến Ðồng Văn, nhiều người sẽ hình dung đây là một địa danh xa tít tắp, là xứ sở của đá núi, của sương mù, và ít ai ngờ ở đây còn có một đại ngàn hàng trăm tuổi. Qua thời gian, đại ngàn tồn tại được là nhờ người dân Phố Là có ý thức và cách thức riêng trong việc bảo vệ, để rừng không xa người, để rừng mãi mãi xanh tươi. Trước đây do cuộc sống khó khăn và mối lợi trước mắt, khiến có người bóc dần đi "lá phổi xanh" của mình, và cây rừng ra đi thì đất đai cũng theo mùa mưa lũ, sông suối ào ạt cuốn về xuôi, chỉ còn đá xám lạnh, nhức nhối trong mắt người. Cơn mưa chưa đến đã thành lũ, cơn mưa chưa đi đất đai đã khô khát.
Trung tâm Phố Là quần tụ trong một thung lũng rộng lớn bằng phẳng, có một hồ nước tự nhiên đầy ắp rộng chừng hai ha, bảo đảm cho việc tưới tiêu canh tác lúa. Trụ sở làm việc của Ðảng ủy và UBND xã, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Ðiện lưới quốc gia ổn định, nên đời sống đồng bào ở Phố Là khác trước rất nhiều. Bà con ở đây canh tác lúa nước hai vụ, biết sử dụng điện vào rất nhiều công việc hàng ngày, tổ chức cuộc sống gia đình khá quy củ, chăn nuôi đại gia súc. Ðặc biệt, bà con có thái độ rất nghiêm túc trong việc trồng và bảo vệ rừng. Sau mấy chục năm, giờ đây con em của đồng bào ở Phố Là nhận thức vai trò của dân tộc, nên chăm chỉ học tập, rèn luyện tài đức, nhiều người đã phát triển thành cán bộ xã, cán bộ huyện. Hiện tại, một số em đã học hết trung học phổ thông, có em đang theo học tại Trường Sư phạm tỉnh Hà Giang. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được chăm lo đầu tư, nên trẻ em ở Phố Là đều được đến trường, điểm trường chính của xã có gần 500 học sinh, với 24 lớp, là một trong những điểm sáng nhiều năm của ngành giáo dục - đào tạo huyện Ðồng Văn.
Trung úy Biên phòng Nguyễn Hoài Nam ở Trạm tiền tiêu mời chúng tôi vào doanh trại nghỉ ngơi. Ðó là ngôi nhà ba gian hai chái lợp phi-bờ-rô-xi-măng, ngăn nắp gọn gàng. Ðời sống chiến sĩ những năm gần đây tuy được bảo đảm về vật chất, nhưng ở nơi xa xôi này, các anh vẫn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hằng tuần, phải ra tận chợ Phó Bảng mua lương thực, thực phẩm dự trữ. Nhiệm vụ của các anh là bảo vệ đường biên giới, cùng đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, giúp xóa đói, giảm nghèo, đều là những công việc quan trọng, đòi hỏi tâm huyết và trách nhiệm của mỗi người lính. Nhiệm vụ nặng nề như thế, nhưng cứ rảnh ra là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân lại tràn về. Thời nào cũng vậy, "Bộ đội Cụ Hồ" luôn là những người biết hy sinh, biết quên mình vì Tổ quốc.
Tuổi trẻ dân tộc Pu Péo. Có một huyền thoại gắn với đời sống tâm linh của dân tộc Pu Péo vẫn còn được truyền tụng đến giờ, kể rằng: Thuở khai thiên lập địa, bất ngờ có trận đại hồng thủy ập xuống trần gian, nước dâng cao đến lưng chừng trời, tất cả bị nhấn chìm trong biển nước. May mà có mấy người được bà tiên ngủ trong chiếc nong tròn cứu thoát. Mấy người đó chính là thủy tổ của người Pu Péo bây giờ. Chiếc nong tròn nay vẫn là vật linh thiêng. Huyền thoại ấy cứ ám ảnh tôi suốt chặng đường ra thôn Củng Chá, nơi đang được chuẩn bị lễ vật để cúng thần rừng vào sáng hôm sau. Củng Chá theo tiếng Pu Péo có nghĩa là bản Củng. Bản có 29 hộ dân sinh sống, và đều mang họ Củng. Bản còn giữ được cánh rừng nguyên sinh rộng tới gần 600 ha, xanh tốt và bí ẩn. Lúc này mặt trời cũng vừa tắt nắng, chim chóc theo nhau bay về tổ làm náo động cả cánh rừng.
Người đầu tiên tôi tìm đến là ông Củng Diu Pháng, gần 70 tuổi, là cán bộ quân đội đã về hưu. Ông là người có uy tín và đức độ, nên được thôn bản giao làm thầy cúng của thôn Củng Chá. Người Pu Péo giữ lửa quanh năm trong nhà, bếp lửa được đặt nơi trang trọng nhất, gọi là "bếp lửa thiêng", chỉ có khách quý mới được mời ngồi ở bếp lửa này. Sau bữa cơm tối, đống lửa được đốt lên bừng sáng trên cánh ruộng bằng phẳng mà đồng bào vừa thu hoạch lúa xong, người già, trẻ em, thanh niên nam nữ, nắm tay nhau vòng trong vòng ngoài, nhảy múa, ca hát rất náo nhiệt. Cánh thanh niên nam nữ còn hát giao duyên, hát đối, hát đố với mong ước cuộc sống tốt đẹp hơn, tình yêu thương của con người ấm áp, thân tình như ngọn lửa chẳng bao giờ nguội lạnh. Cuộc vui kết thúc khi trời đã về khuya, tiếng chim Từ Quy vọng về khắc khoải, xa xăm. Nhưng đêm đó, cả bản Củng không ngủ. Các cụ già, thanh niên nam nữ hoàn tất những công việc theo sự phân công của trưởng thôn. Người Pu Péo quan niệm ngày đẹp nhất trong năm là ngày 6-6 (âm lịch). Và ngày đẹp nhất trong năm cũng là ngày người Pu Péo làm lễ cúng thần rừng, cầu mong cho dân tộc mình ngày thêm đông đúc, đời sống no đủ, và đây cũng là dịp để báo cáo với tổ tiên thành quả của một năm lao động.
Sáng sớm, sương mù chưa tan, mọi lễ vật được trịnh trọng chuyển ra bìa rừng, được bày lên chiếc nong tròn, đặt trên một giàn tre chắc chắn. Với bà con người Pu Péo, giàn tre tượng trưng cho cánh rừng thiêng, đã che chở, nuôi sống dân làng, còn chiếc nong tròn, để cháu con không quên tổ tiên ngày trước. Cơm nắm dẻo thơm, trứng gà luộc được sắt ra từng miếng nhỏ, con dê đực vừa tuổi trưởng thành béo mập, lông mượt, đôi gà tơ chân vàng một trống, một mái buộc ngay sát giàn tre là lễ vật chính. Ông Củng Diu Pháng, khăn áo chỉnh tề, tay cầm một nhành lá nhỏ, nhúng vào bát rượu, đi vòng quanh nơi bày lễ, những giọt rượu từ nhành lá được ông vẩy ra bốn phía và lễ cúng bắt đầu... Mọi người trong bản đứng vòng tròn quanh ông Pháng lặng phắc, mùi rượu thơm nồng, quyện hòa cùng dìu dịu khói hương, cảm giác như thần rừng thấu hiểu tấm lòng của người dân Pu Péo mà rẽ mây, rẽ lá trở về. Sau đó, đôi gà và con dê được mổ thịt ngay tại chỗ. Ðầu và chân các con vật được rửa sạch trong rượu thơm, dâng lên lễ cúng. Sau đó tất cả được nấu chín bày lên giàn tre. Kết thúc lần cúng thứ ba, ông Pháng xem cẩn thận từng bộ phận tim, gan, phổi, chân gà... để biết năm đó, đồng bào Pu Péo làm ăn thuận lợi, hay khó khăn mà thỉnh cầu với thần rừng che chở phù hộ, cũng là nhằm nhắc nhở bà con chăm lo sản xuất, tiết kiệm, và thực hiện đầy đủ quy ước chăm sóc, bảo vệ rừng. Lễ cúng qua năm phần mới kết thúc và mọi người ở Phố Là đã có trọn nửa ngày để giao hòa với thiên nhiên trời đất, tổ tiên, và bữa cơm được bày ra cạnh bìa rừng cả làng bản cùng ăn. Khi men rượu ngô đã ngấm, cũng là lúc chuyện vui, chuyện buồn được mỗi người kể ra, nào chuyện học hành, công tác của con cháu, chuyện Chính phủ tiếp tục đầu tư kinh phí để đồng bào Pu Péo bảo vệ và trồng rừng ở những nơi đất đai còn hoang hóa; chuyện dân tộc Pu Péo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đoàn kết xây dựng quê hương Phố Là giàu đẹp...
Ðến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ông Củng Diu Pháng đang cùng bà con dân bản ngược núi, đến cây đại thụ cao nhất rừng, tán lá xòe rộng bằng nửa vạt ruộng. Rồi ông trịnh trọng thắp hương dưới gốc cây, báo cáo với "thần rừng" lễ cúng đã hoàn tất và xin một ít cây non để thanh niên mang về trồng vào những khoảng đồi còn trống. Ðó là sự tiếp nối kỳ diệu của rừng cây - đời người, và của cả cộng đồng. Và tôi lại nhớ câu dân ca trong Bài ca chào mặt trời của đồng bào Pu Péo: Sáng sáng mặt trời thức giấc từ phương Ðông - Chiều chiều mặt trời về phương Tây ngủ yên - Như thế, như thế - Trời đất tưng bừng - Làng bản sướng vui... Lời dân ca vấn vít và cuốn hút, như mang theo thông điệp rằng, có một đại ngàn trên cao nguyên đá, và có những con người đang sống yêu đời, yêu rừng, trên cao nguyên xanh.