Khi sương sớm còn phủ mờ núi rừng, dân vùng biên hai nước Lào – Việt gùi hàng đến họp chợ hữu nghị Lào – Việt (tỉnh Xiêng Khoảng, Lào). Chợ chỉ họp vào giữa và cuối tháng (ngày 14 và 29 dương lịch hàng tháng).
Dường như sự chờ đợi nửa tháng mới có một phiên họp chợ bên kia đỉnh Trường Sơn nên dân bản và du khách hai nước đến chợ rất đông. Tiếng khèn gọi bạn vang lên từ chợ rộn rã, da diết.
Thắt chặt tình anh em
Ông Hờ Sấy Cờ (thứ hai bìa phải, ở huyện Kỳ Sơn – Nghệ An) mang khèn sang chợ nước bạn Lào thổi, chung vui cùng bạn bè. Ảnh: An Nguyên |
Trước đây chợ họp trên khu đất bằng hình bán nguyệt sát con suối Nậm Cắn thuộc huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Nghệ An. Sau khi cửa khẩu Nậm Cắn được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, bốn năm nay, chợ di chuyển sang họp tại Noọng Héc (Xiêng Khoảng, Lào) – cách đường biên chừng 1km. Hàng hoá ở chợ, bên cạnh các gian hàng vải thổ cẩm, sản vật từ rừng, vật nuôi cho đến cây thuốc quý, có cả băng đĩa ca nhạc Việt, Lào, Thái.
Anh Và Cháy Hủa ở tỉnh Hồ Phăn, Lào nói tiếng Việt lơ lớ: “Mỗi phiên chợ ta mang hai cây khèn đến. Có tiền mua ta bán, có lợn, gà ta đổi cho”. Ông Lô Nặng Dìa (50 tuổi, ở Kỳ Sơn) cắp nách con gà đen lội bộ gần 10km đến chợ nói: “Ta đến với chợ là để gặp bạn, uống với bạn chén rượu ngô, ăn nắm xôi Lào thôi”. Còn bà Khăm Phăn (62 tuổi) quê gốc ở Nậm Cắn lấy chồng ở thị trấn Noọng Héc, đến chợ không chỉ để mua sắm mà còn mong gặp gỡ anh em từ quê sang.
“Ngày xưa đường sá núi rừng cách trở, ta phải mang theo cơm đùm, đi ngựa đến chợ. Hôm nay thì ta đến chợ bằng xe máy của con ta chở đó”–ông Hờ Sấy Cờ (66 tuổi, ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) nói.
Ông Hờ Sấy Cờ cũng như rất nhiều người Việt đến chợ không mua gì và cũng chẳng có gì bán. Đông đảo người Việt tìm sang chợ nước bạn để được đắm say trong tiếng khèn gọi bạn, hoà mình trong không khí đông vui cho bõ cả tuần lặng thầm nơi đỉnh núi Trường Sơn.
Có tiểu thương nước bạn Lào chở cả xe tải hàng hoá đến chợ, nhưng cũng có nhiều người vượt hàng chục cây số về chợ cũng chỉ bán mỗi một con gà, con heo. Muối, mực khô, cá biển và cá đồng là các mặt hàng từ Việt Nam mang sang chợ được người Lào ưa chuộng nhất.
Sau mỗi phiên chợ, tình đoàn kết anh em đồng bào dân tộc hai nước luôn thắt chặt, gắn bó hơn. Gặp gỡ làm quen từ chợ, nhiều đôi nam, nữ đã nên vợ nên chồng.
Giá không phải là tất cả
Thiếu nữ dân tộc Mông Lào và Việt Nam đến chợ giao lưu và xin số điện thoại của nhau. Ảnh: An Nguyên |
Cách mua bán của đồng bào hai nước cũng khác lạ, cả người mua và người bán không nói nhiều, nhìn nhau cười, chọn mua và trả tiền…hoặc đổi hàng cho nhau. Du khách đến với chợ có thể dùng tiền Việt hoặc tiền Lào mua hàng.
Cách mua bán cũng lạ đời là được giá chưa chắc chủ chịu bán. Một người Mông ngã giá mua chiếc khèn của anh Và Cháy Hủa với giá 450 kíp (khoảng 900 ngàn đồng), anh đồng ý bán rồi đổi ý: “Ta không bán nữa. Mua đàn của ta cái bụng phải thật sự yêu quý nó”. Người Mông ở Lào đến chợ bán các trang phục cũng rất kỳ công. Thường khách ướm thử áo, váy, mũ tới lúc nào chủ hàng thấy thật vừa ý mới nói “vừa, đẹp lắm” và mới nói giá và bán cho khách hàng.
Chị Xầng Y Xanh (ở thị trấn Hoà Bình, huyện Tương Dương – Nghệ An) mang hàng tạp hoá sang bán cho biết: “Dù chợ nằm trên đất Lào nhưng có khoảng 60% gian hàng là của người Việt”. Mặt hàng chủ lực ở phiên chợ của người Việt mang sang chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ sành sứ... Còn người Lào là vải thổ cẩm và ẩm thực cho du khách đi chợ. Các tiểu thương Việt bán hàng ở chợ đều nói được hai thứ tiếng Lào và Việt.
Giữa trưa khách du lịch người Việt theo quốc lộ 7A bằng xe máy, ôtô qua cửa khẩu Nậm Cắn sang Lào tham quan, du lịch. Bữa trưa ở chợ người dân và du khách cùng quây quần bên các gian hàng ẩm thực mà chủ yếu của người Lào phục vụ. Ở chợ, mọi người ăn uống cũng thật lạ. Các gian hàng ăn sát nhau bên chợ đều có chậu nước sạch và khăn lau do cách ăn chủ yếu là dùng tay để vắt xôi, ăn chung với thịt gà nướng, một ít rau rừng chấm với nước tương đỏ cay.
Bữa trưa cả thung lũng rộn vang tiếng cười, chúc tụng và màn nâng chén rượu ngô, bia Lào “dô, dô, dô”, như vỡ chợ.
Sau bữa trưa, tiếng khèn Mông lại vang lên, nhưng phần lớn những người mang khèn đến chợ và thổi khèn đều đã có tuổi. Thay vì ném còn và thổi khèn, kèn lá, hát những bài ca tình yêu như chục năm trước đây, thì đám thanh niên dân tộc Mông, Mẹo, Thái cả Lào và Việt xúm xít đưa điện thoại ra lưu số của nhau trước khi chia tay, hẹn nửa tháng sau gặp lại.
( Theo An Nguyên // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com