![]() |
Điện Biên hôm nay. |
Thuở nhỏ, mỗi lần đọc câu thơ “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng” của Tố Hữu, tôi luôn cố gắng mường tượng về những địa danh, những loài hoa đặc trưng miền Tây Bắc, để rồi chỉ mong một ngày nào đó được đi giữa lòng Điện Biên, khám phá vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa này.
Từ Hà Nội, vượt hàng trăm cây số, càng đến gần Điện Biên, trong tôi lại rộn lên một cảm xúc hồi hộp. Qua miền Tây Bắc những ngày cuối tháng 4 này, dọc hai bên đường, không còn thấy màu trắng hoa ban, sắc vàng của cúc quỳ, hay loài hoa dẻ ngát hương, mà chỉ còn lại màu xanh của núi rừng, của những vách đá cao sừng sững tự ngàn xưa. Và rồi Điện Biên hiện ra trên nền màu ấy như một đóa hoa lớn đang kỳ nở rộ đón chờ du khách.
Đi giữa lòng Điện Biên tôi không khỏi bồi hồi nhớ về một trang sử hào hùng được viết lên bởi biết bao con người đã đổ mồ hôi, xương máu vì sự bình yên cho vùng đất này. Hòa với ánh đèn, nhà cửa khang trang, sắc phục của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Lự, Lào là một quần thể di tích ghi dấu ấn lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, hào hùng và oanh liệt không kém gì Bạch Đằng, Chi Lăng hay Đống Đa hàng trăm năm trước.
Vẫn còn đó trên vùng chiến địa 55 năm trước, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, tại khu rừng nguyên sinh thuộc xã Mường Phăng, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 30km về phía Đông, nơi những quyết định quan trọng nhất liên quan tới vận mệnh dân tộc thế kỷ XX đã được thảo luận và ra đời.
Cách đó không xa, bên đồi A1, nơi ta và địch từng giành nhau từng tấc đất, là nghĩa trang liệt sĩ, thờ phụng anh linh của những chiến sĩ anh dũng hy sinh cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Hầm De Castries, căn hầm chỉ huy của tướng De Castries cùng Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ giờ vẫn y nguyên như nó vốn có giữa trung tâm lòng chảo Điện Biên.
Cách Điện Biên không xa là di tích đường kéo pháo và trận địa pháo của bộ đội trong chiến dịch, là cụm tượng đài công viên chiến thắng Mường Phăng, những di tích được làm từ đá, vừa mới hoàn thành, đứng hiên ngang, hòa mình vào màu xanh núi rừng.
Các di tích này đến nay vẫn được gìn giữ như những chứng nhân lịch sử, trở thành tài nguyên du lịch lịch sử vô giá, mỗi năm thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến tỉnh Điện Biên tham quan, chiêm nghiệm.
Không chỉ tham quan những di tích lịch sử nổi tiếng, tới Điện Biên, du khách còn có cơ hội khám phá một không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Du khách thong thả dạo bước trên cánh đồng Mường Thanh, vựa lúa thơm nhất, ngon nhất vùng Tây Bắc. Xung quanh cánh đồng Mường Thanh là các bản văn hóa của người Thái, người Mông, người Lự, người Lào.
Giữa không gian ấy, du khách có thể chiêm ngưỡng những ngôi nhà sàn của người Thái, nhà đất của người Mông, nhà gỗ của người Lào mọc lên giữa triền núi, tỏa khói lam chiều, tô điểm thêm vẻ đẹp cuộc sống.
Tại các bản văn hóa này, nếu có yêu cầu, bà con dân bản sẽ tổ chức cho du khách thưởng thức các món ẩm thực, tìm hiểu những nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống như múa sạp, múa xòe, nghe hát dân ca của đồng bào các dân tộc.
Đan xen với những bản làng văn hóa truyền thống là các khu du lịch sinh thái mà thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Điện Biên. Hồ Pa Khoang, quanh năm khí hậu ôn hòa, hồ rộng nằm ôm lấy núi, lấy mây, cảnh sắc vô cùng thơ mộng. Suối khoáng nóng U Va, Hua Pe là những điểm dừng chân ưa thích của rất nhiều du khách đến với Điện Biên.
Tôi rời Điện Biên trong một buổi sáng khi ánh nắng chuyển mùa đã lấp lánh trên đầu. Thành phố lại bước vào một ngày mới năng động, đầy sức sống. Chiến tranh giờ đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời oanh liệt vẫn còn mãi sống động trong từng di tích lịch sử, trong mỗi con người nơi đây và cả những du khách mới chỉ lần đầu đến với Điện Biên./.
(Theo Doanh nhân // Vietnam+)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com