Ngày 11/1 Âm lịch, hơn một nghìn người dân làng Thuỵ Lôi (Đông Anh, Hà Nội) và các vùng lân cận đã tham gia lễ hội đền Sái. Vua Lý Thái Tổ lập đền Sái để suy tôn Huyền Thiên Trấn Vũ, một vị thần từng giúp An Dương Vương trừ tà ma quấy rối công việc xây dựng thành Cổ Loa.
Theo tích rùa vàng Kim Quy giúp vua An Dương Vương trừ yêu quái, xây thành ốc Cổ Loa, lễ hội đền Sái diễn tích rước Vua sống (do một cụ già đóng). Sau khi được rước lên chùa Sái, Vua xuống đền ướm gươm (chém vào tảng đá, tượng trưng cho việc chém chết ma gà trắng), rồi trở quay về Đình tạ lễ. Trên đường trở về vinh quy bái tổ, “Chúa” còn xé áo ban cho những gia đình hiếm con trong làng, mong sinh con đàn cháu đống.
Bà Lê Thị Chi 66 tuổi, người làng Thuỵ Lôi cho hay, tổ tiên truyền lại rằng, sau khi xây xong Loa Thành, vào mùa xuân, nhà vua thường về đền Sái lễ tạ ơn trời, đất và thần Trấn Vũ. Thấy quân lính theo hầu dẫm hỏng ruộng lúa của dân, nhà vua ban cho người già làng Thuỵ Lôi được phép đóng giả vua, chúa, quan, quân thay Vua làm lễ tế.
Từ đó, nhằm ngày 16 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, người dân làng Nhồi (nay là thôn Thuỵ Lôi) lại họp bầu chọn người ngự ghế Vua, Chúa trò (còn gọi là Thanh Giang Sứ) và bốn vị quan: Quan Thự Vệ, quan Tán Lý, quan Đề Lĩnh, quan Trấn Thủ.
Theo lệ làng, nam giới 50 tuổi trở lên mới được “đăng ký” làm Vua. Năm đầu, người được chọn chỉ làm quan, hai năm sau mới được làm Vua, Chúa. Nhưng dù là Vua, hay Chúa, mỗi đời người chỉ một lần được “ngự”. Năm nay, “Vua” là ông Lê Tràng Canh, 71 tuổi, “Chúa” là ông Nguyễn Hữu Long, 68 tuổi, đều là người sinh ra, lớn lên ở làng Thuỵ Lôi.
Ở phần hội, lễ tế “trâu đô, lợn đô” trang nghiêm bao nhiêu, thì việc hưởng ứng các quan thi nấu cỗ, làm bánh dày, bánh trưng, gói giò… náo nhiệt bấy nhiêu. Đặc biệt, cỗ “Thượng thính” (cỗ Vua ban) không chỉ có dân làng Thuỵ Lôi mà cả xóm trên, thôn dưới đều được mời tham dự, ăn uống linh đình trong 3 ngày.
Tuy nhiên, “Bỏ thì mất ngôi, ngồi thì mất nghiệp” các cụ được chọn vào vai “Vua” đều “vắt chân lên cổ” lo tiền tổ chức hội hè, đám rước và làm cỗ. Những gia đình khá giả đều “méo mặt” chạy lo tiền làm “Vua”, những gia đình nghèo thì xin khất, thậm chí không dám tham gia.
Ông Nguyễn Hữu Đồng, 70 tuổi cho biết, sau thời gian gián đoạn từ năm 1943 đến xuân Quý Mùi 1980, lễ hội được phục dựng lại. Hội đền Sái ngày càng đông vui, đơn giản, tiết kiệm hơn, phần hủ tục, lạc hậu bị cắt bỏ.
Đền Sái đã được Bộ Văn hóa Thông tin Thể thao và du lịch công nhận là di tích Lịch sử văn hoá. Hội đền Sái không chỉ đậm nét truyền thống, mà còn là một trong số ít lễ hội chưa bị thương mại hóa./.
(Theo Vietnam+)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com