Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đợi xuân trẩy hội Lồng tồng

Bắt đầu từ mồng 5 cho đến hết tháng giêng Âm lịch hàng năm, các bản làng miền núi Tây Bắc, đâu đâu cũng rộn rịp không khí vui hội.


 


Hiếm có lễ hội cổ truyền nào thu hút được nhiều dân tộc cùng tham gia bằng hội Lồng tồng, mặc dù đây vốn là lễ hội truyền thống của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc. Hầu hết các hội Lồng tồng lớn nhất đều được tổ chức vào ngày 9-10 tháng giêng, như Lồng tồng huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Nà Hang (tỉnh Tuyên Quang), huyện Ba Bể (Bắc Kạn).

 

Dù được tổ chức ở bất cứ nơi nào, quy mô lớn hay nhỏ, phần lễ vẫn giữ nguyên các nghi thức cúng lễ, mở đầu bằng lễ cầu mùa, thầy cúng đọc các bài khấn và thực hiện các nghi thức tạ Thiên Địa, cầu thần Nông, thần Núi, thần Suối và Thành hoàng, những vị thần bảo hộ cho mùa màng và sức khỏe, sự bình yên của dân làng.

 

Kết thúc bằng bài cúng kỳ yên giải hạn năm cũ và cầu bình an cho năm mới. Nghi thức “Xuống đồng” là phần quan trọng nhất của lễ hội. Tại mảnh ruộng tốt, một lão nông giỏi nhất sẽ đánh trâu cày những đường cày đầu tiên để bắt đầu một vụ mùa mới. Theo phong tục, sau lễ hội này các gia đình mới bắt đầu làm mùa.

 

Phần hội thì mỗi nơi mỗi nét đặc sắc riêng. Hội Lồng tồng Tuyên Quang có các cuộc thi “hoa hậu làng”, thi khâu quả còn, thi trâu kéo co. Hội Lồng tồng Thái Nguyên có các tiết mục biểu diễn rối que độc đáo. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều du khách, hội Lồng tồng tại huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) độc đáo và hấp dẫn nhất. Không chỉ cảnh quan tuyệt đẹp, hồ Ba Bể - một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên đẹp nhất thế giới - với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn chào xuân bằng những sườn núi rực đỏ hoa đào, những dòng sông hoa mận, hoa mơ trắng muốt. Hội Lồng tồng Ba Bể sôi động với các màn đua thuyền độc mộc, thi bắt vịt trên hồ.

 

Đấy đều là những công việc thường ngày của bà con. Hàng chục chiếc thuyền độc mộc lao vun vút, những chàng trai, cô gái mặc áo chàm như đang lướt trên mặt hồ để bay vào đại ngàn xanh thăm thẳm. Cũng trên thuyền độc mộc, cô gái giữ mái chèo, chàng trai thể hiện sự khéo léo tài trí của mình bắt bằng được chú vịt đang vẫy vùng trên mặt hồ rộng mênh mông. Rồi cũng từ trên mặt hồ, những lời sli, lượn đắm đuối dìu dặt cất lên, làm du khách ngẩn ngơ…

 

 

(Nguồn: SGGP)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Thừa Thiên Huế: Nô nức trẩy hội Điện Huệ Nam
  • Áo bà ba - Nét xưa nhìn lại
  • Tết Nguyên tiêu
  • Nhộn nhịp xin lộc bà chúa Kho
  • Trẩy hội chợ Viềng
  • Tưng bừng lễ hội Gò Đống Đa
  • Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ
  • Tiết, Tết và dấu ấn văn hóa nông nghiệp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com