Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giấc mơ của núi...

Một khi con đường Trường Sơn huyền thoại và cửa khẩu Việt- Lào hoàn thiện, du lịch Nam Giang sẽ có thêm cơ hội cất cánh. Ước mơ của núi đầy như gió, nhiều như sương nơi miền biên viễn…

alt
Sương khói biên giới.

1. Thôn văn hóa Đắc Ốc, xã La Dêê nép bên đường 14D, sát chân cầu A Mó. Bước qua cửa hàng thương mại biên giới chênh vênh bên sườn đồi, qua vài dãy nhà sàn lô nhô với tiếng cười đùa của trẻ nhỏ cùng sơn nữ rửa chân cuối chiều bên máy nước, đã gặp không khí yên ắng đến lạ thường nơi bản nhỏ. Dưới mái hiên nhà sàn ngờm ngợp gió, có những người đàn bà ngồi khâu áo đợi rét; có người giã gạo chuẩn bị mùa mưa mang trên lưng mình nụ cười trẻ thơ, khuôn mặt vô ưu, cùng tiếng nói cười lao xao lặng sâu trong kẽ lá của những căn nhà bên kia con suối nhỏ giữa làng…

Không phải chỉ riêng La Dêê phảng phất không gian buổi chiều như cổ tích, Nam Giang còn có không ít tài nguyên du lịch thuộc hàng của hiếm trên đất Quảng Nam. Những tên đất, tên làng, suối, sông, thác nước và cả một khu rừng nguyên sinh đang bắt đầu trở mình dưới bước chân của những người du lịch đi dọc cung đường Trường Sơn huyền thoại, rong ruổi tận miền biên giới với nhiều kỳ hoa, dị thảo. Một làng nhỏ của đồng bào dân tộc Cơtu, nằm cạnh tuyến đường Hồ Chí Minh, có tên làng Rô đã từng là chứng nhân của lịch sử hào hùng; một đoạn đường mòn Trường Sơn dài 2km - một trong số ít đoạn đường huyền thoại khốc liệt còn nguyên trạng sau khi xây dựng đường Hồ Chí Minh tại cầu Xơi, làng Ngói, xã Cà Dy. 

Từ cây số 0 nơi bến Giằng đường 14D, lên cửa khẩu, đi một thôi đường, rẽ vào con đường đất hẹp đã gặp một thác nước 3 tầng tung trắng bụi mờ, thuộc vào loại “kỳ quan” thiên nhiên, hoang sơ, đẹp như cõi bồng lai giữa khu rừng nguyên sinh hoặc gặp một làng thổ cẩm lâu đời Zara, có người con gái ngồi dệt vải giữa nhà sàn bên cánh đồng và triền sông đầy gió…Và đi giữa Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, hiện diện những loài thú quý hiếm, với hàng trăm loài động thực vật nằm trong sách Đỏ Việt Nam, kéo lên tận miền biên giới đầy sương, hoa cùng cái hanh hao lạnh như ở Sapa, Đà Lạt, thi thoảng gặp người ngược dốc, gùi sản vật từ rừng, rẫy về nhà hay qua biên giới mua hàng của người Lào. Chưa hết, còn có cả kho tàng văn hóa dân tộc thiểu số, thấm đẫm nhân văn, hiện hữu nơi các nhà làng truyền thống, trong vũ điệu dân gian, bập bùng bên bếp lửa nhà sàn, nồng say men Tà Vạt của người Cơ tu …

alt
Dệt thổ cẩm của người Cơtu.

2. Quán nước nhỏ của bà Năm nằm trên rẻo đất nhỏ cạnh bến sông Giằng mở từ hơn bốn  năm nay, thi thoảng đón khách bộ hành. Căn nhà của An đã dời từ trong khuôn viên Ban quản lý sông Thanh ra cạnh con lộ, bày bán đủ thứ, và An cũng đã thôi làm người dẫn đường “bất đắc dĩ” vào Grăng như mấy năm trước, đuổi theo nghề “thầu khoán” trước cơn lốc xây dựng đón đầu. 

Người dân Nam Giang biết rất rõ khó có thể làm giàu bằng sản xuất nông nghiệp; còn công nghiệp, dịch vụ được xem như tiềm năng lớn, thì một trong những cái mà họ lựa chọn chính là du lịch. Họ hiểu, nhu cầu về du lịch văn hóa, sinh thái và thăm chiến trường xưa - di tích chiến tranh có xu hướng ngày càng phát triển mạnh mẽ, sẽ ảnh hưởng tích cực đến vấn đề đầu tư khai thác các nguồn du lịch quý giá sẵn có trong khu vực hành lang tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 14D lên cửa khẩu Việt - Lào. Không ít phương tiện giao thông tham dự vào việc vận chuyển hành khách và du lịch, kéo theo nhà nghỉ mọc lên từ tư duy nhạy bén của các nhà buôn. Song, dường như giữa ý tưởng và hiện thực vẫn còn là khoảng cách khá xa, Nam Giang vẫn chưa khai thác, xây dựng được sản phẩm du lịch nào kể từ ngày đón đoàn khách lữ hành quốc tế đầu tiên theo chuyên đề “Du lịch văn hóa các dân tộc và đường Hồ Chí Minh “ năm 2006, nên chẳng có gì lạ, khi cửa hàng trưởng Cửa hàng thương mại biên giới La Dêê  đã từng bối rối trước những người khách lạ bất ngờ hỏi mua những món hàng đắt tiền, lạ lẫm; quán nước ven đường của vợ chồng An, các chợ biên giới, cửa khẩu vẫn lạnh lẽo, trống vắng, chờ đợi khách lại qua và miền biên viễn nên thơ ấy vẫn mãi là vùng đất xa xôi, dù không còn “cách trở đò giang”. Chính quyền thừa nhận hạn chế ấy là do địa phương thiếu nguồn lực kinh phí và con người cho việc đầu tư, quảng bá, giới thiệu, lẫn trình độ quản lý du lịch còn non kém đã khiến việc phát triển du lịch tại Nam Giang còn quá nhiều hạn chế, tự phát, không đáng kể, chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có.

Ước vọng của núi là phát triển du lịch. Sẽ biến tài nguyên… thành những điểm đến hấp dẫn trong tương lai. Cửa khẩu đã khai thông, lượng giao thương trên con đường, khu vực này sẽ gia tăng theo những đoàn caravan, xuôi ngược trên những chuyến xe hàng… chính là cơ hội cho địa phương mở rộng cửa du lịch. Chủ tịch Chơ Râm Nhiên đã đưa ra nhiều phương án quy hoạch du lịch, xây dựng dự án gọi vốn đầu tư khu du lịch sinh thái Grăng, xây dựng các làng điểm giới thiệu những nét đặc trưng của đời sống văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Nam Giang. Dân dệt thổ cẩm ở Zara, Công Dồn sẽ được ưu đãi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ vốn trồng bông, dệt vải. Và huyện còn đưa ra nhiều  phương án tổ chức bán hàng, lẫn thực hiện các công đoạn của sản phẩm thổ cẩm ngay chợ biên giới bằng chính đôi tay mỹ cảm của các nghệ nhân giới thiệu đến du khách gần xa…    

Con đường 80km từ Đà Nẵng lên thị trấn Thạnh Mỹ đã gần đi rất nhiều theo những chuyến xe đò thường ngày. Từ cách nhìn thực tế với sự trợ lực của con đường Trường Sơn huyền thoại, cùng việc khai thông “đường lên biên giới” tận cửa khẩu Nam Giang, ước mơ của núi có thể trở thành hiện thực.

(Theo NAM KHA // Báo Quảng Nam)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Lung linh đèn lồng phố Hội
  • Ai về làng Vác…
  • Về An Giang đi tour mùa nước nổi
  • Đi Nha Trang... lên núi
  • Hà Nội: Một nét văn hóa ở... “Phố Tây” Tạ Hiện
  • Thủy sản nước ngọt và ẩm thực thời khẩn hoang
  • Về Sóc Trăng đi du lịch xanh
  • Ăn gốm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com