Mùa nước nổi ở An Giang. |
Hàng năm vào tháng 7 âm lịch, cả vùng châu thổ Mê Kông chìm dần trong nước cho đến tháng 10 âm lịch. Trái ngược với những cơn lũ dữ dội và thường bất ngờ ở các vùng miền khác, nước ở đây dâng lên từ từ và đúng lịch nên dân gian từ ngàn xưa gọi đó là mùa nước nổi, một món quà của Mẹ Thiên Nhiên. Năm nào nước về kém là dấu hiệu của mùa màng thất bát.
Chúng tôi theo chân đoàn khách đến từ Vũng Tàu và TPHCM, rời thành phố Long Xuyên theo quốc lộ 91, rồi rẽ sang tỉnh lộ 941, chạy đến địa phận xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, An Giang. Tại đây thuyền máy đã đợi sẵn. Mọi người lục tục xuống xe và nhận mỗi người một áo phao, một áo mưa cùng một túi chống thấm dùng để cất ví, điện thoại. Ba chiếc thuyền chở gần 30 người rời bến đi dọc theo kênh Mặc Cần Dưng khoảng một cây số rồi dọc theo kênh Mương Sáu và kênh Vàm Xáng Cây Dương ra đồng Láng Linh. Thỉnh thoảng lại gặp một chiếc ghe cào hến, nơi khác lại thấy mấy em bé đang ngồi vắt vẻo trên xuồng gỡ lưới ngay trước cửa nhà, từng đàn vịt lao xao khi thuyền đi qua. Ghe chở hàng ngược xuôi liên tục. Lúc này mức nước đang đến đỉnh. Không một dấu hiệu nào cho thấy chúng tôi đang đi vào vùng lũ đầy bất trắc, hiểm nguy. Chui qua một chiếc cầu gỗ, chúng tôi rẽ về phía tây. Trời bắt đầu mưa. Một cảnh quan ấn tượng mở ra trước mặt: cả một biển nước mênh mông nhìn mút mắt đến tận chân trời. Đó là đồng Láng Linh (cánh đồng lênh láng nước). Láng Linh là một vùng đất thấp, nhiều phèn, ngày xưa không có kênh rạch lớn ra vào, suốt năm chỉ gieo gặt một mùa lúa sạ. Nay Láng Linh thuộc 3 huyện Châu Phú, Châu Thành, Tịnh Biên. Những ngọn núi của dải Thất Sơn mờ mờ nơi chân trời phía tây gợi cho ai đã xem bộ phim “Mùa len trâu” mà hôm nay dự tour này không khỏi bồi hồi cho một thời xa vắng, khi mà những người khai phá đã phải trải qua biết bao gian khổ để sinh tồn. Thuyền chạy giữa hai rặng bạch đàn, dấu vết để nhận ra đây là những con mương được đào sau này để dẫn nước và di chuyển dễ dàng. Có lúc chúng tôi băng đồng để tránh những cây cầu khỉ bắc qua mương mà giờ đây nhìn như những chiếc ghế dài bằng tre ai bỏ quên trên đồng nước, thuyền không thể chui qua được. Thấp thoáng trên đồng, những chiếc xuồng câu vẫn chăm chỉ gỡ lưới, nơi khác thì đang lặn ngụp cắm dớn (một loại bẫy lớn đón cá tôm, ngày xưa dớn làm bằng tre). Cá ở đây chủ yếu là cá trắng (cá linh, cá rô, cá chốt…), những loại cá không sống lâu khi rời mặt nước nên để giữ cá còn sống khi ra đến chợ, xuồng câu ở đây có một khoang thông nước vào ra để rộng (*) cá vì đi được từ đồng ra đến chợ có khi mất vài tiếng đồng hồ. Mỗi chiếc xuồng, ngoài dầm để bơi, còn có một cây sào để chống đẩy và để cắm xuống đu người nổi lên mặt nước khi giông gió lật xuồng. Mà chuyện gặp giông giữa đồng là bình thường. Trên các thuyền, hướng dẫn viên vừa thuyết minh vừa liên tục giải thích các câu hỏi tới tấp của du khách. Dân thành phố về đồng thì tất nhiên có biết bao điều mới lạ. Tiếng "à há!" và xuýt xoa của du khách trên thuyền chúng tôi gây hứng khởi cho Thuý Kiều, Phó giám đốc của Lữ hành An Giang. Miệng nói tay chỉ, Thuý Kiều say sưa kể chuyện với khách. Chính gia đình cô cũng là nông dân nhiều đời sống nhờ mùa nước nổi. Mưa vừa tạnh khi chúng tôi tiến đến dinh Sơn Trung (*) và cập vào cạnh di tích lò rèn Bảy Thưa. Đây chính là bản doanh mật khu Bảy Thưa do quản cơ Trần Văn Thành lập nên vào năm 1867. Nay ở đây đã có đường bộ dẫn đến. Chiếc cầu tàu bằng xi măng dành cho khách thập phương đến viếng ông Cố (danh xưng dành cho quản cơ Trần Văn Thành) tạm trở thành bến tàu du lịch. Lên bờ, cánh phụ nữ sà ngay vào một cái bếp đang xèo xèo tiếng mỡ chiên bánh xèo. Một cô gái thoăn thoắt dùng cục mỡ heo tráng cái chảo rồi đổ vào đấy một vá bột có trộn lẫn cá linh thái mỏng. Chốc sau, cô lại mở nắp chảo rồi vốc một nắm bông điên điển rải lên mặt bánh. Những chiếc bánh nhanh chóng được sắp lên một cái mâm đang đầy dần. Năm 2009, Công ty cổ phần dịch vụ Lữ hành An Giang là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh tour tham quan mùa nước nổi, một sản phẩm du lịch rất mới của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). “Chúng tôi muốn góp phần cùng với địa phương tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Hy vọng thời gian tới, với sự hợp tác này, Lữ hành An Giang và người dân xã Vĩnh An huyện Châu Thành sẽ có nhiều cơ hội kiếm tiền từ món quà thiên nhiên ban tặng qua mùa nước nổi”, ông Lê Minh Hưng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ Lữ hành An Giang nói.Tỉnh An Giang đã có đề án 31 và sau đó đổi thành chương trình “Khai thác lợi thế mùa nước nổi giai đoạn 2006 - 2010” đem lại thu nhập, lợi nhuận cho người dân địa phương tăng dần hàng năm. Cụ thể như năm 2006 đạt giá trị sản xuất trên 2.265 tỉ đồng, năm 2007 đạt trên 3.324 tỉ đồng. Riêng năm 2008 đạt cao nhất từ trước đến nay, trên 4.902 tỉ đồng, tăng gần 2.000 tỉ đồng so năm trước.
Nhiều người lại bâu quanh một chị đang thoăn thoắt kẹp từng con cá linh vào cái nẹp tre tươi rồi nướng cá với lò than đang riu riu. Cạnh đó là một anh chàng sửa soạn cho cái lẩu cá linh bông điên điển và món gỏi bông súng đồng. Màu vàng rực của bông điên điển nổi bật trên màu tím hồng của cọng bông súng đồng đã lột vỏ được điểm xuyết bằng màu trắng của những con tép và màu đỏ của những lát ớt xắt...
Riêng con cá linh cũng là một đề tài cho du khách "trố mắt" ngạc nhiên. Hoá ra cá linh đầu mùa, giữa mùa và cuối mùa nước là khác nhau. Chỉ có người dân tại đây mới được thưởng thức cá linh đầu mùa. Lúc ấy con cá chỉ bằng đầu đũa, tan ngay trong miệng để lại vị ngọt bùi. Vào giữa mùa, cá bắt đầu lớn cỡ ngón tay và có xương. Lúc này người ta nướng chấm với muối ớt dầm me tươi hoặc kho với mía cho rục. Cuối mùa, cá đã to cỡ hai ngón tay thì được làm mắm hoặc nước mắm. Nước mắm cá linh mang hương vị của đồng nội khác hẳn vị biển của cá cơm. Ánh chớp của đèn máy ảnh loa lóa khắp nơi. Lúc này trời âm u nhưng không ai bận tâm. Khi sự háo hức của cảm giác khám phá của mọi người dịu xuống, một trò chơi được bắt đầu. Bốn đội, mỗi đội 2 người tham gia cuộc thi chèo xuồng một quãng khoảng 100m. Tiếng reo hò cổ vũ pha lẫn tiếng cười vang vì xuồng không chịu đi hoặc đi hướng khác. Sau đó là thi gỡ cá. Mỗi đội gỡ một đoạn lưới đã được thả sẵn. Cá của ai nhiều hơn sẽ thắng. Trên xuồng mỗi đội lại có một người dân địa phương ngồi hướng dẫn. Chúng tôi theo hướng dẫn viên qua một cây cầu xi măng dài dẫn vào dinh Sơn Trung. Ngôi nhà lá năm xưa để thờ nay là một ngôi đình to lớn, thoáng đãng. Có cả chỗ cho hàng trăm người về ăn nghỉ trong dịp 21 tháng Hai (âm lịch) hàng năm. Tất cả đều do khách thập phương hỷ cúng. Cây kiếm lệnh năm xưa vẫn uy nghiêm trên bệ thờ Cố quản. Địa danh Bảy Thưa vốn từ tên cây bảy thưa, một loại cây phổ biến tại đây năm xưa nay chỉ còn lác đác vài cây. “Con cùng ông ngoại về đây làm công quả và vái ông Cố”, Thuý Diễm, một nữ sinh lớp 12 trường trung học Vĩnh Bình nói một cách thành kính. Chỉ trong một thời gian ngắn (1867 – 1873) trở thành mật khu kháng chiến chống thực dân, Lò Rèn và người tổ chức là quản cơ Trần Văn Thành đã đi vào tâm thức người dân đồng Láng Linh cho đến tận hôm nay. Lò rèn năm xưa nay được tái dựng đúng vị trí cũ. Cụm tượng diễn lại cảnh lò rèn của nghĩa quân đang nổi lửa trông sống động như thật. Đến giờ ăn, chúng tôi rời cầu tàu tiến thẳng ra giữa đồng. Chọn một con mương có trồng hàng bạch đàn dọc bờ rồi cho trẹt (*) cập vào. Cô gái đổ bánh xèo cùng bộ đồ nghề được mời đi theo để bảo đảm luôn có bánh nóng hổi. Cá của các đội thi đấu bắt được đã bổ sung cho món cá nướng kẹp. Lại có thêm cả món ốc nướng. Hai cái trẹt biến thành hai mâm cơm nổi giữa lòng mương. Khung cảnh và hương vị đồng nội mang lại một cám giác khó tả, mênh mang, sảng khoái. Bữa ăn trưa được nấu từ những nguyên liệu tại chỗ, từ chính cánh đồng này. Những món ăn không xa lạ với người dân đồng bằng như chúng tôi nhưng cảm giác thưởng thức và hương vị vẫn hết sức tươi mới, ngon lạ lùng. Những con ốc, con cá kia có thể do chính tôi vừa bắt lên lúc nãy hoặc chiếc bánh xèo "rách nát" này hình như là "tác phẩm" của tôi... Đến lúc này tôi mới để ý một người đàn ông khỏe mạnh, trạc 30 tuổi luôn tươi cười qua lại mấy cái trẹt. Anh thúc hối dọn thêm thức ăn chỗ này, nhắc nước đá chỗ kia và tươi cười mời tôi miếng dưa hấu tráng miệng. Lúc nãy cũng chính anh xăng xái đón chúng tôi lên bờ. Hoá ra đây là Trịnh Văn Điệp, phó chủ tịch xã Vĩnh An, huyện Châu Thành. UBND xã Vĩnh An tán thành ý tưởng tổ chức tour mùa nước nổi của Lữ hành An Giang và cử anh là người hỗ trợ. Ngoài việc bảo đảm an ninh cho du khách, xã còn phải tìm người đổ bánh, đưa thuyền đón khách, chuẩn bị cho các trò chơi. Lần đầu tiên, cuộc sống tĩnh lặng đồng Láng Linh lại trở thành một sản phẩm du lịch. Anh Điệp tỏ ra vui mừng vì tìm thêm được công việc cho người dân vào mùa nước. Một đoàn khách như hôm nay mang lại công việc cho hơn mười người, chưa kể khả năng bán được sản vật tại chỗ khi hoạt động du lịch tại đây phát triển. Chúng tôi là đoàn khách thứ sáu đi tour mùa nước nổi trong năm nay, là năm đầu tiên Lữ hành An Giang chính thức bán tour cho du khách. Nguyễn Phùng Anh Khoa, trợ lý công nghệ thông tin của công ty kiểm toán KPMG cho biết, anh và các bạn rất hài lòng và thỏa mãn với tour này. Anh đã tận mắt thấy mùa nước nổi tại đây và biết thêm được cuộc sống người dân ĐBSCL. Chúng tôi ra về bằng trẹt và theo một hướng khác lúc đi vào đồng. Hai bên cuôc sống vẫn nhộn nhịp. Một ông cụ khư khư ôm lấy cái nón vải đựng đầy bông điên điển. “Tui nay đã 74 tuổi mới biết thế nào là mùa nước nổi khi con cháu mời đi. Tui thích quá, hóa ra đâu có dễ sợ như người ta nói, về nhà tui sẽ khoe là đã tự mình “trèo cây” điên điển để hái được bao nhiêu đây bông nè”, ông cười hóm hỉnh. _____________________________________________________ (*) Rộng: Giữ cá còn sống trong thùng có nước. Dinh Sơn Trung: Là nơi thờ quản cơ Trần Văn Thành. Trẹt: một loại phà tự hành nhỏ thường dùng để chở người và các phương tiện qua sông hoặc di chuyển trên sông rạch ở ĐBSCL.
(Theo Trần Kiêm Mỹ Xuyên // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com