Nghề làm gốm gia dụng tiếp tục phát triển, dù thị trường nay có khá nhiều chủng loại đồ gia dụng bằng sứ chiếm lĩnh, nhưng nhìn chung, đồ gốm vẫn có được vị trí riêng trong sản xuất và tiêu dùng. Có những thương hiệu sản xuất gốm gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn, từ những năm đầu thế kỷ 20 như gốm Sài Gòn, gốm Cây Mai, tiếp đến có gốm Lái Thiêu, gốm Biên Hoà… chuyên sản xuất, cung cấp các sản phẩm gốm trong đó phổ biến là đồ gia dụng, chén bát, lu hũ, chậu, việm, sanh, ơ…
Gốm ngon hay sứ ngon?
Bộ đồ ăn bằng gốm Cường Phát. Ảnh: Phan Quang |
Để phân biệt gốm và sứ, trước hết dựa vào cốt thai của sản phẩm, sứ được làm từ cao lanh, nung với nhiệt độ trên 1.200oC sẽ cho ra sản phẩm sứ, gốm được làm từ đất, nung ở nhiệt độ dưới 700oC. Do vật liệu là các loại đất sét, nên trong cốt thai gốm đó tính xốp, nhẹ hơn, độ mịn, bóng của sản phẩm cũng kém hơn nếu so với sứ. Nhưng bù lại, các sản phẩm gốm có được nét mộc mạc, chân phương riêng của từng dòng gốm, từng phong cách gốm, và giá cả cũng mềm hơn so với các sản phẩm bằng sứ nên nhờ vậy vẫn được thị trường đón nhận.
Theo bà Hà Thị Phương Như, chủ doanh nghiệp sản xuất gốm sứ Minh & Phương: “Ăn cơm với một chiếc chén đẹp sẽ thấy ngon miệng hơn. Tuy chén gốm không bền chắc như chén sứ nhưng sử dụng trong gia đình rất phù hợp vì giá cả phải chăng và mẫu mã phong phú. Khách hàng có thể đặt hàng theo ý thích. Tuỳ theo mẫu mã, loại dễ khoảng một tuần, loại khó từ 2 – 3 tuần là giao hàng”.
Ở thị trường, riêng với các loại chén gốm, thường có giá từ 3.000 – 6.000đ/cái, cao cấp từ 10.000 – 15.000đ/cái.
Trong bộ đồ ăn được làm từ gốm, các sản phẩm chén – đĩa – tô là phổ biến nhất, kế đến là ấm – ly – tách. Với kỹ thuật sản xuất hiện đại như ngày nay, việc nung gốm bằng lò gas thay thế lò củi đã hạn chế được những lỗi lò, sản phẩm ra đời ít mang lỗi hơn, nhiệt độ được kiểm soát nên đem lại hiệu quả tối đa về độ bền của cốt thai, màu sắc của men trên từng sản phẩm.
Ngọc Ánh ở quận 12 cho biết: “Tôi thích những hoa văn mộc mạc của đồ gốm vì nó gần gũi. Cầm cái chén gốm, mỗi lần ăn cơm tôi lại nhớ về hình ảnh những bữa cơm với ông bà ngày xưa”. Ưu điểm của gốm là sự mộc mạc, nhưng khi đời sống nâng cao, yêu cầu của khách hàng chọn sản phẩm gốm cũng khắt khe hơn nên các sản phẩm gốm gia dụng hiện rất đa dạng, mỏng – nhẹ, trang trí theo nhiều cách như khắc chìm, đắp nổi, các hoa văn hoạ tiết vẽ dưới men, hoặc trên men thể hiện những đề tài giản dị đời thường như sen – cua, chuồn chuồn lá môn, con gà bụi chuối… mang tính mỹ thuật cao và rất có hồn.
Cẩn thận với gốm trôi nổi
Việc sản xuất gốm gia dụng phát triển mạnh, không chỉ tiêu thụ thị trường trong nước, các lò gốm ở Bình Dương, Bát Tràng, Hải Dương… hiện có nhiều đơn hàng xuất đi các nước trong khu vực, Nhật Bản, châu Âu, theo yêu cầu của khách. Cứ sau mỗi đơn hàng, mỗi lò gốm thường sẽ dư ra một số sản phẩm chén – bát – ly – tách… bày bán ra thị trường ở các phòng trưng bày của công ty, thường thấy ở các showroom ở Bình Dương, Bát Tràng... Có những khách hàng chuyên tìm mua những mặt hàng này cho nhu cầu sử dụng, vì là hàng sản xuất không nhiều, mỗi sản phẩm đều có phong cách rất riêng, mẫu mã đẹp, kiểu dáng hiện đại, phong phú.
Hiện nay, mặt hàng gốm trôi nổi ngoài thị trường đủ chủng loại, ấm chén, bát đĩa, ly tách đều đủ cả, được sản xuất theo công nghiệp hàng loạt với giá rẻ, nhưng thật khó để xác định đâu là sản phẩm an toàn cho sử dụng.
Thuỳ Linh, ngụ tại làng gốm Bát Tràng, chủ nhân của siêu thị gốm trên mạng muare.vn cho biết: “Gốm Việt Nam đang có đối thủ rất mạnh là Trung Quốc. Một số nhà sản xuất gốm Việt có hướng đi riêng để phát triển như đi sâu về hồn dân tộc, chú trọng vào chất lượng. Hàng Trung Quốc trôi nổi ngoài thị trường nhiều, giá rẻ nhưng chất lượng khó xác định, nhất là những chất độc như lượng chì vượt quá mức cho phép trong men gốm dễ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ”.
Một sản phẩm gốm gồm cốt thai (các loại đất sét) tạo khung cho sản phẩm, sau đó có thể phủ men hoặc không men. Với những sản phẩm gốm mộc (không phủ men), phạm vi trong gia dụng không nhiều, chủ yếu là chén, đĩa, ấm, tách… Với những loại phủ men, để có được những màu sắc đẹp, độ bóng cao, đa phần phải sử dụng các loại men hoá học và người tiêu dùng khi mua sản phẩm gốm thường quen chú trọng vào ngoại hình, ít ai quan tâm đến câu chuyện các thành phần trong men gốm có bị nhiễm độc, ảnh hưởng đến sức khoẻ hay không.
Hiện chỉ có những cơ sở, công ty sản xuất gốm có thương hiệu lớn, mới cam kết sản phẩm gốm không nhiễm độc chì – một trong những chất gây ung thư, nhưng con số ấy quá ít so với hằng hà sa số các sản phẩm gốm gia dụng bày bán khắp nơi từ Nam chí Bắc.
( Theo Nguyễn Đình – Minh Cúc // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com