Hổ quyền là đấu trường giữa hai loài thú mạnh mẽ nhất của rừng xanh là voi và hổ. Mỗi năm một lần cuộc đấu giữa voi và hổ được tổ chức. Đó là một ngày hội tưng bừng của Huế. Ngày hội nhằm giải trí, tiêu khiển cho vua, quan lại và người dân nào yêu thích cũng được tới xem tự nhiên, không có ngăn cấm gì.
Theo các cụ kể lại, các quan võ là những người hào hứng nhất trong ngày hội, vì hổ và voi đấu nhau, chúng đều có những miếng thế thủ và tấn công đối phương của riêng mình. Các quan võ quan sát kỹ từng miếng ấy để chuyển hóa, cách tân nó thành ra những miếng võ rất lợi hại cho nghề võ cổ truyền và cho riêng mình.
Hổ quyền được xây dựng vào năm 1830, tại một địa điểm đẹp ngay gần bên sông Hương thuộc thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, cách trung tâm TP Huế 4 km. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, thú vị và thuộc loại hiếm có của khu vực châu Á. Cụm Di tích Hổ quyền - Voi Ré là một bộ phận cấu thành của quần thể di tích Cố đô Huế.
Hổ quyền gồm hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm được xây bằng gạch vồ, có trét vôi vữa rất chắc chắn. Vòng trong có đường kính 35 m, chu vi xung quanh 110 m, cao 6 m - Đủ độ an toàn cho con vật đấu bên trong nếu có thua cũng không thể nhảy qua bên ngoài được.
Mặt tường ngoài rộng, vua, quan và dân đứng trên mặt tường này để tận mắt xem cảnh hổ và voi đấu nhau ở vòng trong. Dĩ nhiên khu vực nhà vua và quan lại đứng được ưu tiên ở đoạn xem thuận lợi nhất, vua có ghế ngồi và bên trên có lọng che.
Ngày hội Hổ quyền cả kinh thành tưng bừng. Trên sông Hương có thuyền rồng chỉ vua quan ngược dòng từ Nghinh Lương Đình lên thôn Trường Đá. Đường bộ dân tấp nập theo đường ven sông từ Nam Huế lên xã Thủy Biều.
Ai cũng đều có tâm trạng náo nức để xem hổ và voi - hai mãnh thú của rừng xanh đấu nhau ra sao.
Xung quanh vòng tường trong có những chuồng nuôi voi và nuôi hổ. Việc nuôi voi và nuôi hổ cũng rất kỳ công.
Người chăm sóc chúng phải nghiên cứu kỹ xem thức ăn của chúng như thế nào để cho ăn thật đầy đủ, giữ nguyên vẹn được sức khỏe của mãnh thú, có vậy cuộc sống mới sôi động.
Và trong quá trình nuôi dưỡng phải quan sát để xem con thú nào có sức khỏe tương đương nhau, để khi đấu, mở cửa chuồng cho chúng ra. Trận đấu tương sức như vậy mới thấy hết miếng võ của chúng. Nếu để một con khỏe đánh một con yếu, thì chỉ mấy miếng, con yếu đã chạy sẽ mất hứng thú.
Trận đấu cuối cùng được diễn ra vào thời vua Thành Thái năm 1904.
Du khách đến Huế, nghe nói đến Hổ quyền, ai cũng muốn đến xem. Thành quách còn đó.
Đáp lại mong muốn ấy, các nhà làm phim của Hàn Quốc đã quyết định phục dựng di tích Hổ quyền bằng kỹ thuật số 3D do Viện Khoa học công nghệ kỹ thuật U-KAIST tài trợ.
Xem bộ phim này sẽ thấy được lịch sử, cảnh quan, không gian kiến trúc Hổ quyền, cách xây dựng Hổ quyền như thế nào, không khí ngày đấu Hổ quyền ra sao.
Điểm hấp dẫn của bộ phim sẽ là cảnh đấu quyết tử giữa voi và hổ được dùng kỹ thuật, xảo thuật điện ảnh như họa đồ vi tính, bởi bây giờ có những cảnh không thể có để quay, để dựng được.
Riêng cảnh ngày hội, cảnh vua, quan và các tỳ nữ phục vụ sẽ được đóng vai khá kỳ công, kỹ càng để người xem cảm nhận được những cảnh đẹp và không khí tưng bừng náo nức của ngày hội.
Công ty Di tích Huế sẽ kết hợp chặt chẽ với những người làm phim hiện đại của Hàn Quốc với kỹ thuật công nghệ kỹ thuật số 3D để mau chóng ra mắt du khách bộ phim này./.
(Theo Nguyễn Quang Hà/baocamau)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com