Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khu căn cứ Vũ Quang

Khu căn cứ địa Vũ Quang nằm chon von trên hai dãy núi đá hiểm hóc, lưng tựa vào dãy Giăng Màn hùng vĩ, xung quanh là dòng chảy của hai con sông, tạo nên một thế chiến lược đắc địa “vừa có thế công, vừa lợi thế thủ”.

Khu căn cứ Vũ Quang là nơi đóng đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX nằm trong dãy rừng nguyên sinh thuộc xã Hương Quang, huyện Vũ Quang.

Khu căn cứ này được xây dựng từ năm 1887 đến năm 1889 dưới sự chỉ huy của Cao Thắng, phó tướng của Phan Đình Phùng, bao gồm đào hào đắp luỹ, đào hầm đất nung khô để cất giấu lương thực, lập các lò rèn vũ khí với một hệ thống đồn trại dày đặc để bảo vệ đại bản doanh và bộ tham mưu nghĩa quân. Số quân thường trực ở đây khoảng 500 người với trang bị vũ khí đầy đủ.

Từ đại bản doanh Vũ Quang, Phan Đình Phùng và Cao Thắng chủ trương cho các quân thứ ở các huyện cùng một lúc tấn công địch giành thế chủ động và mở rộng địa bàn hoạt động. Năm 1893, Phan Đình Phùng và Cao Thắng quyết định mở một cuộc tấn công lớn vào thành Nghệ An trung tâm đầu não của địch. Đang đánh thắng lớn ở Thanh Chương thì Cao Thắng hy sinh, kế hoạch tấn công bị bỏ dỡ, bộ chỉ huy nghĩa quân mất một người mưu lược dũng cảm.

Lúc này phong trào Cần Vương trong cả nước gần như đă chấm dứt. Căn cứ Vũ Quang gần như bị cách ly với đồng bằng bởi địch dồn toàn bộ lực lượng xiết chặt vòng vây. Tháng 10-1894, thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn tấn công lên căn cứ Vũ Quang, bị nghĩa quân của Phan Đình Phùng tiêu diệt 100 tên và thu nhiều vũ khí, chiến lợi phẩm.

Sau trận ấy, địch huy động một lực lượng lớn tấn công căn cứ Vũ Quang với chiến lược bao vây chọc thẳng đánh dài ngày và cắt đường dây tiếp tế liên lạc. Ngày 28-12-1895, lãnh tụ Phan Đình Phùng đã anh dũng hy sinh, cuộc khởi nghĩa đi vào tan rã.

Di tích căn cứ Vũ Quang bao gồm thành luỹ, bãi tập binh và một số dấu tích liên quan đến một số trận đánh lớn.

Thành Vũ Quang là trung tâm của khu di tích được tạo bởi đá tự nhiên có tổng chiều dài 8.010 m rộng 150m, mặt tiền của thành dựng đứng có độ cao trung bình 30m, hiện còn dấu tích của hai cổng: cổng chính và cổng đông bắc.

Tại cổng chính có hai hòn đá lớn cao 3mx2m, tương truyền đây là nơi nghĩa quân Phan Đình Phùng đứng gác, phía dưới có vực thành là điểm cuối cùng của thành luỹ.

Đối diện với mặt tiền là dãy núi Tây Thành làm bức tường tự nhiên bảo vệ Đại bản doanh. Hậu thành dựa vào núi Giăng Màn tạo nên thế vững chắc an toàn cho căn cứ, dưới núi có khe rào Rồng, chân ôm lấy thành và gặp khe Vách rào tạo thành đầu nguồn sông Ngàn Trươi nơi xảy ra trận đánh nổi tiếng ngày 30-10-1894 trận đánh tiêu biểu của khởi nghĩa Phan Đình Phùng. Mặt thành bằng phẳng là nơi đóng bộ chỉ huy doanh trại nghĩa quân hậu cần, quân lương.

Bãi tập nghĩa quân: cách thành cũ quay về phía tây nam khoảng 3km, có bãi đất khá rộng, phía tây giáp sông Con, phía đông giáp núi cây Khế, phía nam giáp khu vực xã Hương Điền đây là nơi nghĩa quân luyện tập võ nghệ bắn súng cưỡi ngựa.

(Theo Hà Tĩnh Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Ngã ba Đồng Lộc
  • Biển Thiên Cầm hoang sơ và thanh bình
  • Vẻ đẹp làng quê Bắc bộ
  • Đền Quan Thánh (Võ Miếu)
  • Kỳ thú điểm đến Pù Mát
  • Lạc cảnh Đại Nam văn hiến
  • Cù lao Câu tươi đẹp
  • Giữ lại hương vị bánh Quế đất Hà Thành
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com