Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khát vọng Tây Bắc

 

Cánh đồng Mường Thanh hôm nay.

Ở thành phố (TP) Điện Biên Phủ có bản Phiêng Lơi nếu ai một lần đến, thưởng thức thứ rượu đậm đà ở đây thì khó có thể quên. Điều đặc biệt ở Phiêng Lơi là cái cách thết rượu lạ lùng, độc đáo. Người ta gọi đó là kiểu uống ''khát vọng'', mỗi chén rượu người uống tay trong tay, vai kề vai, mắt nhìn nhau thắm thiết. Có lẽ đó là "khát vọng" được chắt ra từ tình người với nhau. Nhưng ở đất này khát vọng không chỉ có thế…

 

Giữ đồng, giữ lúa

 

TP lòng chảo Điện Biên Phủ là đóa hoa rực rỡ của núi rừng Tây Bắc. Thế đất bằng phẳng như thể đồng bằng chính là điều kiện thuận lợi để nơi đây phát triển. Điện Biên đang tìm cách tận dụng tốt hơn những lợi thế mà lịch sử và thiên nhiên ban tặng. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Tiến Dũng tiết lộ rằng trong năm nay, TP Điện Biên Phủ sẽ có quy hoạch chung. “Một phần diện tích được mở rộng ra, có phần dành cho xây nhà hàng, khách sạn, có phần đất trả lại cho di tích”, ông nói. Có quy hoạch là có đường hướng phát triển cụ thể, di tích ở đây sẽ được bảo tồn, phát triển; cánh đồng Mường Thanh tránh được xâm phạm… Điện Biên Phủ đang hướng tới vị trí TP cấp II.

 

Cánh đồng Mường Thanh chất chứa biết bao dấu vết chiến trường giờ vẫn xứng danh vựa lúa lớn nhất Tây Bắc (Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Than, Tứ Tấc - chỉ 4 cánh đồng lớn nhất Tây Bắc). Mỗi năm 2 vụ, mỗi héc-ta đạt năng suất từ 13 đến 15 tấn. Gạo Điện Biên từ Mường Thanh vang danh trong Nam ngoài Bắc, nay xuất khẩu ra cả nước ngoài. Khi chúng tôi đặt vấn đề rằng đô thị hóa đang nhanh như bão tố, nhà cửa mọc lên như nấm, lan cả bờ xôi ruộng mật Mường Thanh, tỉnh làm sao bảo vệ?, ông Đinh Tiến Dũng khẳng định chắc nịch “Bằng mọi giá phải giữ được cánh đồng Mường Thanh. Chúng tôi có biện pháp cứng rắn. Trong quy hoạch TP Điện Biên Phủ thì việc đầu tiên là giữ được diện tích cánh đồng”.

 

Lời khẳng định ấy là hy vọng của Mường Thanh và của những ai yêu cánh đồng lịch sử, yêu những vạt lúa xanh ngút ngàn ôm ấp những ngọn đồi, ụ pháo năm nao. Hy vọng ấy rất đáng để tin, bởi khát vọng Tây Bắc không dừng ở Điện Biên, nó lan tràn khắp miền rừng núi bạt ngàn, nó chẳng chịu sự ràng buộc bởi một cá nhân nào. Đó là sự khát khao vực dậy của cả một vùng đất đã oằn mình trong khói lửa chiến tranh bao năm…

 

Mở đường đi tới

 

Từ TP Điện Biên Phủ tỏa ra các hướng, những con đường Tây Bắc giờ đang cựa mình, bỏ dần những nhỏ hẹp, tạm thời để mở mang, rộng rãi, thuận tiện. “Chúng tôi tập trung vào phát triển hạ tầng”- Chủ tịch tỉnh Điện Biên Đinh Tiến Dũng không chút đắn đo nói về hướng phát triển. Không chỉ có Điện Biên, khắp vùng Tây Bắc đang được xác định theo hướng đó.

 

Từ Sơn La sang Điện Biên, giờ đây, xe vẫn phải vượt đèo Pha Đin dốc đứng, mà cánh lái xe ngược xuôi qua đây vẫn thường ái ngại. Tuy nhiên, tất cả giờ đây sắp trở thành quá khứ, khi con đường tránh đèo Pha Đin đang dần hoàn thành (giờ xe nhỏ đã có thể đi tạm), con đường vừa thấp, bằng, bớt khúc cua tay áo, lại rút ngắn được trên dưới 10 cây số. Nếu so từ thời hàng vạn dân công với quang gánh, thúng mủng, xe thồ ngày ngày tải lương, tải đạn về phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, thì con đường mới này là kỳ tích, là bước đột phá mở thông lên Tây Bắc xa xôi.

 

Đường 12 từ Điện Biên sang Lai Châu đang tu sửa còn ngổn ngang bụi đất, đá rải, đá lăn, xe ủi, máy đầm… Cả con đường là công trường. Chỉ ít lâu nữa thôi, đường Điện Biên - Lai Châu sẽ rộng mở, thuận tiện hơn nhiều... Cuối quý I vừa rồi, Chính phủ đã ứng trước 40 tỷ đồng để Lai Châu thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành dự án đường ra biên giới Pắc Ma - U Ma Tu Khoòng. Còn biết bao công trình đường giao thông khác đang dần hình thành ở Tây Bắc. Như ở thị xã Lai Châu (mới) có đường 58m từ Đại lộ Lê Lợi rẽ vào, mới nhất là đường 2E được khởi công cuối tháng 3 năm nay. Dự án nâng cấp đường 2E là dự án xây dựng tuyến đường chiến lược nối các tỉnh Tây Bắc Việt Nam với Bắc Lào. Đường 2E chạy dài từ biên giới Việt-Lào (Cửa khẩu Tây Trang - PangHok) tới thị xã Mường Khoa (tỉnh Phong Xa Lì - Lào) có chiều dài hơn 68km. Đây là con đường xuyên Á có ý nghĩa quan trọng đối với hai nước và chính là hiện thực hóa khát khao vươn lên của Tây Bắc.

 

Tây Bắc còn nhiều điều để có thể tin tưởng rằng mai đây, vùng đất này sẽ vươn lên mãnh liệt, trở nên giàu mạnh. Như Thủy điện Sơn La, nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á chẳng hạn. Gần 18.000 hộ dân 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã, đang và sẽ rời khỏi nơi ở quen thuộc để dành phần đất thân yêu cho công trình vĩ đại này. Sự hy sinh đó chẳng khác những gì mà đồng bào các dân tộc anh em miền Tây Bắc đã hy sinh đóng góp cho chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa. Và còn một điều khác nữa trong sự hy sinh đó, ấy là khát vọng cùng cả nước không chấp nhận cái nghèo, khát vọng vươn lên đóng góp cho quê hương, đất nước ngày càng thêm giàu mạnh.

(Theo Ngọc Hà // Hanoimoi Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Ẩm thực và đặc sản vùng cao
  • Chuyện ở Sao Biển
  • Xẻo dừa nước lao xao
  • Dưới chân núi Ngũ Hành
  • Hà Nội sáng bừng một trời hoa Sưa
  • Hoàng thành Thăng Long xưa và nay
  • Cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của đảo yến Quy Nhơn
  • Hơn 10 vạn người dự đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com