Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Không gian cổ ở Cự Đà

Tại làng Cự Đà, còn khoảng 50 ngôi nhà cổ với niên đại 100 – 130 năm. Điều đó cũng không khó xác minh lắm bởi ngay phần áp mái, mặt trước nhiều ngôi nhà, dù rêu phong có che lấp, làm mờ phần nào, năm xây dựng của một số ngôi nhà vẫn được ghi lại. Những người già cả trong làng đều nói rằng, 1890 – 1945  là thời kỳ hưng thịnh, phát đạt nhất của làng này do nằm ngay bên sông Nhuệ, một con sông lớn của miền Bắc, rất thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán.

Ngõ làng với kiến trúc khá đặc trưng cách đây khoảng 100 năm

Thời kỳ đó, nhiều người giàu lên và xây những ngôi nhà đẹp, thiết kế cầu kỳ. Nhưng sau năm 1945, nhiều ngôi nhà được quy là của địa chủ, cường hào bị quốc hữu hoá. Không ít ngôi nhà bị phá, được chia năm xẻ bảy cho nông dân… Nhưng những cái còn sót lại đến ngày nay, cũng đã khiến nhiều người phải trầm trồ, thán phục. Như ngôi nhà hai tầng của ông Đinh Văn Tường hiện đang ở, cho dù bị hư hỏng ở một số góc tường, mái, cửa sổ… do bị đạn pháo quân Pháp và du kích trong làng bắn phải thời kỳ chiến tranh vẫn khiến bất cứ người khách nào đi qua đường phải dừng lại ngắm nhìn. Biệt thự xây từ thời Pháp thuộc của ông Nguyễn Văn Bảo và bà Trịnh Thị Hồng cũng hết sức quyến rũ với những đường nét, hoa văn chạm trổ trên những cột nhà, xà nhà, mái rất mềm mại… Một số ngôi nhà khác tuy nhỏ hơn nhưng cũng tạo ấn tượng đẹp với du khách bởi sự tinh xảo kỳ lạ trên những phần chạm, khắc của những cánh cửa ra vào, cửa sổ… như ngôi nhà của cụ Vương Văn Đức. Hoặc ngôi nhà của ông Trịnh Thế Sủng, được xây năm 1874 theo lối kiến trúc đời nhà nguyễn. Nhà làm toàn bằng gỗ, không có tường, chỉ có những cánh cửa bức bàn. Mùa đông hạ xuống, mùa hè dựng lên cho mát.

Một điều người ta thấy rất thú vị ở làng Cự Đà là không chỉ còn lưu giữ được hình ảnh của những đền, miếu, những ngôi nhà cổ mà nhiều công trình xây dựng từ thời xa xưa vẫn còn đó, gắn liền với những tập quán, thói quen của người dân trong làng đến nay vẫn chưa phai mờ. Trong ngôi chùa làng, có đàn tế thiên địa được xây từ năm 1920 và từ đó đến nay, cứ ngày 15 tháng giêng hàng năm, người ta vẫn tổ chức tế lễ thiên địa. Hay nhà thọ từ – một công trình kiến trúc cổ cũng khá độc đáo, nơi để làm lễ phong thọ cho những người có tuổi thọ trên 70 hàng năm thì vào ngày 8 tháng giêng các năm, xã Cự Khê vẫn tổ chức lễ này cho người trong làng. Cự Đà còn có đình “Vật”, nơi cứ 5 năm một lần, theo lệ xưa, làng vẫn tổ chức lễ hội đấu vật lớn không chỉ cho người làng mà cho nhiều đấu sĩ ở các địa phương khác đến tham gia… Những giếng nước, cây đa cổ thụ, những nhà làm việc của chính quyền cũ… trong làng, mỗi công trình đều có nét đặc sắc. Tất cả đều gợi nên một bầu không gian cổ xưa, sâu lắng…

Làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Tây, lâu nay vẫn lặng lẽ với không gian cổ xưa của mình, còn thưa thớt dấu chân du khách.

Ngôi nhà hai tầng của ông Đinh Văn Tường hiện đang ở, cho dù bị hư hỏng ở một số góc tường, mái, cửa sổ… nhưng chạm khắc đương đại của ngôi nhà tại một làng quê hẻo lánh đủ sức dừng chân du khách

Nhà theo phong cách Tây kết hợp với hoa văn mái xưa

Cửa ra vào, cửa sổ với sự tinh xảo kỳ lạ trên những phần chạm, khắc như ngôi nhà của cụ Vương Văn Đức

( Theo Mạnh Quân // SGTT Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Giò chả Ước Lễ - đặc sản Hà thành
  • Thăm suối cá thần ở Cẩm Thủy ,Thanh Hóa
  • B'LAO – bản sắc của bình yên
  • Ẩm thực miền núi rừng Tam Đảo - Lạ và ngon
  • Giò - mỹ vị ngày xuân
  • Về đồi Ngọc Nhị ngắm đàn cò trắng bay lả
  • Mâm cơm ngày Tết Nam bộ
  • Bún Tháp Miếu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com