Vườn quốc gia Kon Ka Kinh cách thành phố Pleiku (Gia Lai) khoảng 50km phía Đông Bắc, nằm trong khu vực giữa Đông và Tây của dãy Trường Sơn. Được biết, vườn lấy tên Kon Ka Kinh là tên đỉnh núi cao nhất, cao 1.748m so với mực nước biển. Đỉnh núi này còn được mệnh danh là “nóc nhà của tỉnh Gia Lai”.
Một góc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: congdulich.com |
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm ở thung lũng sông Ba có độ cao từ 570m tới 1.748 m (đỉnh Kon Ka Kinh), thuộc các huyện KBang, Đắk Đoa và Mang Yang. Khí hậu nơi đây mát mẻ quanh năm với nhiệt độ trung bình 18- 20oC. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong vùng hiện có trên 652 loài thực vật (trong đó, khoảng 110 loài có thể dùng làm dược liệu), 42 loài thú, 160 loài chim, hơn 51 loài bò sát, ếch nhái và gần 210 loài bướm. Vườn quốc gia Kon Ka Kinh cùng với Ba Bể, Chư Mom Ray và Hoàng Liên là 4 vườn quốc gia của Việt Nam và là một trong số 27 vườn của khu vực Đông Nam Á được công nhận là vườn di sản ASEAN.
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh rộng gần 42.000ha, trong đó có 2.000ha rừng hỗn giao giữa các loài cây lá rộng và lá kim, có các loài cây quý hiếm như pơ- mu, trắc, chò đãi, kim giao... Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có kiểu rừng hỗn giao này. Những loài cây dây leo dài ngoằng, chằng chịt trong rừng thoạt đầu có thể làm khách du lịch hơi khó chịu vì vướng víu. Nhưng chính những mạng dây leo này là những nhịp cầu nối tự nhiên giữa các tầng tán rừng để các loài động vật nhỏ di chuyển, sinh sống, là điều kiện thuận lợi tạo nên sự đa dạng sinh học cho rừng. Xen lẫn với những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm, cao vài chục mét chĩa thẳng lên trời xanh là những thảm thực vật xanh muốt, những bông hoa đủ hình thù, màu sắc và thường thay đổi màu phụ thuộc vào độ cao, vào mật độ ánh sáng nơi chúng sinh sống.
Khướu Kon Ka Kinh. Ảnh: photo.zing.vn |
Nguồn thức ăn dồi dào, hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ khá tốt đã giúp Kon Ka Kinh thu hút và bảo tồn nhiều loài động vật quý. Ngoài các loài thú hoang dã (vốn đang trên đường tuyệt chủng ở nhiều nơi khác) như mèo gấm, báo gấm, báo lửa, hổ... tại đây có các loại mang lớn, mang Vũ Quang, mang Trường Sơn (có tên trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới). Đi giữa rừng, thỉnh thoảng, du khách bắt gặp những con vượn đen má, những chú voọc chà vá chân xám (một trong những loài linh trưởng đẹp nhất thế giới) hồn nhiên đùa giỡn, kiếm ăn giữa các tán cây. Ngoài các loài chim đặc hữu như khướu đầu đen, khướu mỏ dài, khướu đầu xám, trèo cây mỏ vàng, gà lôi vằn... thì loài chim được xem là biểu tượng của Vườn quốc gia này là khướu Kon Ka Kinh (còn gọi là khướu tai hung). Loài chim quý này được phát hiện lần đầu tiên tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và cũng mới được phát hiện trong vòng 30 năm trở lại đây ở châu Á. Vì thế, chim được mang luôn tên của khu vườn này.
Sức hấp dẫn của khu Vườn quốc gia Kon Ka Kinh ở hệ thống sông, suối, thác, ghềnh tự nhiên tuyệt đẹp như: thác Đak Pooc, suối Knia, Đak Kơ Bưng, thác Đak Pooc... Thác 95 nổi tiếng và đẹp nhất - có độ cao khoảng 40m. Nhìn từ xa Thác 95 giống như một dải lụa trắng lượn lờ theo những giai điệu của đại ngàn trên nền rừng xanh thẳm. Vào mùa hè, dòng nước mát lành của các thác nước làm không khí lúc nào cũng mát mẻ. Leo lên đỉnh Kon Ka Kinh nhìn xung quanh, du khách sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn: những ngọn núi cao bao phủ bởi mây mù, những dòng thác từ trên cao ào ào tung bọt trắng xóa, vọng lại tiếng gầm của thú rừng hoang dã xen lẫn tiếng hót gọi bạn, tìm nhau của loài chim...
Không chỉ có hệ động thực vật đa đạng, phong phú và cảnh quan hùng vĩ, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh còn có vai trò bảo vệ lưu vực đầu nguồn của các con sông lớn như sông Ba, sông Đak Pne, đảm bảo nguồn nước tưới cho hàng ngàn héc- ta cà phê, hồ tiêu và đất sản xuất nông nghiệp của hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum...
Đến đây, du khách còn có những giờ phút thảnh thơi, nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên hoang sơ, tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên gắn với dãy Trường Sơn lịch sử. Chuyến đi không thể thiếu tiết mục vào thăm các làng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên (chủ yếu là người Ba Na). Đây là dịp để du khách được tận mắt trông thấy, biết và cùng tham dự những sinh hoạt văn hóa đặc sắc vốn có tự ngàn xưa ở Tây Nguyên như lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả, tục cưới hỏi, thưởng thức những giai điệu trầm hùng, thanh thoát vang vọng khắp đại ngàn của cồng chiêng. Lúc đó, con người cảm thấy gần gũi, thân thiện với thiên nhiên hơn và quên những nhọc nhằn, bức xúc của cuộc sống bon chen đời thường.
(Theo H. DUNG // Cantho Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com