Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ký sự Hương Giang - Kỳ 1: Giọt nước từ Trường Sơn

Một hành trình khám phá dòng sông nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, từ giọt nước đầu tiên đến khi nó hoà mình vào đại dương. Đó là Hương giang, dòng sông mẹ của các bộ tộc trên dãy Trường Sơn, cũng là dòng sông hoàng gia của những triều đại vua chúa, và dòng sông đã đi vào tâm thức của bao thế hệ tao nhân, mặc khách…

Khởi nguồn từ dãy Trường Sơn, giáp biên giới Việt – Lào, sông Hương là hợp lưu của hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch. Tả Trạch bắt đầu từ đại ngàn thuộc huyện Nam Đông, còn Hữu Trạch, từ huyện A Lưới đổ về. Hai nhánh gặp nhau ở ngã ba Tuần tạo thành dòng sông Hương chảy qua thành phố Huế, rồi từ đó đổ ra biển Đông

Chúng tôi đến Huế đang là mùa giông bão, nhiều thông tin cho biết, nước sông Hương đang dâng cao, khó lòng chinh phục được những con thác phía thượng nguồn, nhưng điều đó không hề làm nản lòng, bởi với chuyến đi này, chúng tôi hy vọng sẽ là một cuộc hành trình khám phá trọn vẹn dòng sông nổi tiếng nhất trong các dòng sông Việt.

Cuộc sống lênh đênh trên sông Hương của những người làm nghề bè lồ ô

Nơi khởi đầu của dòng sông

Từ Huế chúng tôi bắt đầu hành trình ngược sông Hương theo nhánh Hữu Trạch nơi có cảnh quan hùng vĩ, hai bên sông chỉ có núi đá và rừng già, nhiều ghềnh thác. Đường bộ từ Huế lên A Lưới tương đối dễ dàng, cho dù phải vượt qua hai con đèo cao ngất là đèo Kim Quy và đèo Tà Lương. Từ ngã ba Phú Vinh, chúng tôi bắt đầu bước vào cung đường Hồ Chí Minh ở đoạn khó khăn nhất với bao đèo dốc quanh co, một bên là núi cao, một bên là vực sâu A Đớt – A Tép với những đường hầm sâu hun hút. Bên dưới vực là các khe, suối A Moong, Ta Ra, Cha Linh… tạo nên dòng Hữu Trạch dài 60km, chi lưu đầu tiên của sông Hương. Chúng tôi vượt đèo A Năm vào địa phận xã A Roàng, vùng đất của người Tà Ôi. Người Tà Ôi thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như Tôi Ôi, Pa Cô, Pa Hy với dân số khoảng 26.000 người, sống tập trung tại phía tây miền Trung Việt Nam thuộc địa phận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế và hai huyện Hướng Hoá, Dăk Rông tỉnh Quảng Trị.

Ghé vào thăm làng A Ca A Chi, thuộc xã A Roàng, huyện A Lưới. Đây là một ngôi làng đẹp, điển hình của người Tà Ôi. Đã quá giữa trưa, mà các cô gái Tà Ôi vẫn miệt mài bên khung dệt zèng – một khung cưỡi đặc trưng của người Tà Ôi. Nghề dệt zèng với đặc trưng xâu cườm rất nổi tiếng của người Tà Ôi, cho dù một tấm dệt cườm phải mất có khi 45 ngày, nhưng các cô gái Tà Ôi luôn muốn khẳng định khả năng thẩm mỹ và khéo tay của mình.

Những cô gái Tà Ôi thật dễ mến, thanh niên nam nữ thường tìm hiểu nhau qua tục đi “sim”, tình tự nơi nương rẫy và trao cho nhau những vật làm tin như lời thề hẹn ước trọn đời. Và ở nơi heo hút Trường Sơn này, chúng tôi đã nhận ra bản sắc tuyệt vời ấy. Rất nhiều cô gái Tà Ôi đã hàng mấy năm trời còng lưng dệt zèng kiếm tiền nuôi chồng đi học đại học dưới miền xuôi, cô Blúp Thị Phú, đã hơn hai năm dệt zèng nuôi chồng học đại học Nông lâm cho biết, mỗi tấm zèng loại thường, cô dệt mất một tuần, bán đi được hơn trăm ngàn, tằn tiện mỗi tháng gởi về xuôi cho chồng ăn học hơn bạc triệu, vậy mà cô vẫn vui, vẫn miệt mài, bởi đó là tập quán hy sinh của con gái Tà Ôi từ ngàn xưa…

Dòng Hương giang nơi thượng nguồn Hữu Trạch

Xuôi theo dòng nước

Con sông ở thượng nguồn trông nhỏ và hẹp, và có đến 14 con thác lớn, dốc cao, cực kỳ nguy hiểm…, nhưng càng về xuôi, lòng sông như rộng mở và êm đềm hơn. Chúng tôi quyết định sử dụng phương tiện bè lồ ô để đi về hạ lưu. Từ bao đời nay, đó là nguồn sinh sống của những người dân sống dọc theo sông Hương. Nghề khai thác lồ ô đã có từ hàng trăm năm qua. Những tiều phu lên rừng đốn về rồi kết thành bè rồi thả xuôi theo dòng về tận Huế, Hương Vinh, Thảo Long… cung cấp nguyên liệu cho các nghề làm nón, làm bàn ghế cho các gia đình, hay xuôi ra tận biển Thuận An, phá Tam Giang để rồi trở thành những chiếc nò, chiếc đơm, ngư cụ cho ngư phủ. Và chính câu chuyện trên chiếc bè cũ nát của vợ chồng chị Nguyễn Thị Oanh, người thôn Võ Xá hàng chục năm trời lam lũ đối mặt với mưa nguồn, bão lụt với những chuyến bè để dành dụm từng đồng nuôi đàn con năm đứa đều vào đại học đã cho chúng tôi một cảm giác ấm áp lạ thường vì cái tình của cư dân phía thượng lưu này, bà Oanh nói như tâm sự với dòng sông: “Tôi xem sông Hương như người mẹ hiền đã cho tôi cơ hội nuôi đàn con của mình hàng chục năm qua…”.

Kỳ sau: Trong làng Cơ Tu

( Theo Yến Trinh // SGTT Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Ômai ngon cho ngày Tết
  • Mứt quất
  • Không gian cổ ở Cự Đà
  • Giò chả Ước Lễ - đặc sản Hà thành
  • Thăm suối cá thần ở Cẩm Thủy ,Thanh Hóa
  • B'LAO – bản sắc của bình yên
  • Ẩm thực miền núi rừng Tam Đảo - Lạ và ngon
  • Giò - mỹ vị ngày xuân
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com