Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ký sự Hương giang - Kỳ 2: Trong làng Cơ Tu

Nếu như dòng Hữu Trạch được xem là nhánh sông phụ, thì dòng Tả Trạch dài khoảng 67km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông, qua nhiều ghềnh thác hùng vĩ, sau đó chảy qua thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông) trước khi hợp lưu với dòng Hữu Trạch tại ngã ba Bằng Lãng thành dòng Hương giang lững lờ trôi về phía biển

Những đứa trẻ Cơ Tu của làng A Xăng ở Nam Đông

Nam Đông là huyện miền núi cực nam của tỉnh Thừa Thiên – Huế, nối liền với cực tây bắc tỉnh Quảng Nam. Là một huyện có dân số chỉ có 2,3 vạn người, trong đó người Cơ Tu chiếm đến 41%. Nếu vùng thượng nguồn sông Hương bên phía nhánh Hữu Trạch là vùng đất của người Tà Ôi, thì khu vực Tả Trạch lại là các thôn, bản của người dân tộc Cơ Tu sinh sống với nét đặc trưng riêng.

Ngôi làng độc đạo

Cả Nam Đông gần như chỉ có một tuyến đường 14B ngược đèo La Hy để về miền xuôi. Có lẽ vì vậy, người Cơ Tu luôn ý thức sự thua thiệt của dân tộc mình để vươn lên trong cuộc sống. Chúng tôi tìm về phía Thượng Long, vùng đất xa xôi nhất của Nam Đông nằm nép mình bên thượng nguồn Tả Trạch dưới chân núi Quỳnh Tang, nơi có bản A Xăng còn giữ gần như nguyên bản văn hoá dân tộc Cơ Tu.

Bản chỉ có 24 nóc nhà. Trưởng thôn Rapát Króc tiếp chúng tôi tại nhà gươl. Nhà gươl của người Cơ Tu gần giống nhà sàn, nhà rông của các dân tộc Tây Nguyên, nhưng được chạm khắc công phu hơn. Phía trên hai đầu nhà gươl thường được chạm, khắc hình gà trống hoặc hai đầu trâu nhô sừng lên đối diện. Bên trong được chạm các hình ảnh mang những nét văn hoá riêng của người Cơ Tu, như: hình ảnh các chàng trai, thiếu nữ Cơ Tu múa cồng chiêng, săn bắt thú rừng, đặc biệt các loại đầu động vật có được sau các cuộc săn bắt cũng được lưu giữ tại đây.

Từ thượng nguồn dòng Tả Trạch về đến nơi hai nhánh sông gặp nhau phải qua khoảng 120 cái thác, trong đó có 55 thác lớn, nước chảy xiết, do đó rất nhiều người Cơ Tu vẫn chưa một lần được đặt chân đến nơi kinh kỳ rực rỡ ánh điện.

Khát vọng “đi hết một dòng sông”

Những cô gái Cơ Tu ở Nam Đông vẫn còn giữ cách thức giã gạo

Trong những ngày này, bản A Xăng đang nhộn nhịp vào mùa lễ hội mừng lúa mới – một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của người Cơ Tu. Các cô gái thôn nữ xúng xính trong bộ váy áo mới do chính các cô dệt nên thay nhau giã gạo, làm cỗ. Những đứa bé cũng chộn rộn không kém khi thấy có khách lạ viếng thăm bản. Theo trưởng thôn thì đây là nơi thâm sơn cùng cốc, cách biệt, nên mỗi khi bản có khách ghé qua, cho dù là một người đi rừng tìm mật về, một lữ khách phương xa cũng là niềm vui của bản. Vụ mùa năm nay, bản A Xăng cũng được lúa đầy bồ, thóc đầy sàn với sản lượng từ 50 – 53 tạ trên một hecta. Hai năm trước bản cũng được mùa, nên dân bản ai cũng đồng lòng góp vào mỗi người 300 ngàn đồng để làm nên cái nhà gươl này đây. Năm nay để tăng tình đoàn kết, già làng quyết định cả 24 hộ đều góp gạo thổi ăn chung tại nhà gươl.

Buổi cơm chiều với người Cơ Tu thật ấm áp, chỉ với cơm lam nấu ống tre và thịt heo rừng nướng mà sao nồng nàn, quyến luyến như đã thâm giao lâu lắm rồi. Trưởng thôn Rapát Króc cứ ngại ngùng khi không kịp sắp đặt ché rượu cần mời khách theo truyền thống của người Cơ Tu. Ông “đền bù” cho khách phương xa bằng điệu khên, loại nhạc cụ mà nhiều dân tộc khác gọi là khèn. Đây là loại khèn gồm 14 ống nứa xếp song song từng đôi thành bảy hàng từ ngắn đến dài, các ống nứa đều có gắn lưỡi gà tạo âm thanh và nối vào với chiếc bầu gọi là apúc được bịt kín bằng sáp ong ruồi. Tiếng khèn với âm vực trầm bổng giữa núi rừng Trường Sơn nghe sao dịu vợi và thanh khiết đến dường nào.

“Đi hết một dòng sông” là câu nói của nhiều người Cơ Tu căn dặn con mình cố “ăn học đến nơi, đến chốn” vì theo như những người già trong bản thường nói với lớp trẻ: “ở cuối con sông này “người ta tiến bộ hơn mình nhiều”, hãy ráng học để xuôi về cuối con sông học được cái hay, cái giỏi của họ”. Ông Rapát Ray, bí thư thôn cho hay: “Cả bản không có người mù chữ nữa, năm nay đã có hai đứa vào trung học phổ thông và khăn gói ra thị trấn Khe Tre học rồi”.

( Theo Yến Trinh // SGTT Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Bánh chưng ngày Tết
  • Ký sự Hương Giang - Kỳ 1: Giọt nước từ Trường Sơn
  • Ômai ngon cho ngày Tết
  • Mứt quất
  • Không gian cổ ở Cự Đà
  • Giò chả Ước Lễ - đặc sản Hà thành
  • Thăm suối cá thần ở Cẩm Thủy ,Thanh Hóa
  • B'LAO – bản sắc của bình yên
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com