Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lạ kỳ vùng đất len trâu Kỳ 1: Nụ cười trên “đồng chó ngáp”

Trước đây nó là địa danh mà nghe qua ai nấy muốn sởn gai ốc khi có công việc buộc phải đi qua: đồng chó ngáp. Đồng chó ngáp xưa kia bao gồm cả khu vực rộng lớn hàng ngàn ha thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Minh Hải (cũ). Đất vừa phèn, vừa mặn nên chỉ có duy nhất cỏ năn ngự trị. Thế mà chỉ trong thời gian không dài lắm, nông dân của “đồng chó ngáp” trên đất Cà Mau đã làm một cuộc đổi đời ngoạn mục.

Chuyện ngày xưa

Mùa hạn đi vào khu vực hoang hóa này như đi vào sa mạc. Vì thế, nhiều người đã chọn con trâu là bạn đồng hành như những cư dân vùng hoang mạc chọn lạc đà là phương tiện giúp họ lưu thông và tìm đến các ốc đảo bình yên. 

 
Mô hình nuôi cá bóng tượng của chú Bảy Tiểu

Anh Ngô Hoàng Dựa, Bí thư xã Tân Phú, huyện Thới Bình lý giải cho chúng tôi nghe về cái tên Tràm Thẻ - cái tên thật ra cũng không danh giá hơn “đồng chó ngáp” một tí nào: “Tôi nghe ông nội là dân cố cựu ở đây kể lại, ngày xưa nơi đây cũng là đất hoang chỉ có mỗi cây tràm sinh sống. Các địa chủ thường sai tá điền vào đây đốn tràm về làm các thẻ để cắm mốc phân chia ruộng. Không có chỗ nào lấy tràm làm thẻ đẹp bằng chốn này: vừa to, vừa chắc lại đẹp”.

Năm 1979, di dân được đưa về đây khẩn hoang. Mặc dù chưa đến mức “rừng thiêng nước độc” nhưng những khác biệt của hai mùa phèn – mặn kèm theo sự thiếu nước ngọt triền miên khiến nhiều người phải rút lui, tìm nơi khác sau khi sử dụng hết số thực phẩm được chính quyền hỗ trợ. Người trụ lại cũng là những cư dân có gốc gác ở đất Thới Bình. Vì thế cái tên thứ ba phản ánh cuộc mưu sinh của dân vùng này: vùng len trâu.

Anh Trương Văn Khai, Trưởng Ban nhân dân ấp Tràm Thẻ Đông cười khà khà: “Nói là len trâu cho sang chứ thật ra gần hết dân vùng này đều có chung một nghề là giữ trâu mướn, hay giữ trâu độn”. Với “lợi thế” là cả vùng cỏ năn rộng lớn, không trồng được lúa cũng chưa đủ khả năng cải tạo để trồng cấy bất cứ loại cây nào, người dân Tràm Thẻ một năm “sống nhờ” vào 2 tháng 7 và 8. Lúc này, hàng ngàn con trâu của đồng lúa 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang đều cần có nơi nuôi dưỡng và vỗ béo. 1 đôi trâu giữ 1 tháng được trả công 3 giạ lúa. Mỗi hộ giữ từ 20-30 đôi trâu.

Giữa đồng năn, thấp thoáng những cái chòi được đắp đất cao lên để mỗi chiều, người dân Tràm Thẻ lùa trâu về các độn này và ngủ luôn lại đây để canh chừng. Một số hộ kinh doanh nhạy bén, đào khuôn để các chủ có trâu ốm tong teo xin được nuôi dạng “đặc biệt”. Trong các khuôn này, nguồn cỏ, nước cũng dồi dào và không phải cạnh tranh với đồng loại nên trâu nhanh chóng béo tốt. Vì thế, giá cũng đội lên gấp đôi so với giữ trâu độn “loại thường”.

Máy cày xuất hiện nhiều kéo theo đó là sự thưa thớt dần của loài trâu trên các đồng lúa. Nghề giữ trâu độn cũng không còn giúp họ có thể sống được. Một số hộ giữ trâu chuyển sang đi giăng lưới bắt cá như nhà chú Ba Nhu, Bảy Tiễn... Họ thử nghiệm trồng khóm, rồi trống mía... nhưng nguồn thu không đáng kể vì so với vùng khác chất lượng sản phẩm không bằng nên không được giá. 

 
Cá sấu trong trang trại của ông Biện Văn Nhu

Chú Ba Nhu (Biện Văn Nhu) giải thích: “Nhiều lần tôi lặn sâu xuống phát hiện đất này không có chân. Nó không có cát như đất nơi khác. Giá mà cắm xuống mặt nước là nhẹ hều. Phải qua cỡ 4 mét mới gặp được đất cứng. Đất không chân nên trồng, cấy gì cũng khó”.

Chú Bảy Tiểu (Nguyễn Văn Tiểu) không đất sản xuất nên trôi dạt về đây từ những năm 1984. “Chân tôi dày còn hơn da trâu như vầy, vậy mà đi còn bị mảnh hàu, ốc cứa chân chảy máu. Đất mới mà! Tui vừa đi giăng lưới dọc dài từ đây qua tới số 7 (ấp 9, xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) để giăng lưới và đem qua Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) bán cá, vừa khai khẩn đất hoang”. Và trong những lần đi qua tỉnh bạn như thế, chú và những người bạn học “lỏm” được nghề nuôi tôm.

Cuộc đổi đời “ngoạn mục”

“Tui nhớ cái năm mà Gu-lít đá banh vô trong trận của “ơ rô” (năm 1996) là năm đầu tiên mình thử nghiệm thả tôm xuống những cánh đồng năn bạt ngàn này”. 1 triệu đồng vốn thu lại được 10 triệu đồng lời ban đầu đã mở ra cánh cửa tương lai cho lão nông tri điền có đến 8 người con này. Chú Ba Nhu (Biện Văn Nhu) – khi đó bệnh suốt 10 năm trời -thấy hàng xóm bàn tính chuyện thả tôm, gượng ngồi dậy quyết với vợ: “Bà lấy 4 triệu rưỡi này đi mua tôm giống về thả nuôi sinh thái cho tui. Hoặc là mình sẽ thoát khỏi cảnh thắt ngặt này hoặc là tui chịu trận chờ Diêm Vương gọi”.

Thương chồng đau ốm liên miên nhưng cũng không dám cãi lời chồng, thím bấm bụng mua tôm về thả thử. Có lẽ thím Ba không ngờ việc làm đó đã mở ra một bước ngoặt mới cho gia đình mình. Và có lẽ chính thím cũng không tưởng tượng được rằng, người chồng có tướng nhỏ xíu, ốm nhách, đau ốm suốt lại trở thành tỷ phú trong miệt rừng này, là nông dân sản xuất giỏi toàn quốc.

Hôm chúng tôi đến, chủ rủ ra sau vườn. 3 công đất được xây tường rào từ năm 2004 để nuôi đa con: ếch, cá chình, ba ba... và bây giờ là đàn cá sấu 300 con đang nằm phơi nắng nhởn nhơ. Chưa kể, chú còn mày mò hình thành nên trại tôm sú giống giữa nơi mà ta nghĩ rằng chỉ có đói, khát ngự trị.

Chú Bảy Tiểu cho của ra riêng mỗi đứa con là 20 công. Không bó gối, khoanh vùng nuôi hạn hẹp, các con chú cũng bung ra với nhiều mô hình mới. “Miễn nghe nói ở đâu có nuôi con gì có thể sống được ở chỗ này là mấy đứa đi lại tận nơi học hỏi” – thím Bảy xác nhận.

Ông Phan Văn Thông, Chủ tịch xã khẳng định: “Ở Tràm Thẻ Đông không có hộ nào nghèo mà chỉ có hộ tự làm cho mình nghèo”. “Có nhiều hộ vàng đựng trong thúng nhưng mê đầu mê đuôi (số đề) nên giờ thành nghèo” – anh Khai cho biết và 3 hộ nghèo hiện nay của ấp rơi vào tình trạng này. Anh Khai làm cho tôi một phép tính đơn giản, toàn ấp có 232 hộ với 1.110 ha. Từ năm 2000 đến nay, chưa có hộ nào bị thất tôm. Hộ nào làm “tệ lắm” cũng thu được lãi 10 triệu đồng/ha/năm./.

(còn tiếp)

(Theo Đoàn Phương Nam // Baocamau)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Sa Pa lộng lẫy đêm hội hoa đăng
  • Chợ phiên Hà Giang
  • Ngắm hoa gạo nở
  • Đám ruộng hình trái tim trên dãy Tây Côn Lĩnh
  • Chùm ảnh "Khám phá cực Đông của Tổ quốc mình"
  • Phố Hoài sống lại thời vang bóng
  • Chùa Một Cột - biểu tượng của Thủ đô Hà Nội
  • Chùm ảnh: Đến lễ hội âm nhạc xem... tắm bùn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com