Từ TPHCM về miền Tây, qua cầu Mỹ Thuận rẽ tay phải rồi đi quá Sa Đéc thêm 33 cây số nữa là đến làng nghề dệt chiếu nổi danh đã hàng trăm năm nay ở hai xã Định An, Định Yên thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Đây là một địa chỉ du lịch hấp dẫn nằm bên bờ Bắc sông Hậu.
Chiếu là sản phẩm thủ công luôn gắn liền với đời sống của người dân vùng ĐBSCL. Người ta dùng chiếu để nằm, ngồi, để khi nhà có lễ lộc, dùng ở những nơi thờ phượng, nơi có lễ hội, đình đám… Những chiếc chiếu đẹp nhất, tốt nhất đó là chiếu hoa văn, chiếu vẩy ốc… thường dùng để trải ra cho những người cao tuổi, những người có chức sắc ngồi.
Con đường làng quê loanh quanh là sân phơi chiếu đã nhuộm màu. Ảnh: Lâm Văn Sơn |
Ngày nay người ta còn dùng chiếu để sản xuất kèm theo hàng thủ công mỹ nghệ như túi xách, bìa sơ mi, dép mang trong nhà … và đặc biệt nhất là những đôi chiếu bông dành cho nghi lễ động phòng hoa chúc. Như vậy là từ ngàn xưa đến nay, chiếc chiếu đã mang ý nghĩa là nhân chứng cho biết bao mối tình được nên duyên nồng thắm.
Nguồn nguyên liệu chính để làm chiếu là cây lác (còn gọi là cây cói). Người dân ở đây, hộ nào cũng có một, hai bộ khung dệt chiếu. Đây là nghề cha truyền con nối và là một trong những nghề thủ công truyền thống của người dân Nam bộ. Rất thú vị nếu như du khách được tận mắt chứng kiến cảnh toàn gia đình già trẻ, gái trai bên khung dệt, bên hiên nhà lựa chọn sợi lanh, se sợi trân, phơi lác,... cả nhà cùng quây quần bên nhau làm các công đoạn để hình thành nên chiếc chiếu.
Và chắc chắn du khách sẽ rất thích thú với cảnh quan của làng dệt chiếu vì lúc nào ở đây cũng đầy màu sắc từ trong nhà ra đến ngõ. Đường làng quê loanh quanh chính là nơi người dân dùng để phơi cây lác sau khi đã nhuộm đủ màu xanh, đỏ, trắng, tím, vàng…
Hằng năm các hộ ở đây sản xuất ra hàng triệu sản phẩm từ chiếu lớn nhỏ đủ loại cung cấp cho khắp vùng ĐBSCL và miền Đông Nam bộ.
Cả nhà, già trẻ lớn bé đều có thể tham gia trong những việc để làm nên chiếc chiếu; đặc biệt người phụ nữ vừa lo việc nội trợ vừa đảm nhận vai trò chính bên khung dệt chiếu. Ảnh: Lâm Văn Sơn |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com