Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làng Gốm Phù Lãng

Nhắc đến quê hương Bắc Ninh, du khách sẽ nhớ ngay đến làn điệu quan họ mựợt mà của những cô nàng áo yếm, váy áo tứ thân, có khăn mỏ quạ, chiếc nón quai thao… Không những vậy, Bắc Ninh còn được du khách biết đến bởi làng gốm Phù Lãng nổi tiếng cổ xưa và mang nhiều giá trị văn hóa dân tộc.

 

 

 

Cuộc sống vốn sinh ra từ đất, ươm mầm cho những chồi non của sự sống. Chính vì vậy, từ bao đời nay bên cạnh tên gọi của nước thì đất là thành tố được nhắc đến đầu tiên trong sự thiêng liêng của người dân Việt. Có những làng nghề đã bao đời nay vì đất mà sống, mà sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật như Bát Tràng, Thổ Hà, Bồ Bát… Trong đó, Phù Lãng là một trong những làng gốm danh tiếng nhất Việt Nam, không chỉ được du khách trong nước biết đến mà còn có nhiều bạn bè quốc tế quan tâm.  
 
Làng gốm Phù Lãng thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cách sông Lục Đầu khoảng 4 km. Làng Phù Lãng gồm có 3 thôn, mỗi thôn nổi tiếng với một nghề riêng. Thôn Thượng chuyên nghề làm bún, thôn Hạ làm hàng xáo và thôn Trung chuyên nghề làm gốm.
 
Theo sách xưa kể lại, ông tổ làng gốm Phù Lãng là ông Lưu Phong Tú. Vào khoảng cuối thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong dịp này, ông đã học được nghề làm gốm và truyền dạy lại cho những người trong nước. Lúc đầu, nghề này được truyền vào vùng dân cư ở ven bờ sông Lục Đầu, sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thời Trần (thế kỷ XIII) nghề được truyền đến vùng đất Phù Lãng. Qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của mình, người thợ gốm đã thổi hồn vào những khối đất thô sơ, mộc mạc để biến chúng thành những sản phẩm hữu dụng và mang giá trị thẩm mỹ cao như: chum, vại, lọ hoa, ống điếu, lư hương, ấm chén, gốm trang trí, gốm lát tường…
 
Khác với gốm Thổ Hà, gốm Phù Lãng được phủ bên ngoài một lớp men da lươn, vừa thanh nhã vừa bền đẹp. Cách gia công gốm Phù Lãng tương tự như gốm Bát Tràng (Hà Nội), Bồ Bát (Thanh Hóa). Các công đoạn tạo hình một sản phẩm có tiết diện tròn yêu cầu phải được 3 người phối hợp cùng thực hiện và theo tuần tự các bước sau: Khi đặt nguyên liệu đất đã được chế biến lên bàn xoay, một người phải chịu trách nhiệm chuyên ngồi chuốt, một người vần bàn xoay kiêm công việc lăn đất thành đòn để chuốt. Người còn lại có nhiệm vụ trông nom đánh dát đất, mang sản phẩm ra phơi sau khi đã chuốt xong. Đối với sản phẩm nhỏ, có thể chỉ cần đến hai người thay phiên nhau gia công: Một người chuốt và một người vần bàn.
 
Sau bước định hình về mặt cơ bản cho sản phẩm, người thợ sẽ tiến hành bước thứ 2 là đấm và thúc bên trong sản phẩm cho thành hình đồ vật, rồi phơi cho khô. Lúc này, nếu thấy sản phẩm có vết rạn nứt thì vá lại bằng đất mịn. Bước cuối cùng trong khâu hoàn thành là ve, nạo sản phẩm. Sau đó, người thợ tiến hành tráng men. Lớp men tráng bao gồm 4 loại chất liệu là tro cây rừng (tàn tro trắng như vôi), vôi sống, sỏi nghiền, và bùn phù sa trắng. Bốn chất liệu này, sau khi sơ chế được trộn đều với nhau, rồi chế biến thành một chất lỏng. Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài một lớp mỏng theo một liều lượng thích hợp rồi đem phơi. Sau khi quét men và phơi khô, sản phẩm có màu trắng đục. Sau cùng là xếp sản phẩm thành từng chồng và đưa vào lò nung. Sản phẩm sau khi ra lò có màu sắc khác nhau phụ thuộc vào loại men được tráng ở công đoạn trước. Đây chính là bí quyết của từng gia đình, dòng họ, chỉ truyền lại cho người trong thân tộc.
 
Gốm Phù Lãng không chỉ đẹp về hình dáng, tốt ở chất liệu mà còn chuyên chở trong từng sản phẩm đó cái tâm, cái tình của những người thợ, người nghệ sĩ tài hoa muốn truyền lại cho đời vẻ đẹp của những nụ hoa đất đầy những sắc màu tinh khôi.

 

(Theo travel)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Về Quảng Bình thưởng thức đặc sản
  • Nhớ Đại lễ ngàn năm với những kỷ niệm vui buồn
  • Mênh mông đầm Thị Tường
  • Chùm ảnh: Đặc sắc lễ hội đền Đô
  • Độc đáo lễ rước Vua sống ở Thụy Lôi
  • Làng nghề thêu Văn Lâm
  • Làng nghề dệt chiếu cói Bình Định
  • Tưng bừng Lễ hội Katê tại thành phố Phan Thiết
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com