Bà Ánh Tuyết (mặc áo hoa đen) đang hướng dẫn thực khách cuốn nem tại nhà hàng Ánh Tuyết - 25 Mã Mây. |
Không ồn ào, bữa ăn ngon miệng, ấm cúng, mang đậm nét văn hóa Hà Nội xưa là ấn tượng khi thực khách đến nhà hàng Ánh Tuyết (22 và 25 phố Mã Mây). Là nhà hàng nhưng có thể nói đây là địa chỉ hiếm hoi còn phần nào lưu giữ được nguyên bản nét cổ Hà Nội và là sự lựa chọn của khách du lịch nước ngoài khi tới thăm phố cổ.
Trong căn nhà gỗ cổ ngay giữa một khu phố cổ nhất của Hà Nội, du khách đến đây không chỉ được thưởng thức mà còn có cơ hội khám phá nghệ thuật ẩm thực thuần Việt bằng cách tự mình học chế biến.
Vào bếp từ năm 9 tuổi, sau gần 50 năm, những món tinh hoa ẩm thực đã ngấm vào con người bà, vinh danh bà Tuyết trở thành nghệ nhân ẩm thực hiếm hoi còn lại của đất Hà Thành. Bà chủ Tuyết sành chế biến tất cả các món truyền thống của Hà Nội như nem, giò lưỡi tai, giò lụa, những món ăn không chỉ đơn thuần là ẩm thực mà còn là sự kết tinh của ngàn năm văn hóa chốn kinh kỳ.
Bà Tuyết bộc bạch: “Tôi chưa từng học nghề ẩm thực chính qui bao giờ cả. Nhà có nghề đan len, tôi vụng đan, phải vào bếp. Lớn lên học thương nghiệp, làm Bách hóa Tràng Tiền đến năm 1986. Năm mình về nghỉ cũng là năm nước ta mở cửa, ai làm gì cũng được. Nhà có một cái lò nướng Liên Xô. Họp lớp, mình biểu diễn món gà quay tẩm mật ong, mọi người ăn khen nức nở và khuyên mình nên mở nhà hàng. Mình về nhà bố mẹ đẻ ở phố Nguyễn Hữu Huân bán giò, chả. Hàng bán đắt, tiếng đồn xa, được nhiều người đặt hàng. Năm 2001, ngông lên, tham gia hội chợ ẩm thực ở khách sạn Horison, không ngờ được ngay huy chương vàng!”.
Nhờ truyền miệng, từ năm 2002, hàng trăm đoàn khách ngoại quốc đã đến nhà hàng này dù nó khá nhỏ và khuất nẻo vì nằm trên gác hai. Bắt đầu từ việc đến ăn, các nhóm khách đòi được học cách chế biến từng món ăn Việt. Người Mỹ, Australia thích chả nem, gà quay mật ong, người Nhật thì chỉ thích học và ăn món Việt Nam cổ truyền như bánh chưng, bóng, nấm thả. Có nhóm khách còn đòi bà dẫn ra chợ Hàng Bè để mua thực phẩm.
Những vị khách từ nhiều đất nước xa xôi lấy làm thích thú với những món ăn được nấu và ăn ngay trong một ngôi nhà cổ kính, giữa một khu phố cổ nhất của Hà Nội. Chưa hết, đến lúc về, thực khách sẽ được cấp... một "bằng chứng nhận" đóng dấu nhà hàng về việc đã theo một khóahọc về ẩm thực Việt Nam.
Tập giấy chứng nhận cũng có một lý lịch thú vị. Một cặp vợ chồng Australia đến học món gà quay mật ong. Sau đó họ xin một tấm giấy chứng nhận, nhà hàng nói không có. Thế là họ xin địa chỉ, xin thông tin và tự làm một tập giấy chứng nhận, khắc cho một con dấu và gửi sang tặng!
Bà Tuyết kể lại, cỗ Tết cổ truyền của người Hà Nội xưa trang trọng và to lắm. Cỗ sáu bát, tám đĩa là cỗ to nhất. Sáu bát là măng, bóng, mực, nấm thả, miến, mọc. Còn tám đĩa là thịt gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh chưng, dứa xào lòng gà và cá kho. Giản dị như món cá kho cũng là một kỳ công. Ngoài riềng, sả, ớt, cần có nước chè tươi, nước dừa và mỡ gà rưới lên trên.
Bữa cỗ cuối năm được bày trên một chiếc mâm cổ bằng gỗ, tâm chạm trổ sơn son thếp vàng, đi cùng bát chiết yêu, đĩa cây mai. Ba ngày tết chỉ dùng cỗ cổ để cúng ông bà tổ tiên cùng hoa hải đường, đào thắm và quất tứ quý.
Bà cũng cho biết nếu chỉ nói thôi thì khách cũng không thế thấy thực tế món ăn như thế nào. Họ phải được nghe giảng, thực tế làm, sau đó họ phải là người được biết, thưởng thức món ăn đó xem có đúng như mình nói hay không. Cho nên, việc kinh doanh của nhà hàng Ánh Tuyết đã tạo cơ hội thực tế cho du khách. Bởi bà Tuyết muốn đem tất cả các món ngon của Việt Nam giới thiệu với bạn bè thế giới.
Và bà kể lại, gần đây nhất, một đôi vợ chồng mới cưới người Mỹ đi nghỉ tuần trăng mật ở Việt Nam, sau khi ăn bữa tối ở nhà hàng đã phải thốt lên rằng: “Trong đời tôi, những gì tôi cảm nhận được chiều sâu nhất, tinh túy nhất, thường thấy toát mồ hôi. Trước đây tôi có 1 lần ở quê nhà, và đây là lần thứ 2 trong đời, tôi toát mồ hôi khi được ngồi ăn cùng bà!”.
Và đó cũng là lý do để cô Lục Tin Lâm (một thực khách người Trung Quốc) nhận xét rằng đây chính là “Hà Thành đệ nhất món ngon”.
Trong câu chuyện, tôi cảm nhận thấy bà Tuyết cũng không khỏi chạnh lòng khi: “Thế hệ trẻ bây giờ không được nghe, được nhìn thấy ông, bà, cha mẹ làm những chiếc bánh susê mảnh cộng, bánh rán cao lâu. Đó là một thiệt thòi lớn”.
Mới đây, có một vị khách người Hà Nội tìm đến hương vị cổ. Vị khách này đặt bánh nướng, bánh dẻo từ bây giờ, h ẹn Trung Thu đến lấy mang vào Thành phố Hồ Chí Minh làm quà. Vị khách này yêu cầu nhà hàng phải làm theo kiểu cổ truyền, từ hình dáng, đến chất liệu làm bánh.
Mong muốn của bà Tuyết là được quảng bá tất cả những gì tinh túy, đặc sắc nhất của Việt Nam, trong đó có ẩm thực của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội./.
(Theo TTXVN // Vietnam+)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com