Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãng mạn Ok Om Bok

Trong vô số lễ hội quanh năm của đồng bào dân tộc Khmer, có ba lễ hội quan trọng là Chol Chnam Thmay, Dolta và Ok Om Bok. Nhưng lễ hội Ok Om Bok được tổ chức rôm rả hơn cả.
 

Đua ghe ngo. Ảnh: T.C.K

Lễ hội Ok Om Bok, còn được gọi là Phochia Praschanh som paes khee, là lễ Cúng Trăng. Lễ hội này diễn ra hầu như khắp các tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer cư ngụ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lớn nhất và được biết nhiều nhất là ở TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng). Vài năm qua, lễ hội này đã được tổ chức tại TX.Trà Vinh (Trà Vinh), TP.Rạch Giá (Kiên Giang), Ô Môn (TP.Cần Thơ).

 

Lễ hội Ok Om Bok ở các nơi thường được bắt đầu bằng cuộc đua ghe ngo (“Um Tuk Ngua”). Ghe ngo dài khoảng 24 m, ngang 1,2 m, làm từ thân cây sao khoét ruột, giống hình rắn thần Nagar - linh vật của người Khmer. Ghe chứa khoảng 40 tay chèo. Mũi và lái ghe uốn cong. Thân ghe trang trí hoa văn sặc sỡ. Hoa văn đẹp đẽ này còn được chăm chút trên từng cây dầm. Người Khmer coi ghe ngo là vật quý, linh thiêng, chỉ dùng tham dự các buổi lễ quan trọng, như Ok Om Bok. Sư cả và đồng bào trong phum sóc phải lựa chọn thanh niên cường tráng làm “Ch’rò-wa” (quân dầm bơi), đồng thời cử một người có uy tín trong phum sóc giữ vai trò chính “Chih-khbal” (người cầm lái) cùng “Yông-lith” (phụ lái) cho ghe. Ngồi cặp kè hai hàng dọc dài theo bên trong thân ghe, những chàng trai, cô gái Khmer mặc đồng phục đẹp, nhịp nhàng mái dầm theo tiếng còi hoặc tiếng cồng của người điều khiển. Trong ánh nắng chói chang hoặc trong cơn mưa tầm tã, tiếng cồng, tiếng còi từng nhịp từng nhịp thắt tim vang lên cùng tiếng mái dầm thọc sâu xuống mặt nước ngầu bọt sóng, đưa chiếc ghe vượt lên phía trước trong tiếng hoan hô khích lệ vang dậy của hàng chục ngàn khán giả. Đua ghe ngo ngày nay được xem như một ngày hội chung của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, để mọi người vui chơi, thưởng thức cái đẹp, cái khỏe mạnh, hào hùng, tài nghệ điêu luyện của các tay bơi tranh tài trên sông, mang đậm tinh thần thể thao, đoàn kết, vui tươi. Cho nên, cuộc đua kéo dài tới xế chiều và tuy có phân định thắng thua nhưng các tay bơi đều vui vẻ, hân hoan trong tinh thần đoàn kết.

 

Xế chiều, nếu ở Sóc Trăng người ta đến hồ Nước Ngọt, còn ở Trà Vinh thì tập trung về Ao Bà Om tham dự lễ Cúng Trăng. Ao Bà Om là một thắng cảnh độc đáo của Trà Vinh nổi tiếng khắp Nam bộ từ hơn một thế kỷ nay. Có câu hát rất phổ biến ở Trà Vinh nhằm ca ngợi hai thắng cảnh của địa phương này đến nay vẫn còn lưu truyền:

 


“Biển Ba Động nước xanh cát trắng

Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây

Xin mời du khách về đây

Viếng qua thì biết chốn này thần tiên !”

Lễ hội Ok Om Bok và đua ghe ngo năm 2008 diễn ra tại TP.Sóc Trăng và huyện Mỹ Tú. Từ ngày 5 đến 11-11, diễn ra hoạt động hội chợ kết hợp các hoạt động vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tại Khu văn hóa hồ Nước Ngọt; triển lãm văn hóa nghệ thuật dân tộc Khmer; Liên hoan nghệ thuật quần chúng Khmer và hội thi trang phục 3 dân tộc tỉnh Sóc Trăng lần IV; hội thao các môn thể thao dân tộc: cờ ốc, đẩy gậy, bóng chuyền, bi sắt...; phục dựng 2 lễ hội là nghi thức có liên quan đến lễ hội Ok Om Bok - đua ghe ngo lễ Cúng Trăng - thả đèn nước tại chùa Bốn Mặt (xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú) và hội thi thả đèn nước tại Khu văn hóa hồ Nước Ngọt (TP.Sóc Trăng) vào ngày 11-11. Từ ngày 7 đến 10-11, hội chợ triển lãm làng nghề truyền thống với các hoạt động như: đan đát, đâm cốm dẹp, vẽ tranh kiếng, tổ chức tham quan làng nghề bánh pía... Ngày 11 và 12-11, giải đua ghe ngo nam, nữ trên sông Maspero (TP.Sóc Trăng).

Ao Bà Om thuộc khóm 3, phường 8, cách trung tâm TX.Trà Vinh khoảng 5 km, theo Quốc lộ 53 về phía Tây Nam. Trước kia, từ Quốc lộ 53 vào ao là mấy con đường mòn lầy lội mùa mưa, cát ngập mắt cá chân mùa nắng, quanh co xuyên qua các phum sóc ẩn mình trong bóng mát cây xanh. Từ nhiều năm nay, con đường vào ao đã được mở rộng, tráng nhựa phẳng phiu, có đường xe hai chiều, dãy phân cách trồng hoa cỏ xinh tươi. Ao Bà Om có hình chữ nhật nên thường được gọi là Ao Vuông, rộng khoảng 10 ha. Mặt nước ao trong xanh và phẳng lặng được phủ bởi sen, súng dập dờn cánh lá với những đóa hoa tinh khiết vươn cao nét đẹp. Bao bọc quanh ao là bốn gò cát cao, mấp mô với các hàng sao, dầu cổ thụ rợp che bóng mát. Hấp dẫn nhất là một số gốc đại thụ này nhô lên khỏi mặt đất, có nơi cao khỏi đầu người, với nhiều hình thù quái dị nhưng độc đáo không đâu có. Lại có nơi hai cây cổ thụ mọc gần nhau, cành nối cành tạo sự “liên thông”, gắn kết, cũng là nét kỳ lạ, khó nơi nào có được. Ao Bà Om được nhiều người sánh là Đà Lạt của Đồng bằng sông Cửu Long nhờ bốn hàng sao dầu đại thụ quanh ao lúc nào cũng rì rào nhạc lá, tạo không khí mát mẻ như mùa xuân. Ao Bà Om được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa vào ngày 25-8-1992.

 

Đêm lễ hội, bốn con đường đất bao bọc quanh Ao Bà Om, cả triền dốc bốn đường quanh ao và mặt đường quanh ao “phủ rợp” người là người. Kẻ ngồi từng nhóm, người thả bước dạo chơi hoặc thưởng thức các món ăn dân dã địa phương, cũng như mua sắm vật kỷ niệm bày bán khắp nơi. Sụp tối, các “nghệ sĩ chân đất” làm xôm tụ bởi các điệu múa lâm-thôn, hát rô-băm, hát dù-kê, hát à-day, thi đấu cờ ốc, đấu võ, kéo co, đi cà khêu, biểu diễn trang phục các dân tộc, ăn cốm dẹp đầu mùa... Tiếng trống xa-dăm, tiếng kèn, tiếng thanh la, não bạt khiến lòng bạn quên hết mọi ưu phiền, lo toan của cuộc sống mà hòa mình vào cuộc lễ rộn ràng, sôi nổi, vui tươi. Bạn sẽ quên mất mình là ai, cùng hòa bước chân trong điệu lâm-thôn đầy mê hoặc, trong điệu hát giao duyên trai gái à-day tình tứ...

 

Nhưng lãng mạn hơn là chiêm ngắm những chiếc đèn gió lung linh bay lên khung trời sáng nhập nhoạng ánh trăng xanh. Đèn gió là loại hình giải trí mang đầy tính chất nghệ thuật và khoa học. Chỉ với nhiều mảnh giấy quyến lớn bao quanh nan bằng tre và kẽm, bên trong có bùi nhùi làm mồi lửa. Khi đốt lửa, không khí bên trong mất đi tạo nên một lực đẩy đèn gió bay lên cao cho đến khi ngọn lửa bên trong tắt hẳn thì đèn mới rơi xuống. Mỗi đèn gió còn có đuôi đèn bằng gòn được gắn vào khung kẽm theo hình thú hoặc chữ cũng được đốt cháy khi bay lên lắt lay trông rất đẹp mắt. Theo cánh đèn gió huyền ảo, người Khmer gởi những lời khấn nguyện, ước muốn tốt đẹp của mình đến với thần Mặt Trăng. Ngoài đèn gió, người ta còn thả đèn nước. Đèn nước là loại hình thuyền có đáy làm bẹ chuối tươi (hoặc mốp) như cái đền giả cùng với vật liệu là các nan tre và giấy. Đèn được trang trí hoa lá, cờ phướn bằng những sắc màu rực rỡ, đèn cầy bên cạnh các vật cúng gồm cốm dẹp, khoai lang, gạo, muối. Đội múa trống xa-dăm đi đầu đám rước, mọi người nối đuôi nhau rì rầm tiếng kinh cầu, đến bờ sông họ mới nhẹ nhàng thả đèn xuống, đem lại những màu sắc lung linh huyền ảo. Để cầu cho tình duyên đôi lứa vững bền, dịp này, các cặp tình nhân cũng làm những chiếc đèn nước nhỏ thả trên sông.

 

Đêm vui Ok Om Bok cứ thế diễn ra trong tiếng hát hòa trong tiếng các loại nhạc cụ, các điệu múa thành một “đêm trắng” lãng mạn lôi cuốn mọi người đến khó quên.

(Nguồn: PHÙ SA LỘC // Haugiang Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Hồ Ba Bể - Viên ngọc xanh giữa núi rừng Đông Bắc
  • Khám phá Tây Bắc
  • Khám phá Hòn Tre
  • Danh thắng chùa Hang và nghệ thuật khắc gỗ
  • Lễ mừng lúa mới của các tộc người J'rai và Bahnar
  • Kon Ka Kinh kỳ thú
  • Khám phá biển Tân Thành
  • Viếng đồi Thi Nhân
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com