Chùa Hang tọa lạc tại thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, một ngôi chùa cổ kính được xây dựng từ năm 1637 trên khuôn viên rộng 7 ha và đã trải qua gần mười lần trùng tu. Chùa Hang trước kia còn gọi là chùa Dơi, vì nơi đây có nhiều đàn dơi kéo nhau về quần cư sinh sống tạo nên một khung cảnh êm đềm, hoang sơ và tĩnh mịch, thu hút rất nhiều du khách. Nhưng kể từ Tết Mậu Thân 1968, chùa bị dội bom, khói lửa ngút trời, rừng cây náo loạn khiến cho đàn dơi hoảng loạn bỏ chùa bay đi tan tác. Nay chùa đã được chỉnh trang, nâng cấp, vườn cây xum xuê, xanh mát, tạo nên một cảnh quan yên ắng, thanh bình và đượm mùi trầm mặc khiến cho nhiều đàn chim trời bay về di trú ngày càng đông, nhiều nhất là cò, cồng cộc chiều nào chúng cũng sải rộng đôi cánh bay về rợp trời, chao liệng một vài vòng rồi nhí nhảnh sà xuống các ngọn me, sao, dầu... ríu ra ríu rít.
Nghệ nhân Thạch Buôl và tác phẩm khắc gỗ. |
Hiện nay, chùa Hang là một trong những ngôi chùa có nét đẹp văn hóa độc đáo ở Trà Vinh, đặc biệt là lối kiến trúc truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer với các hoa văn họa tiết rất công phu. Ngôi chính điện được trang trí theo mô típ kiến trúc Ấn Độ vừa rực rỡ, vừa trang nghiêm giữa một rừng cây trầm mặc, yên tĩnh và thanh bình.
Đến chùa Hang con người cảm thấy như đến với một viện điều dưỡng, vì nơi đây môi trường thật thoáng mát, không khí trong lành giúp cho con người dễ thân thiết và hòa quyện cùng với thiên nhiên.
Trong tổng số 141 ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh, chùa Hang là ngôi chùa đầu tiên đã có ý tưởng đưa nghệ thuật vào sinh hoạt văn hóa chùa, góp phần làm phong phú kho tàng mỹ thuật, đồng thời bảo tồn và phát huy nghề điêu khắc gỗ truyền thống. Hòa thượng Thạch Xuông, vị trụ trì đời thứ 23 của chùa Hang cho biết, trong chiến tranh, nhiều cây sao, dầu ở vườn chùa đã bị chặt hạ vô số kể và hiện còn để lại trong lòng đất nhiều bộ gốc, rễ nguyên vẹn với nhiều hình thù quái dị và kỳ thú. Nếu được các bàn tay tài hoa của các nghệ nhân khắc gỗ điểm xuyết, chắc chắn nó sẽ trở thành những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Từ ý nghĩ đó, sư Thạch Xuông đã tìm cách mời anh Thạch Buôl, một nghệ nhân điêu khắc gỗ nổi tiếng, quê ở Vĩnh Long về chùa mở lớp dạy nghề cho các sư sãi và các thanh niên có năng khiếu. Tính đến nay, chùa đã đào tạo trên 20 học viên, trong số đó có những người đã thành thạo, tự chế tác và chứng tỏ có nhiều năng khiếu như anh Sơn Sóc, anh Thạch Khia, sư Thiêng, sư Thanh Tùng...
Nghệ nhân Thạch Buôl cho biết, các học viên lúc đầu chỉ chạm khắc những con vật có hình dáng và đường nét đơn giản, sau đó mới từ từ chọn những đề tài phức tạp và sắc sảo hơn như chim đại bàng vươn cánh; mười hai con giáp; nhứt điểu nhì ngư tam xà tứ tượng; long lân quy phụng và các tượng Phật. Sau bốn năm mở trại và sáng tác, chùa Hang Trà Vinh đã cho ra đời trên 100 tác phẩm khắc gỗ có giá trị nghệ thuật và nhiều sản phẩm mỹ nghệ khác. Một số đã được khách du lịch và các cơ quan đoàn thể mua về làm quà lưu niệm với giá mỗi tác phẩm từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Ngoài ra, còn có nhiều khách hàng trực tiếp đến đặt hàng.
Khác hơn thú chơi cây khô mỹ thuật và nghệ thuật sử dụng rễ tre để tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, càng không phải là nghệ thuật gỗ lũa, nghề chạm khắc gỗ ở chùa Hang đặc biệt khai thác những gốc sao lâu năm và nét đẹp đặc trưng của bộ rễ mà không qua giai đoạn chế biến, ngâm hóa chất hoặc luộc chín như các loại gỗ khác. Người sáng tạo chỉ dựa theo hình dạng của hiện vật và nương theo những nét độc đáo của bộ rễ như màu sắc, khối u, lỗ thủng kỳ thú vừa trừu tượng biến hóa, vừa cụ thể để chế tác, nhưng không lạm dụng những kỹ xảo để làm biến dạng các nét hoang sơ đầy ấn tượng trong thiên nhiên. Anh Sơn Sóc cho biết, muốn có một tác phẩm hay trước hết người làm ra nó phải có lòng say mê, đặc biệt là phải có những giây phút ngẫu hứng xuất thần trong quá trình thao tác. Một vị sư nói thêm, nghề chạm khắc gỗ xưa nay chỉ do cha truyền con nối, ít ai được học tập và nghiên cứu tường tận bằng sách vở, nên nó đòi hỏi người chơi phải có một quá trình lao động nghiêm túc, công phu, tỉ mỉ và dày công khổ luyện. Bất cứ một nghệ nhân nào dù tài giỏi đến đâu cũng phải có óc tưởng tượng, có tư duy nghệ thuật trước khi phác thảo và chế tác.
Dù đã có tác phẩm bán bạc triệu, nhưng các vị sư cho biết hiện nay mục đích chính của chùa là bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống dân gian, tạo ra những sản phẩm tinh thần để phục vụ đời sống văn hóa. Trong tương lai, muốn phát triển mạnh để làm kinh tế, các nghệ nhân cần phải tiếp tục học hỏi, nâng cao tay nghề, đặc biệt là phải có phòng trưng bày sản phẩm giới thiệu với khách hàng trong và ngoài nước.
(Nguồn: Bài, ảnh: THÀNH HIỆP // Haugiang Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com