Nằm trên vùng đất không xa đô thị nhưng vẫn còn nguyên dáng dấp của vùng quê Việt Nam thuần chất, làng Trạch Xá (xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây) có nghề truyền thống may áo dài từ rất lâu đời.
Một điều trăn trở nữa là do sự phát triển kinh tế thị trường, làm ra những mặt hàng mà thị trường đòi hỏi, nên những hộ làm nghề may ở Trạch Xá giờ đây chủ yếu làm mặt hàng chăn ga, gối, áo bông… bằng chất liệu tơ tằm chứ ít hàng may áo dài. Mặt hàng này xuất ra các nước đem lại thu nhập tốt hơn theo nghề may áo dài nên hầu như ở Trạch Xá chỉ còn rất ít những thợ nam có tay nghề vững nhận cắt áo dài theo đơn đặt hàng từ các cửa hiệu trên phố. Các xưởng sản xuất tại làng hầu như may chăn, ga, áo bông. Nhà anh Nghiêm Văn Bao thường xuyên có hơn 10 lao động làm việc với thu nhập trung bình 500.000 -600.000 đ/tháng. Ngày mùa thì chỉ còn hai vợ chồng ngồi cắt và khâu. Anh kể: "Hồi bé tôi cứ theo ông bà làm nghề thế là nghiễm nhiên biết nghề. Trước thì may áo dài, giờ thị trường thay đổi chuyển sang may chăn bông bằng chất liệu tơ tằm của làng Vạn Phúc (Hà Đông). Hàng của tôi toàn xuất sang Trung Quốc, Nhật Bản và Thụy Điển…” Dù sao nghề truyền thống cũng đem lại đời sống kinh tế cho gia đình anh. Nhà cửa khang trang, con cái được học hành tử tế, mọi nghĩa vụ với làng xóm anh chị thực hiện đầy đủ, điều ấy làm chị Bao có vẻ mãn nguyện lắm. Chị chỉ mong mở rộng sản xuất, thu lãi lớn chứ không có vẻ gì trăn trở về việc không theo nghề may áo dài.
Đo áo dài (Ảnh minh họa)
Song giữa xu thế thị trường hoá như vậy, không phải không còn những người thợ thành đạt bằng chính nghề may áo dài truyền thống. Hai anh em Kiên và Phú có xưởng sản xuất tại làng và mạng lưới cửa hàng ở Hà Nội, Hải Phòng. Nghề may áo dài vẫn đem lại niềm say mê và đời sống kinh tế cao khi họ thực sự đầu tư và yêu nó. Phú bảo: "Em chỉ biết nghề này ở quê em từ rất lâu rồi. Trước đây làng em thường may áo dài lễ hội, áo dài cổ. Giờ thì chủ yếu may áo dài thời trang bằng cách nhận hợp đồng đặt hàng từ các công ty, ngân hàng v.v…".
Là chủ xưởng may trẻ tuổi, nhưng Kiên đã có kinh nghiệm khá già dặn về nghề. Để tạo nên vẻ đẹp của những chiếc áo dài phù hợp với dáng dấp thời đại và dáng vẻ mỗi người, Kiên đã xây cho mình những bí quyết: "Từ năm 90, áo dài rắc-lăng mới thịnh hành thì làng em làm đầu tiên. Giờ các nhà thiết kế sáng tạo ra nhiều kiểu dáng, chất liệu cách tân, mình phải có thêm kinh nghiệm may thế nào cho mỗi người hợp với kiểu dáng nào, chất liệu nào. Áo đẹp phụ thuộc rất nhiều vào việc xử lý chất liệu. Đã có lần người ta đưa vải chất liệu nước ngoài, em cắt như với chất liệu vải Việt Nam, thế là bị xấu, phải sửa…".
Vẫn biết rằng hoàn thiện một quy trình khép kín xây dựng làng nghề- làng văn hoá du lịch là ước mơ của cán bộ và nhân dân ở đây, tuy còn nhiều nan giải lắm…; tôi thực sự ngưỡng mộ mảnh đất, con người thuần chất mà có đôi bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ tinh tế đến thế để có được nghề làm nên vẻ đẹp Việt Nam trên thương trường trong nước và quốc tế.
(Nguồn: VOV)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com