Chuyến đi bằng xe đạp băng qua những mảnh vườn quê mộc mạc ở Đồng bằng sông Cửu Long của Porter Fox, biên tập viên tạp chí Powder, đã mang đến cho độc giả một cách nhìn phóng khoáng và mới mẻ về mảnh đất này.
Sau một tuần ở thị trấn du lịch Hội An và TP.HCM đông đúc sầm uất, thì việc khám phá nét mộc mạc vùng sông nước của Việt Nam bằng xe đạp có vẻ là sự chọn lựa hoàn hảo.
Đi du lịch bằng xe đạp có thể thoát khỏi những cuộc nói chuyện không thể né tránh trên xe buýt hoặc trên tàu. Hơn nữa, phần lớn các con đường ở nơi này đều làm trên nền những con đê thấp, được xây dựng từ thế kỷ 16, vì vậy cách duy nhất để đi thăm thú nơi này là bằng xe đạp hoặc bằng thuyền.
Chuyến đi dự định kéo dài trong bốn ngày, trên những chiếc xe địa hình mang sang từ New York. Mỗi chiếc xe chở theo nào là túi đựng quần áo, túi ngủ, áo mưa và thứ quan trọng nhất là một chiếc la bàn quân đội có từ những năm 1960, mua cách đây vài hôm ở TP.HCM.
Khoảnh khắc bình yên
Đó là một ngày ẩm ướt của tháng 12, một chiếc taxi thả tôi và người bạn gái xuống trước một con đường không có tên, cách TP.HCM một giờ chạy xe, gần huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An-PV).
Phảng phất trong không khí là mùi mùn cưa từ một xưởng đóng thuyền gần đó. Một chiếc thuyền dài đang trôi lững lờ trên dòng kênh, bên trên chất đầy gạo và mía.
Chúng tôi lấy xe đạp và lên đường, mọi thứ gần như toàn màu xám, kể cả không khí, sương mù khiến mặt trời không ló ra được.
Kế hoạch trong ngày hôm đó là đạp xe khoảng 100km về phía tây nam, tới trung tâm thương mại Cái Bè. Nhưng không có chiếc biển nào chỉ đường từ Thủ Thừa đi Cái Bè, nên chúng tôi đi vòng quanh trị trấn.
Sau ba vòng, chúng tôi quyết định dừng lại ở một quán cà phê ven đường, chủ quán là một người phụ nữ trung tuổi dễ mến, mặc một chiếc quần hoa màu xanh xám, đã tận tình chỉ đường cho chúng tôi trên một chiếc bản đồ viết bằng tiếng Việt.
Lát sau, chúng tôi đạp xe dọc theo một con đê chạy qua những ngôi nhà, cửa hàng bán tạp phẩm và quán cà phê kiểu nhà sàn làm bằng tre hai bên bờ đê. Những cô, cậu bé tròn mắt nhìn ngắm hai chiếc xe và hai chiếc mũ bảo hiểm bóng bẩy.
Mọi nơi chúng tôi đi qua đều thấy những người nông dân đang cầm cày đi sau con trâu trên những cánh đồng tươi tốt. Sau 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi đi được khoảng 65km. Trời bắt đầu tối dần, màu xanh nhường chỗ cho màu xám. Dạ dày chúng tôi sôi ùng ục. Vì vậy, chúng tôi dừng ở cách Cái Bè khoảng 35km.
Ghé vào một quán cà phê tồi tàn bên đường, bày một chiếc tủ kính trong đó toàn rau sống thái nhỏ, rau thơm và 17 loại nước hoa quả giải khát. Chủ quán mang cho chúng tôi hai ổ bánh mì chay kẹp đậu phụ, tiêu, rau thơm và cà rốt.
Khi ăn xong, bên ngoài trời đã tối. Chủ quán, một ông bố trẻ của bốn đứa con đã mời chúng tôi nghỉ đêm ở quán của anh. Vì không có khách sạn nào gần đó nên chúng tôi đồng ý và nhanh chóng ngủ thiếp đi trong tiếng nhạc của một bộ phim hoạt hình trên tivi.
Tấp nập trên bến dưới thuyền
Buổi sáng hôm sau, chủ quán pha cho chúng tôi ly cà phê đen Việt Nam đặc quánh và cho thêm chút sữa. Tỉnh táo nhờ ly cà phê, chúng tôi bắt đầu ngày mới, cố gắng bù vào khoảng thời gian đã mất và đạp xe qua Cái Bè cho đến khi tới thành phố Cần Thơ.
Chúng tôi đã đi qua một xưởng đóng tàu, nơi đang đóng những con tàu bằng sắt cao gần 20 mét, một nhà máy chế biến gạo đóng bao để chất lên tàu và một tượng đài rất lớn tạc hình ba người công nhân.
Một giờ sau đó, chúng tôi nhận ra chợ nổi Cái Bè, với những con thuyền buôn chở theo đầy mía, gạo, rau, quả trên sông Tiền. Người mua hàng đi trên những chiếc xuồng nhỏ vây quanh thuyền lớn để xem hàng treo trên những chiếc cọc cao bằng gỗ.
Để tiếp tục hành trình, chúng tôi cần tìm ai đó đồng ý chở cả người và xe qua sông Tiền để đi Vĩnh Long. Mất một tiếng rưỡi, nhưng cuối cùng cũng tìm ra một anh thanh niên mặc một chiếc áo có chữ Samsung đồng ý chở chúng tôi đi với giá 650.000 đồng (36USD).
Sau 36 tiếng đạp xe mệt mỏi, chúng tôi vui vẻ nghỉ ngơi trên chiếc xuồng dài hơn 4 mét của anh thanh niên và ngắm cách anh ấy lái xuồng trên sông.
Mất hai tiếng để chàng thanh niên đưa chúng tôi qua sông và cập bến ở Vĩnh Long.
Từ đây, chúng tôi bắt một chiếc xe đò, để tới được khách sạn Vitoria Cần Thơ trước khi mặt trời lặn.
Victoria có các khách sạn ở Việt Nam và Campuchia. Khách sạn ở Cần Thơ được xây từ năm 1998 với những chiếc lan can bằng gỗ tếch, sàn bằng gỗ, trần bằng tre. Nhân viên khách sạn nhanh chóng cất hai chiếc xe bám đầy bùn của chúng tôi và đưa cho chúng tôi khăn ấm để lau mặt.
Những cánh đồng bất tận
Sáng hôm sau, một cậu nhân viên trông rất nhanh nhẹn đã chỉ cho chúng tôi phần đường còn lại cần đi.
Hai ngày sau đó, chúng tôi đi theo bản hướng dẫn viết tay mà cậu nhân viên này đã đưa cho trong suốt quãng đường khoảng 160km ra hướng biển.
Mỗi ngày, chúng tôi đạp xe 10 tiếng trên đường, qua những cánh đồng lúa xanh bất tận, những nhóm công nhân đội nón lá nhấp nhô và cứ cách khoảng hơn 30km lại có một nghĩa trang các liệt sĩ đã hi sinh trong chiến tranh.
Buổi sáng cuối cùng, một Việt Nam hiện đại đã lại hiện ra khi chúng tôi đi qua thị xã Vị Thanh khoảng 110km tới Rạch Giá, một thành phố cảng nằm bên vịnh Thái Lan. Chúng tôi hi vọng có thể đáp phà đi tới hòn đảo đầy cát trắng Phú Quốc nhưng chuyến phà cuối cùng dự kiến sẽ xuất phát lúc 3 giờ chiều.
Khung cảnh bỗng chốc chuyển từ những đồng lúa sang cảnh sầm uất kiểu công nghiệp. Hàng ngàn chiếc xe máy, xe chở hàng, xe du lịch làm tắc nghẽn cả đường. Những người bán hàng rong bán đủ loại, từ kính đến đĩa DVD, áo phông… níu vai mời chào.
Bằng cách nào đó, chúng tôi đã lên được chiếc phà chỉ 5 phút trước khi nó rời bến và mệt mỏi ngồi bệt xuống sàn trong bộ quần áo đi xe đạp.
Một cặp người Đức ngồi gần chúng tôi và bắt đầu nói chuyện. Họ kể vừa đến thăm Hội An và TP.HCM, rồi hỏi xem chúng tôi đã đi thăm những đâu. Chúng tôi trả lời, ở đâu đó, giữa Đồng bằng sông Cửu Long.
(Theo Báo Đồng Nai)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com