Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngàn năm tháp cổ...

Không quá tĩnh lặng và u trầm giữa mưa nắng trần gian rơi trên tháp cổ ngàn năm, Mỹ Sơn hoang sơ nở nụ cười bí ẩn, huyền hoặc, độ lượng đón người!

alt
Mỹ Sơn trầm mặc.

1. Những câu chuyện hoang đường về súc vật , cỏ cây biết nói tiếng người và ca hát; đêm đêm, thần Krisna cưỡi xe ngựa về làng múa hát với mục đồng, chơi đùa cùng thôn nữ xinh đẹp; thần Siva ngự bò vàng Nandin lang thang trên các triền đồi, làng mạc hoang vu canh giữ ma quỷ; thần Brahma cưỡi thiên nga lông trắng, thần Visnu cưỡi chim thần từ ngọn núi thiêng bay về đền tháp, dạo qua xứ sở để cứu  vớt những linh hồn tội lỗi; hoặc thi thoảng, những ánh lửa từ rừng rậm bay về múa lượn trên đỉnh tháp trong đêm hoang vắng hay nhiều điều kỳ bí khác... vẫn lưu truyền trong dân gian quanh vùng. 

Không cần phải đợi đến lễ hội “Hành trình di sản”(2 năm một lần) hoặc một “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo” nào đó để gặp nụ cười Chiêm nữ bước ra từ cổ tháp cùng vũ điệu thần linh, tiếng kèn saranai, trống ghì - nằng... lung linh ánh nến. Chỉ một thôi đường từ Nam Phước, bước qua khe Thẻ, đi dọc con đường đá lát hoang liêu kia, người giàu trí tưởng tượng sẽ hình dung được trên nền phế tích có từng đoàn voi ngự lộng lẫy, lấp lánh kiệu vàng, vũ nữ Apsara rực rỡ xiêm y, bay lượn trong điệu múa thần linh giữa cồng chiêng âm vang rộn rã... dưới chân tháp cổ.

alt
Bánh căn truyền thống dân gian Chăm.

Có thể chầm chậm quanh đền thờ theo chiều quay trái đất trong một sớm mai bất chợt nào đó, sẽ được nhìn thấy ánh sáng lạ lùng rơi trên cổ tháp, để còn kịp nhìn thấy mình như một kẻ lữ hành trong thế giới huyễn hoặc, ảo ảnh của đền tháp, cỏ cây, núi rừng trong thung lũng thần linh. Hoặc, tưởng tượng ra chỉ cần leo lên những ngọn núi khuất sau tháp cổ sẽ hái được trăng sao và nghe Mỹ Sơn lên tiếng. Những tiếng thì thầm của vượn hú, mang tác..., cả tiếng gọi của từng viên gạch vỡ; nghe được cả tiếng gươm khua trên vó ngựa... và tiếng thời gian  trên những ngôi đền sụp đổ giữa thinh không. Hoặc có thể đi qua một cây cầu nhỏ, róc rách nước về phía nhóm tháp E, F, ngắm nhìn con bò đá trầm tư như một hiền triết... để có thể hiểu ít nhiều thế giới thần bí cổ tháp và cái hữu hạn của đời người.

2. Mỹ Sơn - quần thể di tích quan trọng nhất của vương quốc Champa xưa, là chỗ dựa tinh thần của hàng chục triều đại và hàng triệu con người trong suốt mười thế kỷ. Hàng năm khách thập phương trong vương quốc Champa, các vương quốc lân cận, hành hương về Mỹ Sơn dâng lễ vật, cúng tế thần linh, cầu phước..., chưa bao giờ là một chốn đô hội, một thứ “hội chợ phù hoa” giả tạo của người đời. Chưa phải cần có thứ ánh sáng lấp lóa, trùm lên cổ tháp, trong một “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo” đã được thử nghiệm như một sản phẩm du lịch đặc hiệu; chưa cần tiếng saranai cùng vũ điệu “thần linh” nghiêng nghiêng trong chiều giữa lũng núi, hoặc không còn con đường nến thắp mê hoặc, bạn cũng có thể say với Mỹ Sơn một ngày. Nhất là khi trời về chiều, bạn có thể nhấm nháp chút hương vị dân gian Chăm qua đĩa bánh căn “độc đáo” tự tay người phụ nữ Chăm chế biến, trước khi tìm cho mình một chỗ trú qua đêm đầy tiếng gió và hương núi rừng từ thung lũng xa vọng về các căn nhà nghỉ bên ngoài cổ tháp.

alt
Khu du lịch Thạch Bàn - Mỹ Sơn.

Mỹ Sơn giờ đã khác xưa nhiều lắm. Gió muôn trùng ngàn năm vẫn không thôi thổi qua miền cổ tích, nhưng khách không “bị buộc” phải quay về khi chiều tắt nắng như những ngày xưa cũ. Phía ngoài cổ tháp, vài ba khu du lịch đã mọc lên đón khách từ mấy năm nay. Bạn có thể chọn cho mình một nơi để “hái cả trăng sao” từ khu nhà nghỉ xây dựng theo kiểu nhà vườn truyền thống của Công ty TNHH Thanh Phong; có thể sống trong đêm với khu du lịch làng nghề lưu trú của Công ty TNHH Hoàng Anh; hoặc đón gió từ những căn nhà nghỉ, dọc theo sườn đồi thoai thoải dốc, trải rộng trên các dãy đồi bát úp của khu du lịch làng quê Khải Hoàn và nhiều căn phòng khác trên ngọn đồi Thạch Bàn hứng gió thung xa vọng về, với một cái giá rẻ. 

Nhâm nhi rượu quê cùng món bò nướng, đón sương thung lũng sau một ngày lang thang, đắm mình trong thế giới lạ lùng của đền tháp, giữa ảo ảnh của những viên gạch vỡ nóng lạnh thất thường theo những cuộc tranh luận, lẫn nụ cười thầm kín của vũ nữ Apsara giấu mình giữa những tượng sa thạch; có thể mang về những mặt hàng lưu niệm địa phương từ mây tre, gạch, gỗ, gốm và nhìn nghệ nhân làng nghề trình diễn, bạn còn cần gì nữa?

Hãy âm thầm đi, lặng lẽ ngắm nhìn cổ tháp qua miền quá vãng, nhìn thấy Linga,Yoni cùng những đền tháp đẫm sương để thánh tẩy tâm hồn!

(Theo NAM KHA // Báo Quảng Nam)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Buổi sáng ở Cửa Hội
  • Lung linh đèn lồng phố Hội
  • Giấc mơ của núi...
  • Ai về làng Vác…
  • Về An Giang đi tour mùa nước nổi
  • Đi Nha Trang... lên núi
  • Hà Nội: Một nét văn hóa ở... “Phố Tây” Tạ Hiện
  • Thủy sản nước ngọt và ẩm thực thời khẩn hoang
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com