Huyện Ðông Sơn (Thanh Hóa) từ xa xưa đã nổi tiếng bởi nghề chế tác đá. Ngày nay, nghề này vẫn được phát triển theo hướng đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tiết kiệm tài nguyên cùng với bảo vệ môi trường.
Chúng tôi về thăm làng Nhồi nổi tiếng với nghề chế tác đá truyền thống từ thế kỷ 3 sau Công nguyên. Theo cổ sử, sản phẩm đá của làng Nhồi không chỉ lưu dấu ấn ở các công trình văn hóa, lịch sử trong tỉnh như chùa Báo Ân, điện Lam Kinh, thành nhà Hồ, mà còn có mặt ở Kinh thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Diên Hựu, nhà thờ đá Phát Diệm hay hành hương về phương nam, góp phần tạo nên nét đặc trưng kiến trúc cung đình Huế cùng lăng tẩm các vua triều Nguyễn. Bao đời nay, phần lớn cư dân nơi đây vẫn gắn bó, mưu sinh nhờ nghề chế tác đá, dù trải qua những thăng trầm.
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi không còn thị trường Ðông Âu, làng Nhồi cũng lao đao, nghề cũ mai một. Cả làng chỉ có hai nghệ nhân còn giữ được nghề chế tác đá truyền thống. Trước tình hình ấy, huyện Ðông Sơn ban hành hai Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp (CN-TTCN), du nhập, nhân cấy nghề mới. Theo đó, việc khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Mặt khác, bản thân các cơ sở chế tác đá, nghệ nhân cũng tích cực học hỏi, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nghệ nhân Lê Thiều Quế là một trong số ít người còn lại ở làng Nhồi tìm hướng cách tân nghề thủ công truyền thống. Hiện là giáo viên dạy nghề TTCN tỉnh, được trường tạo điều kiện, nghệ nhân dành ba năm đi nhiều nơi học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ tay nghề, ứng dụng công nghệ hiện đại vào chế tác đá, tạo ra những mặt hàng đa dạng, phong phú, giá trị cao. Ðến nay, giá trị tài sản của cơ sở Chương Quế lên tới hàng chục tỷ đồng với doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Sau hơn 10 năm khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống, nghệ nhân Quế đã dạy nghề, truyền nghề cho hơn 200 học viên, trong đó nhiều người có trình độ tay nghề cao, đã thành lập cơ sở sản xuất độc lập và trở thành mạng lưới tiếp thị các sản phẩm đá mỹ nghệ ở nhiều địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh. Với hơn 10 cơ sở, doanh nghiệp chế tác đá mỹ nghệ, mỗi năm, làng Nhồi (bây giờ đã thành thị trấn) đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng.
Du nhập thêm nghề mới
Cách thị trấn Nhồi chừng 6 km về hướng tây, có cơ ngơi khang trang, bề thế của vợ chồng Bảy Hương trên diện tích gần 3.000 m2, bên con đường liên huyện của xã thuần nông Ðông Hoàng. Tại đây có 70 lao động đang chăm chỉ làm việc trong phân xưởng rộng chừng 500 m2.
Chủ nhà Lê Thị Hương kể cho tôi nghe cái thời vào TP Hồ Chí Minh tìm việc, rồi học nghề, thành lập cơ sở sản xuất riêng. Sau bảy năm "tầm sư học đạo", vợ chồng chị đem theo vốn là tay nghề, cùng 10 máy chế tác đá trang sức về quê. Buổi đầu vừa lo mở xưởng, duy trì sản xuất, vừa dạy nghề cho thanh niên nông thôn thiếu việc làm. Nghề mới chỉ cần học việc một tháng, tháng sau chăm chỉ, siêng năng làm đã có mức thu nhập khoảng 500 nghìn đồng/người, cho nên người lao động tìm đến cơ sở sản xuất Bảy Hương ngày một đông. Với các sản phẩm chính như chế tác mặt đồng hồ, hạt xoàn bằng đá trắng, đá mầu nhập khẩu, cơ sở Bảy Hương ngày một khá giả, nhân rộng ngành nghề ra các xã Ðông Ninh, Ðông Minh.
Riêng làng Cẩm Tú (Ðông Hoàng) cũng có tới 10 cơ sở chế tác đá mỹ nghệ tại gia đình. Chị Lê Thị Thơm, ở thôn 6, xã Ðông Ninh, cho biết: Gia cảnh khó khăn, khi học xong phổ thông, chị ra Hà Nội lao động kiếm sống. Thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng, nhưng trừ tiền thuê nhà, điện nước, sinh hoạt phí, của để dành chẳng được bao nhiêu. Ðược cơ sở Bảy Hương tiếp nhận, Thơm về quê học nghề, cùng làm việc với các bạn đồng niên. Chưa thạo việc, cho nên thu nhập mới đạt 600 nghìn đồng/tháng, nhưng được ở nhà, gần người thân.
Nhiều nữ lao động ở cơ sở Bảy Hương còn cho biết: Làm nghề này mưa không ướt mặt, nắng không tới đầu, ít độc hại, lại dư quỹ thời gian giúp đỡ gia đình. Hằng tháng, ngoài chi tiêu, vẫn dành được một khoản tiền nhỏ làm vốn riêng. Có người tính đến chuyện mua máy mài, gia công chế biến tại nhà rồi đem sản phẩm nhập cho các cơ sở Bảy Hương, Hồng Minh, Trường Học.
Tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường
Theo Trưởng Phòng Công - Thương nghiệp huyện Ðông Sơn Lê Bá Ứng, đa dạng hóa sản phẩm đá truyền thống, chế tác đá mỹ nghệ chỉ là một trong tám nghề mới, phát triển trên địa bàn huyện Ðông Sơn thời gian gần đây. Năm 2006, khai thác, sản xuất, chế tác đá ở Ðông Sơn đạt doanh thu 319 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 160 tỷ đồng. Ðể đạt được kết quả nêu trên, ngoài sự năng động, nỗ lực của các nghệ nhân, gia đình trên địa bàn, thời gian qua, huyện Ðông Sơn ban hành chính sách hỗ trợ vốn, đào tạo nhân lực, xây dựng quy hoạch cụm công nghiệp - làng nghề, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng như tranh thủ các chương trình dự án chuyển giao công nghệ, khoa học - kỹ thuật hiện đại cho nhân dân ứng dụng vào sản xuất.
Năm qua, huyện Ðông Sơn dành hơn 2 tỷ đồng ngân sách xây dựng kết cấu hạ tầng cho các khu công nghiệp - làng nghề, đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động... CN-TTCN ở huyện Ðông Sơn tạo việc làm thường xuyên cho 10.000 lao động với mức thu nhập 600 nghìn đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm có khoảng 700 lao động được giải quyết việc làm. Riêng năm 2006, toàn huyện có 1.035 lao động được tạo việc làm mới.
Chủ tịch UBND huyện Ðông Sơn Nguyễn Ðình Hưng khẳng định: Thời gian tới đây, huyện Ðông Sơn tiếp tục đầu tư, khuyến khích phát triển, nhân rộng nghề chế tác đá nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động, phát triển sản xuất cùng với tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, Hiệp hội đá tỉnh Thanh Hóa cũng đang tìm cách quảng bá sản phẩm đá mỹ nghệ trên thị trường thế giới. Do vậy, cùng với việc tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề chế tác đá mỹ nghệ cho người lao động; thực hiện các chính sách ưu đãi; huyện tiếp tục mở mang thêm ngành nghề mới, nhân rộng ra các xã thuần nông trên địa bàn...
Khôi phục nghề thủ công truyền thống, phát triển thêm ngành nghề mới đã và đang mở ra hướng đi, cách làm hiệu quả, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, giảm thời gian nông nhàn trong nông nghiệp, nông thôn, tạo tiền đề cho huyện Ðông Sơn tiến nhanh, vững chắc trên bước đường CNH, HÐH.
(Báo Nhân Dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com