Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thành phố “Bàn tay Đức Phật”

Mỗi ngôi chùa là một công trình văn hóa có giá trị nghệ thuật cao

Mỗi ngôi chùa là một công trình văn hóa có giá trị nghệ thuật cao

Luang Prabang (Lào) có lẽ là cố đô được gìn giữ, bảo tồn tốt nhất ở vùng Đông Nam Á. Giữa núi rừng heo hút, cố đô thanh bình bên dòng Mê Kông hùng vĩ hấp dẫn du khách bở vẻ đẹp vừa tự nhiên vừa nguy nga lộng lẫy.


Luang Prabang - tiếng Lào có nghĩa là “Bàn tay Đức Phật” - là kinh đô cổ của quốc gia Lạng Xang (Triệu Voi, Vương quốc Lào) từ thế kỷ 14 đến năm 1946, gắn liền với tên tuổi của vị vua Fa Ngum lừng lẫy. Ấn tượng đầu tiên của bạn, rất có thể - cũng như tôi - là khá nhiều người dân địa phương nói được tiếng Việt với những câu cơ bản (tất nhiên, ngữ pháp không là vấn đề lớn)! Thành phố này cho người ta ý niệm thực sự về phố cổ. Những ngôi nhà cổ bằng gỗ được thiết kế theo phong cách riêng rất đẹp, được sắp xếp trật tự dọc theo các dãy phố nhỏ dài, xinh xắn và tĩnh mịch.


Và chùa. Ở Lào, Phật giáo được coi là Quốc đạo. Cả thành phố Luang Prabang có khoảng 40 ngôi chùa cổ được xây dựng từ những triều đại khác nhau, mỗi ngôi chùa là một công trình văn hóa có giá trị nghệ thuật cao. Wat Xieng Thong (còn gọi là Chùa Vàng, biểu tượng của Luang Prabang) là ngôi chùa có vị trí quan trọng bậc nhất ở cố đô, được xây dựng vào năm 1560 dưới thời vua Say Setthatthirat, sau bao cuộc xâm lăng vẫn giữ được hình dáng nguyên thủy. Trong khuôn viên của chùa còn có một am nhỏ, đặt bức tượng đồng đen tuy nhỏ nhưng rất nặng. Tương truyền, ngôi chùa rất linh thiêng, khi khách đến cầu nguyện, nếu bê bức tượng dâng lên cao một cách nhẹ nhàng thì lời cầu nguyện sẽ trở thành hiện thực. Luang Prabang luôn bắt đầu một ngày mới êm ả thanh bình bằng nghi lễ khất thực vào khoảng 6 giờ sáng. Các thầy tu trong bộ áo cà sa màu vàng nghệ với những chiếc thố trên tay, bước chân trần lặng lẽ đi thành hàng dài dọc phố với ánh mắt nhìn xa vời vợi, để nhận xôi nếp, bánh trái, gạo, hoa quả từ tất cả mọi người. Khi dâng thức ăn, nếu người dâng là nam giới thì không nhất thiết phải quỳ xuống, nhưng nữ giới thì đó là điều bắt buộc. Các thiếu niên thường được gia đình đưa vào chùa vài năm để tu luyện tâm tính.

 
 
“Hột nậm” muôn hình muôn vẻ nhưng luôn mang lại nụ cười


Nếu đến Luang Prabang đúng dịp tết Bun Pimay cổ truyền của Lào (tính theo Phật lịch, thường bắt đầu từ ngày 13 tháng 4 dương lịch hằng năm, nhưng tưng bừng nhất là 2 ngày sau đó), bạn sẽ được thưởng thức “hốt nậm” (té nước) muôn hình muôn vẻ. Không chỉ dùng cành lá để rảy nước thơm, té nước trong thời hiện đại có cả súng phun nước các loại, thậm chí máy bơm, và xe ô tô chở theo thùng nước để sẵn sàng... nghênh chiến! Bất kể là ai khi được té nước đều tươi tỉnh (phần vì tin rằng càng ướt càng tốt lành, phần vì tiết trời đang nóng)! Với nhiều du khách, đó thực sự là một cách  “xả trét” thú vị!


Chiều xuống, lênh đênh trên con thuyền mảnh như chiếc lá xuôi dòng Mê Kông mênh mang lại là một cái thú khác. Giữa dòng sông thỉnh thoảng có những khối đá ngầm to bằng... những chiếc ô tô buýt. Nhưng đừng lo, các bác lái đò thuộc lòng những khối đá đó như trong lòng bàn tay. Hai bên sông là làng mạc thưa thớt, những đàn trâu nằm nhai cỏ thanh bình, nhưng đặc biệt hơn cả là những bến tắm của cả làng. Phụ nữ Lào tắm sông thật kín đáo, tế nhị. Họ vận váy rất dài, khi tắm kéo dần lên cao theo ngấn nước và cởi áo, tắm xong mặc áo và hạ thấp váy, mặc váy mới xong rồi cởi mới cái cũ…

 
Các thiếu niên thường được đưa vào chùa vài năm để tu luyện tâm tính


Đừng bỏ qua Bảo tàng Lịch sử của Luang Prabang. Đó là một công trình kiến trúc đẹp, sạch như lau, khách tham quan đều phải cởi bỏ giày dép và tuyệt đối không sử dụng camera. Các hiện vật được giữ gìn tốt, góp phần giúp Luang Prabang được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1995.


Đối diện với cổng Bảo tàng là lối đi có bậc thang lên đỉnh đồi Phousi - mái nhà của thành phố. Sau khi leo hơn ba trăm bậc thang, từ đỉnh đồi này, cả thành phố Luang Prabang hiện ra trong tầm mắt như một bức tranh thủy mặc. Từ đỉnh cao này, soi bóng dòng Nậm Khan - một nhánh của sông Mê Kông - Luang Prabang trong hoàng hôn đẹp như một bức tranh nhuốm màu huyền thoại.


Buổi chia tay tại sân bay thật lưu luyến, Luang Prabang vùng đất mến khách này làm ta thấy nao nao. Tôi chắc mình sẽ quay lại khi mùa thác Quangsi tuôn trào, để thăm những ngôi chùa mà mình chưa được đến, để rồi lại cầu nguyện và nâng bức tượng đồng đen lần nữa, để lại như ngày nào còn trai trẻ, để trái tim lại rộn ràng, thao thức...

(Theo Phùng Nho - Báo Doanh nhân)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Đi chơi Thủ Dầu Một
  • 36 giờ ở Hà Nội
  • Ngày cuối tuần ở đồng quê
  • Thung lũng Vàng mộng mơ
  • Vén màn ngôi nhà ma Đà Lạt
  • Chinh phục đỉnh Pinhatt - Thử thách chính mình
  • Đền Thái Vi - dấu tích vua Trần Thái Tông
  • Đình thần Thắng Tam ở Vũng Tàu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com