Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngỡ ngàng với Sa Pa

Đến Sa Pa chúng tôi được ngủ trong nhà người Tày, lang thang theo những thửa ruộng bậc thang cao vời vợi như đi thẳng lên mây để lúc về, ai cũng mang theo một nỗi bâng khuâng khó tả.

Sa Pa toàn nhà ống, dù nơi đây đất rộng người thưa. Không muốn giam mình trong bốn bức tường khách sạn, chúng tôi xuôi xuống bản Hồ-  bản của người Tày cách Sa Pa hơn 25km để được ở nhà sàn, ăn vịt nấu măng chua, uống rượu Tày và ngủ trong ngôi nhà gổ có đến ba bếp lửa.

Ở đây không có người Thái, vì vậy không giải thích được người Tày học chế biến món ăn ở đâu mà ngon lắm. Vịt cỏ thơm lừng, cắn giòn cùng với những sợi măng chua thanh ngái tê cay đầu lưỡi đã quyện vào nhau tạo món ăn riêng, vừa dân dã, vừa cao sang giữa miền đất đầy núi và gió.

“Măng chua là món ăn kết tinh từ tinh hoa trời đất”. Lời người phụ nữ Tày như mật rót vào tai. Ngẫm cũng đúng thật. Vừa nhú lên khỏi lòng đất, những ngọn bương non đã được đưa về, tước thành từng sợi nhỏ qua tay người phụ nữ. Hơn một tuần “trăn trở” trong chiếc vại sành ấm nồng mùi đất cùng với vị mặn chát như mồ hôi đổ xuống đồng của muối, măng tự lên men chua, rồi chuyển màu từ trắng đục sang trắng ngà và tiết ra mùi thơm ngai ngái.

Bữa cơm giữa nhà người Tày, ngoài vịt, măng còn có món cá suối rất thơm ngon,  độc đáo bởi nó có mắt trên đỉnh đầu và miệng nằm phía dưới bụng, chuyên sống ở tầng đáy, ăn rều mục. Tuy sống như vậy nhưng cứ đến mùa sinh sản, nó lại mang những chiếc bụng tức trứng bơi ngược lên thượng nguồn, tìm những tảng đá có rêu nằm phơi mình giữa nắng để thực hiện thiên chức làm mẹ. Đúng là dù sống có thể cực khổ, có thể sống trong hang, nhưng loài cá này cũng muốn con cái được sinh ra ở nơi ấm áp, sáng sủa.

Bản Hồ có hơn 100 hộ dân, nhà cách nhà bằng những khoảnh sân nhỏ có hàng rào. Chúng tôi đến vào giữa mùa gặt, thế nên từ buổi trưa đến chiều những khoảnh sân này được rải lúa phơi màu vàng cháy.

Một bà cụ ở đây chào bán những chiếc túi đựng điện thoại được làm bằng thổ cấm trông rất duyên. Muốn mua nhưng không được bởi chúng tôi không thể nào thoát khỏi sự bủa vây bởi nhiều người bán hàng khác. Hàng đẹp thật, nhưng cách bán này lại gây khó chịu cho rất nhiều người.

Không giống chuyện buôn bán, những con đường trong bản nhỏ nằm dưới thung lũng này thật sạch sẽ. Dường như du lịch đã giúp họ có một tư duy khác về vệ sinh môi trường. Lang thang khắp bản trong chiều nắng nhạt, chúng tôi không nhìn thấy rác trên những con đường bê tông chạy quanh bản. Và thật bất ngờ khi tôi thấy một thùng rác bằng gỗ đặt dưới chân nhà sàn, phía trên có ghi chữ bằng tiếng Anh: “Hãy giữ sạch thế giới của bạn”.

Đến bản Hồ đa số là khách du lịch quốc tế. Điều này đã giúp người bản địa nói tiếng Anh (tiếng bồi) như gió, nhưng nói tiếng Việt thì chưa được  hay lắm. Để hỏi về nhân thân người đối diện, cô gái Tày có cái tên rất sương khói là Đào Vương Lìn phải ấp a ấp úng một hồi lâu, rồi mới cất lời: “Mày cưới đã vợ chưa?” nghe đến buồn cười.

Hỏi dân trong bản, con gái bản Hồ cưới chồng nước ngoài nhiều bằng con gái ở Sa Pa không? Họ cười đầy ẩn ý: “Con gái Tày đứa nào cũng đi học, không có điều kiện tiếp xúc. Chỉ có gái không học, phải đi bán hàng, làm hướng dẫn dưới Sa Pa ngày nào cũng gặp nên mới cưới người nước ngoài thôi à”.

Tối ngủ lại nhà ông Thàng để xem “xoè”. Mấy cô gái Tày mặc trang phục người Thái múa rất nhiệt tình. Những chiếc quạt hồng đan xen, phe phẩy trong cảnh tranh tối tranh sáng dọc theo những đường cong thiếu nữ có thể làm xiêu lòng du khách khó tính nhất.

Cạnh chén rượu, ông Thàng chủ nhà cứ lim dim, gật gật liên tục. Khách đến bản đã nhiều. Nhiều khách về nước vẫn còn say điệu múa. Trên tay ông Thàng cầm lá thư của một du khách người Canada gửi về phần lớn chữ trong đó hỏi về điệu múa, về một cô gái tên Mai. Ông cứ day dứt mãi bởi cả bả có 4 đội múa, nhiều cô tên Mai nên điều khách hỏi, ông chưa biết trả lời thế nào.

Mùi khói toát ra từ bếp lửa chập chờn làm lữ khách chợt nhớ nhà. Thấy khách không vui, chủ nhà ngỡ đã làm gì thất thố nên cứ im lặng uống rượu đến lúc say lử lả.

Đêm đầu tháng, trăng lên rất muộn. Núi rừng chìm trong sương. Ánh trăng chếch sườn núi lúc quá khuya tạo cho cảnh vật trước nhà ông Thàng thêm vẻ cô liêu đến rợn người. Bật hơn 10 cây diêm, chúng tôi vấn chưa thắp được điếu thuốc. Đây ở vùng cửa gió, gió thổi lồng lộng suốt đêm. Giá lúc này ở phía đầu ngọn gió có đôi trai gái nào hát, tiếng kèn môi theo gió lan về thì hay biết mấy.

Thức dậy sau giấc ngủ muộn trong nhà sàn của người Tày để kết thúc những ngày bươn chải ở chốn lao xao, với chúng tôi là một hạnh phúc- dù nhỏ, nhưng nhiều thi vị./.


(Theo báo Nhân Dân/Báo Lào Cai)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Biển Vũng Rô trong nắng sớm
  • Ngỡ ngàng với Sa Pa- Bài 2: Thang bắc lên trời
  • Thăm phố cổ Đồng Văn
  • Ảnh hoa lộc vừng đỏ rực bên hồ Gươm
  • Ảnh EmailPrint Làng nghề thủ công nét văn hóa truyền thống Thủ đô nghìn năm tuổi
  • Mây núi Sa Pa đẹp như tranh thủy mặc
  • Hà Nội qua từng góc nhìn
  • Người Mông đón Tết
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com