Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngoạn cổ vật trong không gian nhà cổ

Nằm ở số 80 đường Nguyễn Thái Học, ngôi nhà cổ Diệp Đồng Nguyên đích thực là một bảo tàng tư  nhân - nơi quá khứ phồn thịnh của thương cảng Hội An đang được bảo lưu qua hàng ngàn cổ vật. Đến Hội An, sẽ thật tiếc nếu không ghé qua nơi này để nhận diện những mảng màu trầm tích mà thời gian đã điểm tô cho phố cổ - di sản văn hoá thế giới.

Căn nhà khá đặc biệt bởi bộ cửa to cao lúc nào cũng được trang trí đèn lồng Trung Hoa và đôi câu đối đỏ. Chủ nhân của nó, ông Diệp Gia Tùng, tên thường gọi là Sùng, người đang nối tiếp truyền thống cha ông bằng cách làm sống lại những mạch nguồn văn hoá qua niềm đam mê cổ vật. “Nhà họ Diệp chúng tôi xuất thân từ Trung Hoa, định cư tại Hội An gần 500 năm qua, cháu con mấy đời nối nghiệp buôn thuốc bắc, vải vóc, dầu cùng sưu tầm đồ cổ.” - Ông Diệp Gia Tùng cho biết.

Phòng trưng bày thu nhỏ

Hàng trăm cổ vật  được trưng bày ngay tầng trệt dễ khiến người thăm choáng ngợp. Trong tủ kính bên trái lối đi là cả trăm đồng tiền thời Bắc Tống - Trung Quốc thế kỷ thứ IX. Đó là những đồng tiền nằm trong một chiếc bình được đào lên từ lòng đất, bị kết dính tạo dáng một chiếc bình đậm sắc vàng. Cái tủ cổ kê giữa phòng như bình phong, hai bên là cặp bình gốm đời Đường. Ông Diệp Gia Tùng hồ hởi giới thiệu hai món cổ vật thuộc loại “hàng độc”, lần đầu tiên mới thấy và chưa giám định vì ông vừa “săn” được. Đó là một hột đậu phụng bằng sành hai vỏ, bên trong là tượng nam nữ ôm nhau và một cái bát tráng men mà ông xác định là từ thời Minh Thanh có khắc nổi hình hai con cá.

Hai bên bức tường cao chừng 5m ken dày những bình gốm cổ trục vớt từ biển Cù Lao Chàm. Những chiếc đĩa, bình gốm Chu Đậu thế kỷ 15 ghi rõ ký hiệu, tên niên đại được xếp thành hàng; những âu tiền cổ gắn chặt thành những khối cầu lớn đặt trang trọng trên những chiếc ghế cổ đã có mấy trăm năm tuổi được mua ở Thượng Hải, những bộ ấm chén có ký chữ Diệp Đồng Nguyên từ thế kỷ XIX xếp gọn trong tủ kính. Cả căn phòng treo đầy hoành phi, câu đối, phía trong là bộ sưu tập tiền Việt và Trung Hoa cổ, mỗi đồng được ghi chú niên đại, kẹp trên một bảng nhựa vuông vức.

Ông Diệp Gia Tùng nói rằng ông sưu tầm đồ cổ là để thoả chí đam mê hơn là kinh doanh. Vì thế, ông giải thích cặn kẽ từng món đồ có xuất xứ từ đâu, giá tiền bao nhiêu và vì sao nó được xem là quý giá. Để bảo quản cổ vật, ngoài kinh nghiệm của thế hệ trước truyền lại, ông đã mày mò tra cứu tư liệu Hán văn, Hán nôm và học hỏi ở nhiều nhà sưu tầm tại Sài Gòn, Hà Nội. Theo ông, với số lượng quá nhiều thì chẳng ai nhớ hết được, nhưng ông thì nhớ, “bởi chúng không chỉ là cổ vật mà còn có rất nhiều điều lý thú về nó. Hơn nữa, đơn giản là bạn yêu cái gì thì nó nằm lòng.”.

 

Những bảo vật gia tộc

Lên căn gác gỗ rộng bên trên, thế giới cổ vật lại mở ra cho chúng ta mênh mông quá khứ, trong đó có lịch sử dòng họ Diệp với hàng trăm câu chuyện được kể bởi những sắc màu.

Đó là bộ ảnh vua Bảo Đại duyệt binh ở Ngọ Môn - Huế, đi thăm Hội An vào những năm 1930. Hình hoàng hậu Nam Phương và các con treo trên chiếc gương và bàn trang điểm của chính hoàng hậu. Bên trong căn gác trái rộng chừng 12m2, chính giữa là bộ bàn gỗ chạm khắc tinh vi của vua Bảo Đại ngồi mỗi lần thị sát xứ Quảng tại phủ Điện Bàn, trên tường treo đầy ảnh về vị vua này. Ông Diệp Gia Tùng cho biết: “Trước đây, họ Diệp là đại lý vải gấm, nhiễu Trung Hoa cung cấp cho hoàng tộc. Ông tôi kết thân với nhiều quan lại trong triều và cả vua Bảo Đại, nhờ thế mà còn lưu lại cả trăm bức ảnh về vương triều này”.

Nối tiếp cha ông, niềm đam mê chụp ảnh đã giúp cho nhà nhiếp ảnh Vĩnh Tân, anh ông Diệp Gia Tùng, có một bộ sưu tập “hàng độc” gồm cả nghìn bức. Đó là cảnh và người thành phố Đà Nẵng, các miền quê xứ Quảng, phố cổ Hội An, các bức ảnh chân dung dòng họ Diệp tại Trung Hoa và Hội An từ những năm 1930 đến 1975 của thế kỷ trước. Trong đó, bộ ảnh tư liệu về trận lụt lịch sử năm Giáp Thìn - 1964 tại vùng Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An; các cuộc “đấu xảo” - hội chợ trình diễn nghề thủ công dưới thời Pháp thuộc tại Hội An tỉnh lỵ được ông Vĩnh Tân chụp và bảo lưu đến nay. Đặc biệt, bộ sưu tập hàng trăm bức ảnh về trang phục và sinh hoạt thường ngày của cư dân phố cổ đầu thế kỷ XX của ông là cơ sở để Hội An phục dựng lại công trình nghệ thuật “Đêm phố cổ” và “Phố đi bộ” với điểm nhấn ấn tượng từ nhiều cuộc trình diễn thời trang phố Hội.

... Và nhiều thứ khác

Trong tủ sách đồ sộ kê sát vách tường, những cuốn bách khoa của người Hoa, những cuốn sách Việt in vào thời Khải Định, những thư tịch cổ nói về các bài thuốc trị bệnh có niên đại hàng trăm năm đang được chống ẩm mốc và mối cẩn thận. Chúng từng được nhiều người hỏi mua bằng tiền tỷ nhưng chủ nhân khẳng định “không bao giờ bán”.

Trước gian thờ, những lư đồng, hoành phi câu đối, cây lá, tráp mạ vàng; những chiếc đồng hồ cổ, những bộ long- ly- quy- phụng; bình, ấm có niên đại từ thời Lý, Trần được bày biện trang trọng, đẹp mắt. Dưới một chút là bộ sưu tập những con dấu cổ và đồ trang sức thời Chămpa, Sa Huỳnh, Đại Việt... Càng khiến người xem ngạc nhiên hơn là hàng trăm con dấu được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau. Trong đó có con dấu của người Chămpa với hình sư tử làm bằng đá khắc hoa văn tinh xảo, cầu kỳ; những con triện thô mộc của chính quyền trước giải phóng; những chiếc rương gỗ bên trong chứa tiền cổ các loại không đếm xuể và nhiều thứ khác nữa. Mỗi thứ gắn với một câu chuyện ly kỳ mà chủ nhân của nó có thể kể cho bạn nghe hàng giờ.

Trong kho tàng hơn 3.000 cổ vật của gia tộc họ Diệp, còn rất nhiều hiện vật cổ giá trị khác không chỉ về niên đại mà còn về lịch sử, văn hoá đang được lưu giữ nguyên vẹn. Đây xứng đáng là một bảo tàng đặc biệt, riêng có bên cạnh 4 bảo tàng mini mà Hội An đang trưng bày cổ vật để giới thiệu với du khách.

Có thể nói, tại nơi từng được mệnh danh là “trung tâm lưu tồn cổ vật” của cả nước như Hội An, câu chuyện về một gia tộc với một người đam mê cổ vật như ông Diệp Gia Tùng thật đáng để du khách tìm tòi, khám phá và chiêm ngưỡng

(Theo vntravellive)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Phố Hiến xưa và nay
  • Chùa Chuông - niềm tự hào của phố Hiến
  • Ðất và người Mù Cang Chải
  • Một lần về làng “bần” Yên Nhân
  • Nét đẹp Ninh Bình
  • “Chợ nổi trái cây” ở Suối Tiên
  • Góp gạo, chọi trâu chung giữ tục xưa
  • Những sắc màu rẻo cao
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com