Cuộc sống của người Mông ở Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) ngày thêm ấm no, hạnh phúc. người dân nơi đây đã làm nên một trong những bài ca hay nhất về cuộc đổi thay trên đất nước.
Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. |
Tôi vượt hai trăm cây số, lên đèo Khau Phạ đến phố huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) thì trời vừa tối. Gió vi vút rừng thông. Sương giăng mờ phố núi. Ánh điện tỏa xuống dòng Nậm Kim lấp lánh. Tôi kéo ve áo cho kín cổ rồi lững thững theo con đường mòn ven suối ngược lên bản Kim Nọi, tắt ngang dòng Nậm Kim sang Chế Cu Nha. Chợt tiếng sáo Mông như bật ra từ lòng núi, đổ tràn xuống ruộng bậc thang, trầm bổng như giai điệu câu hát: Ðêm đã qua, sao lượn vòng đổi chỗ - Ngày đã rạng, lối đi sáng tỏ - Ta theo ngọn gió về nhà - Mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em - Ðêm đã qua, sao lượn vòng đổi chỗ - Ngày đã rạng, đường đi sáng rõ - Ta bám mây về nhà - Mà hồn như còn ngủ trong tà áo em... Dân ca Mông đấy, lời yêu đắm đuối, mãnh liệt của dân ca Mông được thổi qua ống sáo của người khao khát yêu thành ra càng đắm đuối, si tình. Lòng tôi cũng rạo rực, cứ nhìn ngược lên sườn núi, nghiêng ánh mắt trong đêm mờ sao mà ngó theo. Rồi sớm mai bừng nắng, một mình leo núi Mồ Dề mà tiếng sáo gửi bạn của chàng trai Mông nào đó như vẫn thoảng đâu đây. Mấy năm trước tôi lên núi Mồ Dề trên con đường mòn chỉ lọt dấu chân con hoẵng. Ðường ô-tô mở được một đoạn thì bị vách đá dựng đứng chặn lại dưới chân bản Nả Háng A. Trông mà khiếp, vì vách đá khổng lồ, cao vút, lơ lửng trong mây, nghiêng bóng xuống dòng suối Mơ sâu hun hút. Nên mới có chuyện ngày trước, có anh cán bộ từng thách đố: nếu mở được đường ô-tô qua chỗ này thì anh bái phục và sẽ xin thôi việc! Thế mà giờ đây, con đường tưởng là trong mơ ấy đã nghễu nghện lượn quanh sườn núi. Vào những ngày nắng ráo thì ô-tô, xe máy cứ việc vù thẳng lên tận xã Mồ Dề, thật sướng. Tôi đứng dưới chân vách đá đã bị con đường chẻ thẳng như khẩu mía rồi dò chân ra mép đường ngó xuống vực thẳm suối Mơ, thấy lạnh người. Lát sau, tôi bám cây leo lên tràn ruộng bậc thang nằm chênh vênh ngay sườn núi. Từ đây, tôi dõi nhìn ngược thung lũng Nậm Kim, chạy suốt hai bên thung lũng suốt từ Chế Cu Nha ra đến Púng Luông là rừng thông xanh ngút ngát, là cánh ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Vào mùa lúa chín, những sườn núi ở Chế Cu Nha - Dế Xu Phình - La Pán Tẩn như bức tranh sơn mài khảm vàng. Nưng nức những mâm xôi vàng dâng lên trời xanh. Ào ạt những con sóng vàng vỗ dồn lên sườn núi. Tràn những con sóng vàng ăm ắp đổ vào lòng thung. Phải nói là ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, nhất là ở Chế Cu Nha - Dế Xu Phình - La Pán Tẩn, thật sự là các công trình sáng tạo tuyệt vời của người Mông. Ruộng bậc thang ở ba xã Chế Cu Nha - Dế Xu Phình - La Pán Tẩn đã trở thành Danh thắng ruộng bậc thang cấp Quốc gia. Nơi đây đã và đang là trung tâm tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, du khách về ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường sống và bản sắc dân tộc. Là nơi bảo tồn, giới thiệu các giá trị văn hóa của người Mông, từ truyền thống đến hiện đại. Là nơi thu hút học sinh, sinh viên, các nhà khoa học, các nhà dân tộc học và du khách bốn phương đến tham quan, nghiên cứu, học tập, nghỉ ngơi... Ngay đêm qua, chính tôi thành du khách - bất ngờ và dân dã - đã được thưởng thức giá trị văn hóa Mông độc đáo, đấy là tiếng sáo của chàng trai Mông nào đó trong đêm sao, trầm bổng đổ tràn qua ruộng bậc thang Chế Cu Nha. Chàng trai thổi niềm si tình qua ống sáo, rằng đêm qua rồi, sớm mai ra lối đi sáng rõ, anh theo ngọn gió bám mây trở về nhà mà hồn vẫn còn như ngủ ở thắt lưng em, hồn vẫn còn như ngủ trong tà áo em! Bây giờ trời đã sáng rõ, mình tôi đứng lặng giữa lưng chừng núi Mồ Dề cao 2.100 m mà nhớ lại đêm qua, mà say sưa ngắm ruộng bậc thang kỳ diệu kia. Nhưng tiếng sơn ca hót ríu ran trong vòm cây lại dẫn dụ tôi hướng lên những ngọn núi cao vời phía bên kia dòng Nậm Kim. Mù Cang Chải nằm trong sóng núi Phan-xi-păng với đỉnh Tà Xùa cao 2.282 m, đỉnh Hấu Ðề cao 2.240 m, đỉnh Trông Cai Ðằng cao 2.499 m... Nghe nói về độ cao đã ghê, nhưng đối đỉnh với núi Mồ Dề bên kia dòng Nậm Kim là đỉnh La Háng cao 2.050 m, đỉnh Kể Cả cao 2.055 m, Phu Ba cao 2.512 m... còn ghê hơn. Chế Tạo - một cái tên nghe lạ lẫm, cách Hà Nội chừng 450 cây số về phía Tây Bắc, là nơi đang được các nhà quản lý, các nhà khoa học rất quan tâm. Bởi xã Chế Tạo hiện là trung tâm (còn gồm cả vùng ngoại vi thuộc các xã Lao Chải, Dế Xu Phình, Púng Luông, Nậm Khắt dọc theo ranh giới phía Bắc và phía Ðông) của Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Mù Cang Chải. Trong những cánh rừng xanh ngút trời với một thảm thực vật hết sức phong phú của Khu bảo tồn loài - sinh cảnh này, qua nhiều năm khảo sát điều tra, đã phát hiện được 22 loài bò sát, lưỡng cư, như rùa đầu to, rùa núi, rùa đất, rắn hổ mang, rắn lửa, ếch gai, cá cóc... Chim có tới 127 loài, như gà lôi, gõ kiến, bìm bịp, cú mèo, đại bàng, gầm ghì, sẻ, chiền chiện, riêng họ khướu có đến 41 loài như khướu vằn, khướu đầu hung, khướu đuôi đỏ, khướu mỏ cong, khướu đuôi cụt, khướu đất đuôi cụt, khướu đất PIGMI, khướu đất đuôi dài, khướu mỏ quặp bụng hung, khướu mỏ quặp bụng trắng, khướu mỏ quặp cánh vàng, khướu vằn gáy xanh xám, khướu lùn cánh xanh, khướu lùn đuôi hung, khướu lùn đuôi đỏ, khướu mào khoang cổ, khướu mào cổ hung, khướu mào họng đốm, khướu mỏ dẹt đầu xám, khướu mỏ dẹt vàng, khướu bạc má, khiếu đen. Quý hiếm hơn cả là loài niệc cổ hung Aceros nipalensis hiện nay chỉ còn thấy ở Mù Cang Chải và ở Vườn quốc gia Pù Mát. Dựa vào số liệu phỏng vấn nhân dân, các nhà điều tra ước tính loài niệc cổ hung ở rừng nguyên sinh Mù Cang Chải chỉ có chừng 28-30 cá thể, dù rất ít nhưng cũng là quần thể niệc cổ hung lớn nhất Việt Nam. Còn thú trong Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Mù Cang Chải cũng rất phong phú với 53 loài, như: chồn, cầy vằn, sóc, rái cá, nhím đuôi ngắn, cu li nhỏ, chó sói, khỉ mốc, lợn lòi, nai, khỉ mặt đỏ, hoẵng, sơn dương, gấu ngựa, báo gấm, báo lửa, báo hoa mai, voọc xám... Ðặc biệt là loài vượn đen tuyền. Ðược biết, Chương trình Ðông Dương của Tổ chức FFI (Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế), sau khi xem xét toàn bộ lịch sử phân bố của loài vượn đen tuyền ở Việt Nam mới xác định hai địa điểm phía bắc huyện Văn Bàn - Lào Cai và các khu rừng nguyên sinh tiếp giáp Mù Cang Chải - Yên Bái với Mường La - Sơn La là còn loài vượn đen tuyền. Qua mấy năm điều tra, được biết tổng số có 40 đàn ở khu Mường La - Mù Cang Chải và đã đếm được 111 cá thể vượn đen tuyền ở các cánh rừng nguyên sinh Mù Cang Chải, ước đoán cũng có thể còn gấp hai lần số lượng trên. Nhớ mấy năm trước, tôi cùng đoàn cán bộ Tỉnh ủy Yên Bái lên công tác ở Chế Tạo. Ðường cho ô-tô, mở từ thị trấn Mù Cang Chải, mới đến Háng Gàng được hai mươi cây số, như đường lên trời, vẫn còn cách Chế Tạo chừng ba mươi cây số nữa. Không may gặp ngày mưa, con đường dốc ngược núi Lao Chải Sơn và Háng Gàng trơn truội, không thể đi ô-tô được. Chúng tôi phải đi bộ, đi từ sáu giờ sáng đến 21 giờ tối mới đến xã Chế Tạo, mất đúng mười lăm giờ đồng hồ. Rủn gối. Mệt mỏi. Rã rời. Ngủ lịm. Thế mà lúc trời hừng sáng, tôi đột nhiên vùng dậy, khập khễnh ra ven rừng, dỏng tai nghe. Chao ôi, những tiếng hú liên tiếp vang động, bùng ra từ màn sương trắng, làm rung cả rừng già, nghe thật hoang dại và kỳ lạ. Hỏi mới biết đấy là tiếng hú gọi đàn của vượn đen tuyền trên rừng già ở chân núi Pú Vá. Lúc đó tôi chưa hề biết gì về Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Mù Cang Chải cũng như loài vượn đen tuyền kia. Giờ đây đứng trước thiên nhiên hùng vĩ với Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Mù Cang Chải quý giá, những người biết yêu thiên nhiên thực lòng biết ơn các tổ chức và con người đã tham gia xây dựng dự án ban đầu tại xã Chế Tạo. Họ giúp hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn như thế nào của Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Mù Cang Chải đối với Việt Nam, Ðông Dương và cả thế giới nữa. Cũng phải cảm ơn người Mông ở xã Chế Tạo đã có công gìn giữ.
Ngày mùa trên những thửa ruộng bậc thang.
Tôi hú một tiếng thật dài, vẫy tay chào tạm biệt những đỉnh núi cao vời của Chế Tạo, rồi xuống đường, tiếp tục ngược Mồ Dề. Vừa đi, tôi vừa ngẫm nghĩ, 2.150 ha ruộng bậc thang, 20.293 ha rừng già và rừng nguyên sinh, 12.863 ha rừng thông, hơn 2.000 ha rừng cây sơn tra, với Khu bảo tồn loài - sinh cảnh, mai đây cả vùng Danh thắng ruộng bậc thang nữa, sẽ trở thành tài sản quý giá của Mù Cang Chải. Nhưng Mù Cang Chải cũng còn một tài sản vô cùng quý giá nữa, đó là gần 40 nghìn người Mông Ðú - Mông Si - Mông Ðơ - Mông Lềnh, cả cộng đồng người Mông ở Mù Cang Chải đoàn kết một lòng tin theo Ðảng, theo cách mạng, không ngừng học tập, lao động sáng tạo, xây dựng cuộc sống ngày càng phát triển, tiến bộ. Chính cộng đồng người Mông ở Mù Cang Chải đã sinh ra các chiến sĩ du kích Khau Phạ lừng danh như Giàng Khua Kỷ, Lý Nủ Chu, Giàng Sống Tu, Giàng Sống Của, Lý Cáng Du, Giàng Chay, Lý Tống Sử, Giàng A Ký, Giàng A Trừ, cùng với hàng trăm chiến sĩ người Mông khác nữa, từng chiến đấu anh dũng làm kinh hồn giặc Pháp ở đồn Tú Lệ, đồn Nghĩa Lộ mỗi khi chúng càn lên Khau Phạ, góp công giải phóng Nghĩa Lộ, mở cửa ngõ Tây Bắc để quân ta tiến vào giải phóng Ðiện Biên Phủ. Rồi trong thời kỳ đổi mới, Ðảng bộ và nhân dân Mù Cang Chải đã sinh ra các thế hệ thanh thiếu niên ngày nay rất hiếu học, chăm ngoan, biết yêu quê hương, yêu Tổ quốc, sinh ra các cán bộ lãnh đạo huyện xuất sắc như Giàng A Chu, Sùng A Vàng, Thào A Sàng, Vừ Thị Pàng, Sùng Thị Chư, Thiếu tướng Lý A Sáng, Anh hùng lao động - bác sĩ Vàng A Sàng...
Từ năm mười bốn, mười lăm tuổi, tôi đã từng đi dạy học xóa mù chữ cho người Mông trên dãy núi Con Voi, sau này lại từng ăn, ở, làm nương rẫy, đi hội xuân với người Mông, thấy bà con sống thật phóng túng và mãnh liệt như chính cánh rừng xanh ngút ngàn, như chính những ngọn núi ngun ngút trời mây, như chính những dòng suối tuôn chảy không ngừng qua năm tháng. Tôi biết, người Mông đã sáng tạo ra ruộng bậc thang, chiếc sáo, cái khèn, khẩu súng kíp, chiếc lù cở. Xa nữa, người Mông phía bắc Tổ quốc Việt Nam, trong đó chắc chắn có người Mông ở Mù Cang Chải, còn sáng tạo ra cả một dòng dân ca gầu-plềnh tuyệt hay. Và tôi đã mê đắm những bài dân ca Mông, mê tiếng sáo Mông trầm bổng líu ríu như tiếng chim sơn ca, mê luôn cả núi cao rừng thẳm. Thì đấy, mùa xuân đã về, tớ dày - một loại đào rừng, đang nở hoa, cứ như có cây bút thần nào đó chấm những chấm hồng tươi lên cái mầu xanh biếc của rừng, tôi lại một mình lặng lẽ leo núi như một nỗi thèm khát của tâm hồn. Lên núi để được nghe gió lao xao hát mãi trên những cánh rừng xanh ngút ngàn. Lên núi để được nghe con suối rì rào hát mãi trên triền đá. Lên núi để được nghe núi thì thầm một khúc dân ca Mông: Lời hát biết hát, không biết kết thúc - Như khóm ngải tàn lại tiếp khóm ngải xanh - Bài hát biết nói, không biết kết thúc - Kết thúc như hoa đào nở trên núi cao!
(Bài và ảnh: HOÀNG THẾ SINH // Báo Nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com