Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Người dân tộc thích dùng hàng Việt vì… "nó khỏe"

Niềm vui khi sữa về tới bản (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Chọn mua hàng Trung Quốc là một thói quen tiêu dùng của đại bộ phận người dân tộc thiểu số ở các xã giáp ranh biên giới thuộc nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Thói quen này xuất phát từ thuận lợi hàng Trung Quốc vừa nhiều, vừa rẻ lại vừa dễ mua.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng và biết chất lượng hàng Trung Quốc kém hơn hàng Việt, nhiều bà con đã quay sang chọn hàng nội. Thành công này cũng là kết quả từ chiến dịch vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” khởi động từ quý III năm 2009 (thực hiện văn bản chỉ thị số 264-TB/TW của Bộ Chính trị).

Thích hàng Việt “vì nó khỏe”

Khảo sát tại một trong số các tỉnh miền núi có nhiều xã giáp biên giới là Lào Cai thấy hàng Việt thực sự đã lan tỏa và bám rễ khá chắc ở đây. Ghé chợ trung tâm Bát Xát, chợ Mường Hum… thuộc Bát Xát (huyện vùng cao có tới 98 km đường biên giới), hàng Việt đã chiếm lĩnh tới khoảng 80-90% thị phần các mặt hàng tiêu dùng.

“Mấy năm trước hàng Việt chỉ chiếm không quá 50% do người dân tộc thiểu số ở đây họ nghèo lắm, mà hàng Trung Quốc thì vừa nhiều vừa rẻ. Nhưng gần đây có chủ trương khuyến khích dùng hàng nội, hơn nữa bà con cũng nhận thấy dùng hàng Việt bền hơn, chất lượng hơn nên bây giờ bán hàng Việt cũng khá chạy.

Quầy hàng của tôi giờ có tới 90% các mặt hàng xuất xứ trong nước,” anh Tiến (quê ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), một tiểu thương chuyên các mặt hàng nhu yếu phẩm ở chợ Bát Xát nói.

Cũng vì thế mà người miền xuôi đi buôn hàng trên miền ngược như anh Tiến không ít. Huyện miền núi có 10 xã giáp biên giới (trên tổng số 23 xã) này. “Có khoảng 200 hộ kinh doanh cá thể,” Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bát Xát Nguyễn Thanh Trình cho hay. Thế nhưng lại “vẫn chưa có doanh nghiệp đầu mối nào.”

Ghi nhận sự thay đổi tích cực trong nhận thức ấy của bà con dân tộc vùng cao, Trưởng ban Dân vận xã Bát Xát Vàng Seo Say phấn khởi cho biết: “Ví dụ như mua điện thoại, gia đình bà con dân tộc nào tương đối có điều kiện họ rất thích mua hàng Nokia của Việt Nam sản xuất vì nó khỏe và giữ được lâu hơn.

Hàng Trung Quốc tuy rẻ và đáp ứng được số đông nhưng hiện nay bà con cũng hướng tới hàng Việt. Ví dụ mua tivi thì thường mua cái của Việt Nam sản xuất. Họ rỉ tai nhau là mua hàng của Việt Nam tốt hơn.”

Để hàng Việt được tín nhiệm như vậy là do người dân đã phải kinh qua những trải nghiệm… đau thương khi dùng hàng của nước bạn láng giềng.

Chả là, “họ dùng hàng Trung Quốc một vài lần như nồi cơm điện, quạt, tivi..., mua về chạy rẹt rẹt một thời gian thấy nhanh hỏng quá thì cũng biết hàng Việt Nam có ưu điểm là bền, dù có đắt hơn khoảng 200.000-300.000 đồng mỗi chiếc. Hay như phân bón Trung Quốc thì cho bông chín to đều, đẹp nhưng tác hại làm cho đất ruộng bị cứng như có chất đá nên người dân quay về chọn phân Lâm Thao NPK…,” như anh Say nói.

Hiện nay, nhận thức này đã lan rộng ở tất cả các xã vùng cao biên giới rồi chứ không chỉ phổ biến ở những huyện trung tâm thành phố nữa.

Dần xa thời tự cung tự cấp

Từ bao đời nay, người dân tộc thiểu số có bản sắc sinh hoạt là tự cung tự cấp. Thế nhưng, nhiều năm gần đây, theo nếp sống mới cùng với đời sống dần được cải thiện nên nhận thức của bà con có nhiều thay đổi tích cực, cũng bắt đầu biết buôn bán nhộp nhịp hơn.

Như nhận xét của Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bát Xát Nguyễn Thanh Trình: “Như người phụ nữ Mông, Dao trước đây trồng lanh dệt thổ cẩm, may quần áo thì nay họ cũng xuống chợ mua vải đen về thêu. Với các mặt hàng thực phẩm, trước nuôi trồng được con gì, cây gì thì họ ăn chừng ấy hoặc trao đổi nhưng giờ họ cũng biết xuống chợ buôn bán đủ thứ. Tivi, điện thoại, quạt máy… cũng là những mặt hàng được bà con tiêu thụ trong thời gian gần đây.”

Quả đúng thế, lên tới chợ Mường Hum gần biên giới vẫn thấy các mặt hàng gia dụng thiết yếu xuất xứ trong nước như dầu ăn, bột giặt, nước mắm, mì chính, bánh kẹo… Cũng bởi như anh Say trần tình: “hàng Việt do được tuyên truyền tốt nên người dân bắt đầu dùng rất nhiều, chỉ có điều đừng có hàng nhái nhiều là người dân họ thích lắm!”

Những sản phẩm đan, thêu thủ công… đặc sắc, tinh tế và hấp dẫn người mua nhưng lại có hạn chế là giá thành cao. Đặc biệt là quần áo truyền thống dân tộc, có thể lên tới 4-7 triệu đồng/bộ. Chỉ tính riêng chiếc vạt sau bộ quần áo của người Dao mà chị Lở Mẩy (47 tuổi) bán ở chợ Bát Xát đã có giá 700.00 đồng. Vì không có công nghệ sản xuất đại trà, thành ra các mặt hàng ấy lại “kén” người mua.

Và để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Trình cho biết: “Cuối năm 2010 chúng tôi có tổ chức hội chợ ở Mường Hum với khoảng 40 gian hàng từ nông sản, may mặc đến điện tử…”

Song, ông Trình cũng nhận định một thực tế rằng: “Người dân tuy thích dùng hàng Việt nhưng với điều kiện đời sống còn nhiều khó khăn nên vẫn còn nhiều gia đình không có sự lựa chọn nào khác buộc phải mua hàng Trung Quốc rẻ tiền.”./.
 
ChiLê (Vietnam+)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Cù Lao Chàm - Điểm du lịch xanh không túi nilon
  • Quảng bá du lịch biển đảo Việt Nam đến du khách
  • Căn phòng Tổng thống ở các khách sạn Việt Nam
  • Tục kết hàng phe của người Nùng Chảo
  • Thơ mộng, huyền bí thác Dray Nur
  • Trên cái vốc tay
  • Lên những dòng thác Serepok
  • Du ngoạn trên sông giá 20.000 đồng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com