Cuộc “hôn phối” giữa nét kiến trúc xảo diệu của xứ kinh kỳ và âm hưởng phóng khoáng của cuộc sống vùng sông nước Nam bộ đã mang lại vẻ đẹp hiếm có cho ngôi nhà trên trăm tuổi, vẫn còn khá nguyên vẹn ở Long An.
Vào những năm đầu thế kỷ thứ 20, tại vùng Kênh Nước Mặn (làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn - nay là xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, Long An) có một vị Hương Sư rất chuộng nghệ thuật nhà cổ. Ông cho mời một nhóm 15 người thợ mộc từ Huế vào, nuôi ăn nuôi ở trong 5 năm (1898 – 1903) để hoàn thành một kiệt tác “ngôi nhà trăm cột” đậm đà nét Huế nhưng vẫn phảng phất hương vị của miệt cây trái vùng đất Nam Bộ thời khai hoang.
Vị Hương Sư đó chính là Ông Trần văn Hoa (1879 – 1952), chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà trăm cột, ngôi nhà đã được Bộ Văn hoá- Thông tin công nhận là di tích Lịch sử- Văn hoá vào năm 1997.
THỔI HỒN VÀO GỖ
Toàn bộ phần “xương” ngôi nhà được làm làm bằng ba loại gỗ quí hiếm, đó là cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật được khai thác từ rừng nguyên sinh các tỉnh miền Đông Nam Bộ, một số được chở về từhạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Qua bàn tay chế tác của những nghệ nhân, gỗ hoá thành Tứ Linh (Long, Lân, Qui, Phụng) mà điểm nhấn chính là đầu Rồng được chạm khắc tỉ mỉ nơi các các đầu kèo. Tám đầu đầu kèo chính là nơi tám đầu rồng nhô ra khỏi mái ngói, như thị uy sức mạnh của gia chủ.
Bước qua khỏi cửa chính, bạn sẽ được thưởng lãm nghệ thuật Tứ thời (Xuân, Hạ, Thu, Đông) với Mai, Lan, Cúc,Trúc được bàn tay khéo léo nghệ nhân xứ Huế “thổi” lên những thân kèo, thoảng trông như dòng thời gian cô đọng lại, tạo nên chút hoài niệm khi khách bất chợt ngước nhìn lên mái ngói rong rêu.
Ngôi nhà tạo cho khách tham quan cảm giác choáng ngợp với tâm trạng của vị khách mới bước vào một buổi đại tiệc miền sông nước khi đứng trước bộ bao lam hoành tráng phía trước bàn thờ Cửu huyền thất tổ. Đó là bộ bao lam Bát Quả gồm 8 loại trái cây miền sông nước Nam Bộ: Mãng cầu, Măng cụt, Khế, Lê ki ma, Điều, Lê, Lựu, Dưa gang được chạm trổ công phu với từng chi tiết diễn tả được cái hồn của từng loại sản phẩm của vùng đất phù sa.
Cái “hậu” của bố cục mang tính thẩm mỹlà phần chúc phúc Phước – Lộc – Thọ được biểu thị bằng Dơi – Nai – Chim Côngẩn hiện phía sau phần trình bày Bát Quả làm cho ta có cảm tưởng đang sống trong khung cảnh hoang sơ khi chim muông, cây cối cùng chung sống trong một không gian thanh bình, êm ả.
ĐỂ CHỮ CHO ĐỜI SAU
Chủ nhân ngôi nhà không chỉ để lại cho cho đời sau những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà còn mong muốn con cháu mình tiếp nối giữ gìn truyền thống đạo học.
Ở gian chính của ngôi nhà là bức hoành phi với bốn đại tự bằng chữHán: SƠN TRANG CỔ TẬN, với ý nghĩa mong muốn con cháu sẽ gìn giữ ngôi nhà này mãi mãi trường tồn theo thời gian. Hai bức hoành phi ở hai gian nhà phụ là dòng chữ THIỆN TỐI LẠC, như một lời khuyên đời sau phải lấy điều Thiện như là một cách hành xử để dẫn đến an lành cho cuộc sống.
Bức liễn đối phía phải bao lam: “Hướng sơn y thắng cuộc liễn phi điểu khảo tráng kỳ quang” (nhìn về hướng núi, dựa vào cảnh đẹp cùng cánh chim bay cũng tạo thành kỳ quang), kết hợp với bức liễn đối bên trái: Thiên địa náo trường xuân, mậu trúc mai thanh khai hảo cảnh (Trong sự vận động của trời đất vào mùa xuân, mầm trúc nhú lên, cây mai thanh mảnh tạo thành vẻ đẹp) dường như muốn khai thị cho người xem một nhãn quan thưởng thức cái đẹp trời đất.
BIỂU TƯỢNG CỦA SỰ TRƯỜNG TỒN
Nhiều người cho rằng chủ nhân ngôi nhà, ông Trần văn Hoa, là một người không chỉbiết thưởng thức nghệ thuật mà còn là người có tầm nhìn xa, trông rộng.
Ngôi nhà nằm sát cửa biển Soài Rạp, nhưng cả trăm năm sau, trong khi các công trình kiến trúc tại địa phương đều bị ngập nước hoặc hư hại thì ngôi nhà ông vẫnbình chân như vại trước những những cơn bão biển và triều cường. Đó là do ông đãdự báo được tình huống này nên cho xây nền nhà cao lên đến hơn mộtmét và cho liên kết các khung gỗ bằng liên kết ngàm âm dương, nên có thể chịu được những cơn gió mạnh từ biển.
Có điều lạ là qua hai thời kỳ chiến tranh, ngôi nhà chưa hề bị trúng một mảnh bom nào trong khi những trận địa ác liệt diễn ra cách đó chỉ vài cây số. Có thể đây là điều may mắn ngẫu nhiên. Nhưng cũng có giả thiết cho rằng ông đã chọn một vị trí thật lý tưởng để ngôi nhà được bảo vệtối đa, đó là vị trí nằm phía bờ biển, ngoại vi đồn Rạch Cát - một trận địa pháo 105 mm được xây từ thời thực dân Pháp (nay cũng là điểm tham quandu lịch). Tại vị trí bờ biển này, không thích hợp để xuất phát những cuộc tấn công đồn, cũng như không là điểm nghi vấn để xảy ra oanh tạc của không quân.
Nhưng trên hết, người ta cho rằng ngôi nhà này là một món quà độc đáo cho người dân Nam Bộ, nhất là dân vùng hạ Long An. Vào thời điểm mà việc đi lại hết sức khó khăn, sự hiện diện của nghệ thuật Huế tại vùng sông nước Nam Bộ chính là một quà tặng lớn lao cho những ai cả đời khao khát về nguồn nhưng chưa một lần đặt chân lên đất cố hương.
SỐ LIỆU THAM KHẢO:
-Diện tích nhà trăm cột: 888 m2, hướng chính diện Tây Bắc
-Diện tích toàn bộ vườn, nhà: 5.000 m2
-Tổng số cột: 120, trong đó có 68 cột tròn, 52 cột vuông
-Kiểu ngói: Âm dương. Kiểu gạch: Lục giác, chất liệu đất nung.
THÔNG TIN THÊM VỀ TUYẾN DU LỊCH:
-Từ TP.HCM, bạn theo tỉnh lộ 50, đi khoảng 35 km về Thị trấn Cần Đước (Long An). Tại đây sẽ có bảng hướng dẫn khách rẽ vào một hương lộ nhỏ, đi về kênh Nước Mặn (Cần Đước – kênh Nước Mặn: 7 km)
-Qua phà kênh Nước Mặn, đi chừng 3km nữa là đến Nhà Trăm Cột, cách cửa biển Soài Rạp khoảng 1 km.
-Có thể liên lạc với chủ nhân hiện nay của Nhà Trăm Cột, ông Trần Văn Ngộ (xã Long Hựu Đông, Cần Đước, Long An- ĐT: (072) 3 88 44 05) để được thông tin chi tiết về dịch vụ lữ hành.
(Theo vntravellive)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com