Phiên chợ vùng cao thật là trữ tình và quyến rũ. Quyến rũ nhất vẫn là những phiên chợ Tết ở Hà Giang.
Mỗi tuần chợ chỉ họp một lần, nên đồng bào ai cũng háo hức, xúng xính trong những bộ cánh đẹp nhất để tìm đến chợ, dù đường xa đến mấy.
Mê chợ nhất là đám thanh niên, vì chợ là nơi để họ được uống rượu ngô, ăn thắng cố, được thổi khèn gọi bạn tình. Chén rượu, tiếng khèn đều mềm môi cả.
Xuống chợ
Dân miền xuôi lên vùng cao thường chọn ngày thứ 7 và chủ nhật để được đi chợ vùng cao, để được ngắm nhìn thiếu nữ dân tộc, để được nghe tiếng khèn môi, tiếng kèn lá mê đắm lòng người.
Mua áo mới cho con.
Thế nhưng, mấy ai để tâm đến con đường đến chợ. Đường đến chợ của đồng bào là một câu chuyện rất riêng và rất trữ tình.
Chợ huyện Xín Mần, một huyện cực Tây của Hà Giang, cách thị xã Hà Giang 140 km, trong những ngày Tết rất đông vui, nhộn nhịp. Tôi cũng dậy sớm để lang thang trên những con đường vắt chùng chình như sợi chão từ trên đỉnh núi, từ khe các thung lũng đổ về huyện.
Màu này đẹp đấy!
Từ lúc mờ sương, tuyết rơi lảng bảng, bà con đã nô nức kéo nhau đổ về. Con đường đi chợ miền núi chẳng khác gì những con đường trẩy hội ở miền xuôi.
Các cô gái Lô Lô, Hà Nhì, Pà Thẻn xúng xính trong những bộ váy nhiều mầu đỏ và đen, rất tương phản, sinh động về màu sắc.
Chú chó này giá bao nhiêu?
Trang phục của các cô gái Dao đỏ rất giản dị, nhưng cô nào cũng trắng trẻo, đẹp thanh khiết.
Gần đến chợ, các cô gái Mông lủi vào bụi cây rậm ven đường thay áo đẹp. Chiếc gương cầm tay, vừa soi trang điểm vừa để phát hiện xem có chàng trai nào phía sau ngắm trộm không.
Phụ nữ các dân tộc thiểu số Hà Giang không bao giờ từ bỏ trang phục của mình. Dù còn nghèo đói, song chị em cũng không bao giờ mặc quần áo rách, đội khăn cũ đi chợ phiên.
Bà con vùng cao xuống chợ là đi chơi chợ, chứ không phải đi chợ đơn thuần để trao đổi hàng hóa.
Đến phiên chợ chính ở Xín Mần gặp rất nhiều tốp nam thanh, nữ tú từ các bản làng trên đỉnh núi mù sương xuống chợ, nhưng lạ ở chỗ, nam đi với nam, nữ đi với nữ.
Từ sườn những ngọn núi, từ những khe đá, những con đường mòn trong rừng sâu, bà con dân tộc đi bộ, cưỡi ngựa tụ hội về những con đường cái rồi đổ về chợ.
Có anh chàng cắp con lợn còi, đen trùi trũi ở nách, có ông dắt con chó, có anh xách con dũi đem bán.
Chị em thường gùi trên vai đủ thứ, nào thảo dược, mật ong, chè, tảng thịt, gạo, con gà ri, xâu cá suối bé tí ti bằng ngón tay.
Họ bán những thứ đó không phải để kiếm tiền mang về, mà để có tiền mời bạn bè vào quán lá, ăn bát thắng cố, uống bát rượu ngô, thật say mới về…
Ở chợ
Đồng bào vùng cao rất thật thà trong mua bán, không mặc cả, không nói thách.
Một chị người Mông ra giá cành đào 30 ngàn đồng. Rất nhiều người trả 25 ngàn đồng mà chị nhất định không bán. Vãn buổi chợ, không bán được, chị ta cho luôn người bạn mới quen.
Thay lời quảng cáo.
Một anh mang lợn đã mổ xuống chợ bán, khách mua phân vân lắm mỡ, anh đưa luôn dao cho khách, thích cắt miếng nào thì cắt, giá nạc và mỡ cũng như nhau.
Người kinh lên vùng cao buôn bán dễ phát tài nhờ lợi dụng tính thật thà của bà con. Họ tha hồ mua rẻ rồi bán đắt, mà bà con vẫn không phàn nàn.
Chính vì tính thật thà đó mà mỗi chợ đều phải có ban quản lý, kiểm định chặt chẽ chất lượng thực phẩm và sự công bằng trong mua bán. Ai bán đồ kém chất lượng hoặc cân thiếu, đo thiếu, hay bán đắt cho bà con đều bị phạt rất nặng.
Đi chợ huyện vùng cao vui nhất, thú nhất là được ăn thắng cố, uống rượu ngô. Thắng cố và rượu ngô là đặc sản mộc mạc mà đậm đà hương vị núi rừng.
Khu ẩm thực luôn đông nhất.
Nhiều cặp vợ chồng vất vả đi chợ huyện từ chiều hôm trước cũng chỉ mong được ngồi bên chảo thắng cố khói toét mắt, xì xoạp húp những bát thắng cố nóng hổi, nhấm nháp bát rượu ngô thơm nức, ngọt mềm.
Chợ đến gần trưa càng đông. Những anh chàng người Mông cầm khèn vừa đi vừa thổi toe toe. Tiếng khèn nói hộ nỗi lòng của chàng trai Mông. Khèn gọi bạn. Khèn tìm người yêu. Khèn hò hẹn. Không chàng trai Mông nào trên núi cao mà không biết thổi khèn: “Nỗi nhớ như mây bay lang thang sườn núi/ Anh xa em cách trở mấy ngày đường/ Chẳng phải đợi phiên chợ mới gặp mặt/ Mùa này hoa lê trắng rừng đẹp như tình đôi ta”.
Cán bộ dưới xuôi cũng mời đồng bào đi chợ cạn ly rượu tình.
Tiếng khèn mùa xuân dìu dặt trong các bản làng heo hút, say tình trong các phiên chợ vùng cao. Tiếng khèn là lời gan ruột của chàng trai đang khao khát có được mối tình chung thủy.
Các chàng trai vừa thổi khèn vừa nhảy lò cò. Các cô gái thì đứng nghe rồi lẩm nhẩm theo điệu nhạc. Cô nào mê tiếng khèn hay đọc được tâm sự của chàng thì mạnh dạn lấy chiếc đàn môi ở trong túi thổ cẩm xinh xinh ra thổi đáp lại lời tỏ tình của chàng.
Tan chợ
Chợ phiên thường họp từ 7 giờ sáng đến 3 – 4 giờ chiều.
Lúc tàn chợ, các cô gái, các chàng trai tách khỏi tốp bạn để đi theo người yêu mới tìm được.
Họ dắt nhau ra bờ suối hoặc chân núi vắng người qua lại để tự tình, để hẹn thề với nhau, rồi chia tay nhau bằng những lời nhớ thương da diết khi ông mặt trời đã lặn xuống phía sau ngọn núi, để rồi lại phấp phỏng đợi chờ đến phiên chợ sau.
Chợ tàn cũng là lúc biêng biêng cả rồi. Rượu ngô là thứ rượu được chắt từ tinh chất của trời đất, càng uống càng vào, càng vào càng say, say la đà, say ngả nghiêng đất trời.
Điều đặc biệt của người vùng cao là dù có say thế nào cũng không quậy phá, không gây gổ, say thì bám đuôi ngựa cho vợ dắt về.
Nếu say la đà thì ngồi trên lưng ngựa mà gật gù, say bí tỉ thì nằm vắt bụng lên lưng ngựa cho vợ dắt, say không biết gì nữa thì nằm thẳng cẳng ra ven đường. Đi vùng cao, ta thường xuyên bắt gặp cảnh chồng nằm ngủ vệ đường, còn vợ ngồi cạnh trông, lấy ô che nắng, che gió cho chồng.
Hoàng hôn phủ mờ sương. Đêm lạnh. Chồng thức dậy, lại cùng vợ ríu rít trò chuyện, đi về bản xa. Tấm tình của đàn bà vùng cao thật ấm áp.
(Theo VTC News)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com