Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những làng nghề "giữa phố"

Khi di chỉ khảo cổ Lò Gốm Hưng Lợi được phát hiện ở quận 8, người Sài Gòn bây giờ biết rằng từ xa xưa trên vùng đất này đã có làng nghề gốm. Ngày nay làng nghề gốm vùng Hưng Lợi không còn nữa. Nhưng không phải ở đô thị lớn nhất, nhì của đất nước này hiện không còn tồn tại những làng nghề truyền thống rất có ý nghĩa văn hóa, kinh tế.

 

 
Từ vùng đất Củ Chi với những làng nghề nổi tiếng: làng mành trúc Tân Thông Hội; làng chằm nón Tằm Lanh; làng rổ rá Mũi Lớn, Thái Mỹ; làng rế Phước Vĩnh An; làng bánh tráng Phú Hòa Đông, làng đan bồ An Nhơn Tây. Huyện Bình Chánh với làng đan đệm Tân Túc, làng dệt chiếu Nam Đa Phước, làng rượu An Phú Tây. Đến các quận ven như quận 8 với các làng nghề: làng dệt chiếu Bình An; làng bao giấy Bình Đông; làng đóng sửa ghe Cầu Rạch Ông. Quận Tân Bình có: làng dệt Bảy Hiền; làng thuộc da Phú Thọ; xóm thủy tinh Phú Thọ; xóm lồng đèn Phú Bình (một phần thuộc quận Tân Bình, một phần thuộc quận 11). Quận Gò Vấp có: làng đúc lư đồng An Hội, làng dệt chiếu Bến Hải. Quận 12 có làng chạm khắc gỗ Trung Mỹ Tây. Quận 4 có làng giày Khánh Hội. Quận 6 có: làng chổi bông cỏ, xóm chổi lông gà. Quận 9 có: làng gạch – gốm Long Bình. Quận Thủ Đức nổi tiếng với làng nem Thủ Đức. Và còn nhiều những làng nghề, xóm nghề khác nữa đang tồn tại ở TP Hồ Chí Minh.

 
 Bất chấp sự thừa nhận muộn màng chính thống đối với vai trò, vị trí của nó trong nền kinh tế hàng hóa, làng nghề thủ công truyền thống đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn, trăm ngàn cư dân, đặc biệt là thanh niên. Tại các làng nghề, thanh niên - đa số là nữ thanh niên – có được "tay nghề", dù tay nghề cao hay thấp thì những người lao động này cũng thoát khỏi cuộc đời chạy tìm việc lao động phổ thông. Để làm nghề thủ công truyền thống, người thợ không cần có nhiều vốn, chỉ cần một ít công cụ thủ công cùng đôi bàn tay khéo léo và đặc biệt là sự siêng năng cần mẫn. Với điều kiện như thế, khi sản phẩm nghề thủ công có chỗ đứng trong nền kinh tế hàng hóa, thì làng nghề thu hút được nhiều lao động. Làng nghề thủ công truyền thống là cơ sở xã hội bình ổn, lành mạnh.
 
 Làng nghề thủ công truyền thống ngoài việc tạo việc làm cho người tại chỗ, còn cung cấp việc làm cho một số người làm dịch vụ cung cấp nguyên liệu, dịch vụ hoàn chỉnh và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm… Xóm thủy tinh Phú Thọ giúp cho người buôn bán ve chai thêm thu nhập; làng dệt Tân Xuân, Bảy Hiền tạo thêm công ăn việc làm cho người thợ nhuộm; làng thuộc da Phú Thọ tạo việc làm cho người thợ sơn và đánh bóng da…. Như vậy, nếu được sự nâng đỡ của nhà nước bằng một loạt chính sách để các làng nghề "đứng" được trong cơ chế thị trường thì chắc chắn "làng nghề" sẽ góp phần rất tích cực với nhà nước trong vấn đề giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động quá phong phú của thành phố ta hiện nay.
 
 Làng nghề là nơi cộng đồng dân cư có lối sống văn hóa: sống yêu lao động; sống cần cù, giản dị, tiết kiệm; sống đùm bọc, giúp nhau cùng rèn luyện tay nghề. Làng nghề là nơi không có đất để văn hóa phẩm độc hại, các tệ nạn: ma túy, cờ bạc, rượu chè, đua xe… nẩy nở. Phải chăng chính vì lẽ đó mà nảy sinh nhận thức: làng nghề thủ công truyền thống chắc chắn sẽ đóng góp tích cực, thiết thực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
  

Giá trị văn hóa của nghề và làng nghề truyền thống thể hiện qua sản phẩm, cơ cấu của làng, lối sống, phong tục tập quán của cộng đồng. Những sản phẩm thủ công truyền thống hầu hết là những sản phẩm hàng hóa mang tính nghệ thuật, nó là sản phẩm văn hóa vật thể vừa chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể. Những sản phẩm thủ công thể hiện sự ứng xử của con người trước nguyên liệu, trước thiên nhiên. Từ nguyên liệu thô sơ, qua bàn tay tài hoa, tâm huyết của người thợ đã trở thành những sản phẩm xinh xắn, duyên dáng vì sản phẩm là nơi gửi gắm tâm hồn, tài năng, thể hiện khiếu thẩm mỹ lao động, sự thông minh sự sáng tạo, tinh thần lao động của người thợ – nghệ nhân. Những người thợ đúc đồng Gò Vấp tiếp thu kỹ thuật và kinh nghiệm bao đời của cha ông, tạo nên những chiếc lư đồng nổi tiếng. Người thợ chạm khắc gỗ mang tinh thần sáng tạo từ miền Trung vào Trung Mỹ Tây, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc được khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

 
 

Mỗi làng nghề thực sự là một địa chỉ văn hóa, phản ánh nét văn hóa độc đáo của từng địa phương, từng vùng. Làng nghề truyền thống từ lâu đã trở thành một bộ phận hữu cơ không thể thiếu của văn hóa dân gian. Những giá trị văn hóa chứa đựng trong các làng nghề truyền thống ở thành phố Hồ Chí Minh đã tạo nên những nét riêng độc đáo đa dạng nhưng cũng mang bản sắc chung của văn hóa dân tộc Việt Nam.

 

(Nguồn: VH-NT)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Món ăn ngày Tết - không chỉ để... ăn
  • Hoa sưa trắng muốt
  • Hoa mận trắng rừng Bắc Hà
  • Vải thiều đầu mùa
  • Đào núi Sapa khoe sắc thắm
  • Tưng bừng “Lễ hội trên mây" Sa Pa
  • Hoa gạo tháng Ba
  • Bếp lửa hồng và nồi bánh tét mừng xuân
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com