Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những nẻo đường... du lịch

Rất nhiều nẻo đường du lịch mở ra cho du khách khi đến một địa chỉ nào đó trong kế hoạch. Dù là du lịch theo kiểu “ta-balô” hay mua tour của các công ty du lịch, du khách đến Gia Lai đều “phải lòng” mảnh đất này.

Từ... du lịch bụi

Với người hàng chục năm sống ở Pleiku, thành phố này có vẻ quen thuộc đến mức “chẳng có gì khám phá”. Nhưng với dân ưa du lịch bụi, Gia Lai vẫn có sức hấp dẫn rất riêng, rất thú vị. Chẳng cần mua tour hay tour guide (hướng dẫn viên du lịch), họ tự mình tìm hiểu, rồi la cà, lang thang khắp các phố phường và ghi nhận những nét đáng yêu của những vùng đất họ đặt chân đến. Đa số họ là những người trẻ, dễ tính (không cần ngủ khách sạn sang, ăn nhà hàng) nhưng tinh tế: Đi tìm sự hoang sơ, mộc mạc, gần với thiên nhiên nhất.

 

Anh Bùi Đức Minh- một trong những người điều hành trang web Skydoor.net-mạng thông tin du lịch Việt Nam và thế giới khá “đình đám”. Nói thêm, ý tưởng sáng lập trang web này đã giúp anh và một nhóm cộng sự giành ngôi quán quân cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2008. Anh chia sẻ những cảm giác chân thành của mình trong chuyến du lịch bụi từ TP. Hồ Chí Minh đến Pleiku mới đây: “Tôi từng đến nhiều tỉnh Tây Nguyên, nhưng với Gia Lai thì là lần đầu tiên. Không thể so sánh với Đà Lạt, nhưng Pleiku có những nét rất riêng, có những không gian thư giãn tuyệt vời. Anh đang nhắc đến hồ Diên Hồng, Biển Hồ, Quảng trường 17-3 và những góc phố nhỏ yên tĩnh hay không khí êm êm, dịu dàng, ít bon chen, đặc biệt là... không kẹt xe của Phố núi. Anh không ngần ngại kết luận: Nếu bị stress thì hãy đến Gia Lai!


Sau mỗi chuyến đi như thế, những thông tin cơ bản và thiết yếu nhất về vùng đất vừa đến sẽ nhanh chóng được Minh post lên trang web của mình, như một cách chia sẻ kinh nghiệm với những ai thích phiêu lưu. Và đây là những thông tin về du lịch bụi Gia Lai trên mục Wiki du lịch của trang web Skydoor.net sau 2 ngày Minh lang thang tại Gia Lai: Đến Gia Lai (bằng đường không và đường bộ, kèm giá cả, thời gian); giá phòng tại một số khách sạn bình dân và trung bình: Thanh Lịch, Ia Ly, Tre Xanh; thắng cảnh: Biển Hồ, hồ Diên Hồng, thác Phú Cường, làng du lịch Plei Ốp...; Cà phê: Quán Thu Hà, Phiên Phương, cà phê Đen...; quán ăn (kèm giá cả và địa chỉ): Phở khô Ngọc Sơn, phở Tàu Lý, cháo cá lóc..., thậm chí món bún cua chợ nhỏ cũng được đưa vào “thực đơn”!  Ngoài ra, trang này cũng kết nối thêm nhiều thông tin khác qua các bài viết về Gia Lai như: Khám phá Gia Lai, Gia Lai phát triển du lịch gắn với bảo tàng và lễ hội, Một số nhạc cụ đặc trưng của các dân tộc Gia Lai...

Ngoài những địa chỉ du lịch kể trên, bạn Đoàn Thị Liên- một người có kinh nghiệm du lịch bụi ở Gia Lai còn mách nước: “Địa điểm trong thành phố mà bạn nên đến chính là Núi Đá. Bạn chỉ cần hỏi nghĩa trang thành phố ở đâu thì Núi Đá nằm đối diện ở đấy. Lên đến nơi bạn có thể thoải mái ngắm toàn cảnh TP. Pleiku. Núi Đá tuy còn khá hoang sơ nhưng dưới con mắt của tuổi teen thì đây là một địa điểm để đi picnic và chụp ảnh”. Tuy nhiên, bạn nữ này cũng kèm thêm vài lời dặn dò: “Cảnh đẹp thật nhưng nước rất sâu và nguy hiểm. Bạn cần cẩn thận để hoàn thành một chuyến du lịch bụi an toàn, với chi phí ít hơn nhiều so với một tour của các công ty du lịch”.

...Đến du lịch tour

Du lịch bụi quả thật rất thú vị, nhưng bị hạn chế về mặt thời gian thì mua tour là lựa chọn tối ưu. Chị Ngọc Huệ- một du khách đến từ Hà Nội hài lòng nhận xét: “Hướng dẫn viên rất am hiểu phong tục, tập quán của các dân tộc bản địa, nhờ đó đã giúp du khách hiểu nhiều về đời sống văn hóa tinh thần của cư dân trên vùng đất này”.

Đặc biệt, tới đây các tour du lịch tại Gia Lai hứa hẹn sẽ thu hút thêm rất nhiều du khách, bởi để chuẩn bị cho sự kiện Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ I-2009 diễn ra tại TP. Pleiku vào tháng 11 tới đây, ngành Du lịch Gia Lai đang tiến hành nâng cấp khá nhiều tour trong tỉnh. Đầu tiên có thể kể đến tour “Một thoáng Pleiku”. Tour này đưa vào khai thác từ vài năm trước, nay đã bổ sung thêm nhiều điểm dừng chân thú vị, khách du lịch thỏa sức chiêm ngưỡng “đôi mắt Pleiku” Biển Hồ, chùa Minh Thành-ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và bề thế nhất Tây Nguyên, chùa cổ Bửu Minh với tượng Thánh mẫu-pho tượng Chămpa đầu tiên được phát hiện trên cao nguyên Pleiku, nhà thờ Thăng Thiên với các vòm mái được cách điệu thẳng đứng theo kiểu nhà rông của dân tộc bản địa, tham quan Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai-Arsernal-JMG, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh với rất nhiều hiện vật quý tái hiện văn hóa, lịch sử của các dân tộc Gia Lai... Các tour tham quan Nhà máy Thủy điện Ia Ly, du ngoạn hồ Ayun Hạ, du lịch về nguồn, tour dã ngoại... cũng được quan tâm nâng cấp. Đặc biệt, có một tour “mới toanh” đang được cân nhắc đưa vào khai thác, dự kiến sẽ thu hút rất đông khách du lịch, đó là lên đỉnh Hàm Rồng ngắm cao nguyên Pleiku. Vào thời điểm cuối năm, khi hoa dã quỳ nở thành từng vạt vàng rực trên các sườn đồi, sườn núi, ven quốc lộ, tour này sẽ đem đến cho du khách cảm giác được đắm chìm trong không gian thiên nhiên tự do khoáng đạt và cùng lúc có thể ngắm toàn cảnh TP. Pleiku.

Ông Nguyễn Đức Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch cho biết: Gia Lai có 4 dự án du lịch được quy hoạch chi tiết gồm Khu Lâm viên Biển Hồ, Công viên văn hóa các dân tộc, thác Phú Cường và Khu Du lịch sinh thái hồ chứa nước thủy lợi Biển Hồ. Riêng thác Phú Cường dự kiến cuối năm 2009 sẽ hoàn thành; khu Lâm viên Biển Hồ đang được tỉnh đầu tư hạ tầng 4 tỉ đồng để làm đường vành đai, vừa tạo chỉ giới xung quanh hồ, vừa mở ra một tour du lịch quanh hồ bằng các phương tiện thô sơ, chẳng hạn bằng xe ngựa. 2 dự án này có thể sẽ được đưa vào khai thác ngay trong dịp tổ chức Festival. Ngoài ra, trong năm 2009, quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái rừng thông Hà Tam (Đak Pơ) cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, nói về việc tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, không trùng lắp với các tỉnh trong khu vực, ông Hoàng thừa nhận: “Đó vẫn đang là một bài toán khó. Tới đây, trong dịp Festival sẽ có một hội thảo về xây dựng sản phẩm du lịch gắn với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Hy vọng qua hội thảo này ngành Du lịch Gia Lai sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, góp phần làm phong phú hơn nữa các sản phẩm du lịch trong tỉnh”.

(Theo Phương Duyên // Báo Gia Lai)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Di tích lịch sử- văn hoá Tây Sơn Thượng Đạo
  • Nỗi niềm Lý Sơn
  • Vịnh Ninh Vân - Nha Trang
  • Nhà mồ- Tượng nhà mồ
  • Ra Phú Quốc... tắm suối
  • Cù lao Phố
  • Thủy điện Ialy
  • Khám phá Kiên Giang: Hòn Củ Tron
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com