Các món bánh kẹo truyền thống của Việt Nam được chế biến chủ yếu bằng phương pháp thủ công trong gia đình, tuy không có hình thức đẹp mắt, màu sắc rực rỡ và nổi bật như những loại bánh kẹo thực hiện trong công nghiệp; nhưng có hương vị đậm đà đặc biệt của nguyên liệu thiên nhiên từ trái cây, lá, hạt…
Nói về thức ăn, đồ uống của người Việt Nam, ta có thể chia làm hai nhóm chính là nhóm cơm canh và nhóm quà bánh, cũng có thể chia thành nhóm món mặn và nhóm các món bánh, mứt, xôi, chè. Nhóm các món mặn gồm có cơm tẻ và các thức ăn kèm, còn gọi là thức ăn hay đồ ăn. Thức ăn bao gồm những món ăn mặn và những món ăn chay. Số món ăn riêng biệt của từng nhóm có thể kể tới hàng nghìn. Nhóm còn lại bên cạnh nhóm món mặn là nhóm bánh, mứt, xôi, chè; còn gọi là các món ngọt. Tuy gọi là món ngọt, nhưng không phải món nào trong nhóm này cũng có vị ngọt.
Nhóm bánh, mứt, xôi, chè bao gồm nhiều kiểu loại món ăn khác nhau trong đó có đủ các dạng loại thực phẩm với nhiều hình thức, hương vị đa dạng và phong phú. Số món riêng biệt của chúng cũng có thể kể tới hàng nghìn, nhưng cũng đều để ăn thêm, ăn cho vui ngoài các bữa cơm chính trong ngày. Trong số những món đó, các món được chế biến thành dạng bánh chiếm số lượng nhiều hơn cả.
Các loại bánh cổ truyền
Bánh là một dạng món ăn, một thứ quà; dùng nguyên liệu chính là các loại hạt hoặc bột lương thực như nếp, gạo, khoai, sắn, ngô, kê... Trong bánh, người ta thường cho thêm những thực phẩm khác như mỡ, thịt, đậu, đường và các gia vị để có thêm chất dinh dưỡng và các hương vị đặc biệt. Sau đó, bánh lại được tạo thành nhiều hình dạng, kích thước; hoặc gói lá, hoặc để trần; được làm chín bằng nhiều phương pháp như: luộc, hấp, rán, nướng nhằm tạo nên nhiều trạng thái khác nhau như đặc, xốp, dẻo, giòn... Bánh cũng như các dạng quà khác như mứt, xôi, chè,... vốn xưa là những món ăn đặc biệt được chế biến ra để dùng làm lễ vật trong các dịp lễ, tết, hội hè... Đó là một trong sáu loại lễ vật dùng trong nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân ta gồm: hương, hoa, trà, quả, đăng, thực, nghĩa là nhang trầm, hoa tươi, trái cây, đèn nến và các món ăn trong đó có nhiều loại bánh tùy vào thổ nhưỡng từng vùng. Xưa kia, xã hội nước ta với một nền kinh tế tiểu nông, khép kín trong các làng xã. Khi mỗi gia tộc, gia đình cần đến các lễ vật thì những người trong gia tộc hoặc trong gia đình ấy cũng phải tự làm. Người ta ít khi làm sẵn với mục đích kinh doanh. Khi kinh tế phát triển, dần dần có sự phân công xã hội, lúc đó mới xuất hiện những người chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp làm các loại bánh để phục vụ mọi người. Những món bánh sau khi làm ra được dùng để biếu, tặng... đã trở thành quà: quà biếu, quà tặng, quà cho, quà bán... Các món bánh dần dần vẫn được gọi là quà, dù chỉ làm ra để ăn trong gia đình chứ không biếu, tặng... Từ “quà bánh” đã được gọi liền để chỉ chung tất cả những món ăn cho vui.
Xã hội càng phát triển, nhu cầu về ăn uống càng đa dạng hơn; do đó các loại quà bánh cũng phát triển phong phú hơn về chủng loại, kiểu cách; hoàn thiện hơn về chất lượng và trở thành một loại hàng hóa tiêu biểu. Theo chiều dài lịch sử dân tộc; quà bánh đã trở nên gần gũi, quen thuộc đối với đời sống hàng ngày của nhân dân ta. Nguồn gốc và những ý nghĩa ban đầu khi chế biến ra các loại bánh cũng như những nếp quen khi sử dụng đã trở thành những nét độc đáo trong nền văn hóa ẩm thực dân gian Việt Nam nhiều hương sắc.
Bánh, mứt, kẹo nói chung trên thị trường hiện nay khá phong phú về chủng loại, hình dạng với nhiều hình dạng rất đẹp mắt tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt. Các loại bánh, kẹo chế biến công nghiệp có một số ưu điểm nhất định như dễ bảo quản, tiện dụng. Tuy vậy các loại bánh, kẹo này thường được chế biến với các nhưng không mang hương vị đậm đà như những món bánh, mứt kẹo cổ truyền của Việt Nam.
Các món bánh kẹo truyền thống của Việt Nam được chế biến chủ yếu bằng phương pháp thủ công trong gia đình, tuy không có hình thức đẹp mắt, màu sắc rực rỡ và nổi bật như những loại bánh kẹo thực hiện trong công nghiệp; nhưng có hương vị đậm đà đặc biệt của nguyên liệu thiên nhiên từ trái cây, lá, hạt trong đó. Các loại bánh sử dụng phương pháp nấu hay luộc thì nguyên liệu vỏ bánh thường là gạo nếp nguyên hạt, được gói kín, buộc chặt. Còn các loại bánh sử dụng phương pháp hấp thì nguyên liệu vỏ bánh chủ yếu là bột gạo, bột năng hay bột nếp, tạo nên mùi thơm đặc trưng của lá gói, của gạo nếp… Nguyên liệu để chế biến các loại bánh dân tộc cổ truyền nói chung và các loại bánh gói lá nói riêng rất dễ kiếm, rẻ tiền. Cách chế biến cũng như cách gói bánh không khó, tuy nhiên nếu ban đầu chưa quen tay thì thao tác còn chậm, nhưng làm nhiều sẽ gói nhanh và đẹp hơn.
Trong cuộc sống hiện đại, việc tự chế biến các món bánh mứt xôi chè vào những dịp thích hợp có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo thêm sinh hoạt vui vẻ trong gia đình qua việc duy trì nét văn hóa truyền thống này.
(Nguồn: monngonvietnam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com