Trải qua nhiều thất bại, anh Mai Đức Thịnh, ở Mộc Châu (Sơn La) đã nghiên cứu, chế xuất thành công sản phẩm rượu nậm Mộc Châu. Đầu năm 2007, chai Rượu Mận Mộc Châu đã vinh dự được "ngự" trên tháp Eiffel giữa thủ đô Paris tráng lệ của Pháp, mở ra hy vọng vào một ngày mai tươi sáng cho cây mận.
Thăng trầm cây mận
Những năm đầu thập kỷ 90 trở về trước, cây mận hậu trên đất Mộc Châu đã có một thời hoàng kim, diện tích lên tới hàng ngàn ha với cả ngàn hộ dân trồng mận hậu, sản lượng mận mỗi vụ lên tới 40.000 - 45.000 tấn.
Khi đó, cây mận hậu là "cây mũi nhọn" trong phong trào "san hộ, dãn bản - phát triển kinh tế trang trại" của Sơn La. Nông dân trồng mận với niềm hân hoan đã tìm được một sản phẩm hàng hoá hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, quỹ đất và nhân lực dồi dào. Mận lại đòi hỏi vốn đầu tư thấp, có thể nhân rộng nhanh…
Từ Mộc Châu, mận hậu loang ra khắp tỉnh và là nguồn thu khá lớn, ổn định của nông dân, nhiều điển hình nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi từ cây mận. Nhưng, đến cuối thập kỷ 90 mận hậu rơi vào khủng hoảng: Sản lượng lớn, thị trường tiêu thụ chưa nhiều, lưu thông yếu, mận chua loét, bán chẳng ai muốn mua, giá chỉ 500đ/kg quả, không đủ tiền thuê người thu hái mận. Nông dân kêu trời, không ít người đã phá vườn mận hoặc dùng cây mận làm giàn leo cho các loại dây khác như mướp, bầu, bí, su su.
Đầu năm 2000, tỉnh Sơn La đã tổ chức đi tìm công nghệ chế biến quả mận sau thu hoạch để cứu vớt sự khủng hoảng của người trồng mận nhưng bế tắc. Cây mận bị thả nổi.
Từ thất bại liên tiếp...
Cứ đến mùa mận chín, anh Thịnh cùng gia đình lại lao đao chuyện bán mận. Nhìn bà con phải vun mận thành đống đem đổ đi cho đỡ chua đất vườn trong khi nguồn thu nhập rất hạn hẹp, lòng anh chua xót: "Nhà nhiều đổ cả chục tấn, ít cũng vài ba tấn nhưng không ai biết làm thế nào, ăn thay cơm chẳng được, cho chẳng ai lấy".
Quyết định tìm lối ra cho mận, anh thuê xe ôtô đem mận đi bán tại các thị trường ngoại tỉnh nhưng đến đâu cũng bị các tư thương sở tại ép giá, có lúc phải đổ cả xe ôtô mận vì không thể để lâu. Anh tìm đến các Viện nghiên cứu cây trồng, trường Đại học Nông nghiệp, các cơ sở chế biến hoa quả, nhân giống cây trồng trong nước để tìm cách phục tráng cây mận hậu, thay đổi thời gian ra trái, kéo dài tuổi chín, chế biến quả sau thu hoạch. Rồi tiếp tục đưa quả mận tươi về Bắc Giang, Hà Nội... tiêu thụ. Nhưng những chuyến hàng này vẫn chẳng mở ra được điều gì.
Sau khi áp dụng phương pháp bảo quản mận bằng ozôn của một vị giáo sư có tiếng ở Hà Nội không thành, anh Thịnh lại tìm đến một Tổng công ty chuyên chế biến rượu và nước giải khát ở Hà Nội để liên kết chế biến rượu vang. Nhưng tỷ lệ 3 cân đường và 1 mận để chế thành rượu vang trong khi một cân mận có 500 đồng thì đường kính khi ấy tới giá 7.500 đồng (gấp 15 lần giá mận) thì khác nào đi tiêu thụ đường trong khi quả mận thì vẫn tắc. Đã vậy, rượu vang làm ra uống cũng không ngon, để vài tháng là có váng.
Anh Thịnh lại tìm đến một viện nghiên cứu sau thu hoạch có dây truyền sản xuất mứt mận đóng hộp nhưng liên kết không thành vì họ chỉ muốn anh trở thành khách tiêu thụ dây chuyền công nghệ chứ không muốn gắn trách nhiệm dài lâu.
... đến thành công
Anh Thịnh kể: "Cứ nhìn những chiếc bể đầu tư để ngâm mận bằng ôzôn nằm chỏng chơ trong khi mận ngoài vườn của dân vẫn phải xe đi đổ bỏ ra bãi rác là tôi lại thấy không thể chịu nổi. Mùi mận thối, rác mận đi cả vào giấc ngủ" . Không từ bỏ quyết tâm "cứu mận" anh Thịnh quyết định thành lập hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19-5, chuyên sản xuất và tiêu thụ rau, quả, củ.
Sau một quá trình vận động anh đã có 6 xã viên tâm huyết với các dân tộc Thái, Dao, Kinh, H'Mông - họ là mũi nhọn tuyên truyền cho hợp tác xã với bà con dân bản. Xã viên tham gia ngày một nhiều, sản phẩm làm ra đã tạo cho hợp tác xã những thu nhập bước đầu, vậy là ý tưởng chế biến quả mận lại trỗi lên cùng một loé sáng: lên men nấu rượu!
Anh cho biết: "Lúc đầu tôi ủ men trong chậu, nồi xoong và bất cứ thứ gì ủ được. Năm 2004 mới thành công việc lên men rượu từ chính quả mận. Nhấm thử thấy vừa thơm, vừa êm, vậy là tôi gửi mẫu lên Sở y tế Sơn La kiểm nghiệm tiêu chuẩn. Thật bất ngờ khi nghe kết quả: Rượu đạt tiêu chuẩn và rất thơm so với nhiều loại rượu khác". Nhưng thời điểm đó, anh Thịnh cũng chỉ sản xuất thủ công với sản lượng nhỏ giọt theo kiểu cầm chừng.
Một dịp may lớn đến với anh khi có một chuyên viên của tổ chức Azôna (Pháp) đến công tác tại Công ty Sữa Mộc Châu, thấy Thịnh loay hoay ủ men, chưng cất rượu thủ công, ông ta cho biết ở Pháp có công nghệ chưng cất, chế biến hoa quả hiện đại và nhận lời giúp anh Thịnh dây chuyển sản xuất đó.
Trong thời gian ngắn, một dây chuyền chế biến rượu mận đã được chuyển từ Pháp về cảng Hải Phòng với khoản phí thấp nhất (chưa đầy 100 triệu đồng) vì "bên kia" đã gánh đỡ các khoản chi phí: vận chuyển, thuế. Đồng thời họ còn cử chuyên gia sang hướng dẫn lắp ráp, sử dụng.
Tháng 9/2006, xưởng sản xuất rượu mận Mộc Châu được khánh thành và những mẻ rượu đầu tiên ra đời được đón nhận. Từ đó, rượu mận Mộc Châu sản xuất tới đâu, bán hết tới đó. Anh Thịnh mang rượu đi tham gia các đợt triển lãm và nhận về những giải thưởng vinh dự: Huy chương vàng và danh hiệu thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khoẻ cộng đồng.
Đầu năm 2007, ông chuyên gia người Pháp trở lại Mộc Châu mang theo lời mời đón Thịnh sang Pháp dự Hội nghị các nhà sản xuất rượu vang nổi tiếng của Pháp. Tại hội nghị đó, Hội đồng sản xuất rượu Midi đã quyết định cho phép Thịnh sử dụng lôgô của vùng Midi trên sản phẩm rượu mận Mộc Châu. "
Đó quả là thành công ngoài tưởng tượng của tôi và các xã viên hợp tác xã. Tôi lên tháp Eiffel trong niềm hưng phấn ấy và tại tầng 2 của tháp, một cửa hiệu đã đón nhận chai rượu mận Mộc Châu của tôi, đặt lên vị trí trang trọng - nơi cao nhất trong quầy hàng với lời cảm ơn chân tình như mình vừa mang tới cho họ một niềm vui lớn".
Thành công của Thịnh đã mở ra một hướng phát triển mới cho cây mận Mộc Châu nói riêng và mận Sơn La nói chung. Cả ngàn hộ nông dân trồng mận phấn khởi. Năm 2008 Thịnh đã nâng cấp nhà máy lên công suất 3.000 tấn/năm. Xã viên hợp tác xã đã tăng lên tới 52 người và khoảng 300 hộ sản xuất. Lương xã viên đã đạt tới 2 triệu đồng/tháng.
Năm nay, anh Thịnh lại đầu tư mua thêm máy mới với quyết tâm ở rộng nhà máy, nâng công suất lên gấp đôi, hoặc gấp 3 lần so với hiện nay. Anh vừa thử nghiệm thành công 2 sản phẩm mới là rượu ngô Mộc Châu và chuối sấy khô theo công nghệ mới. Những sản phẩm này được khách hàng ủng hộ cao vì chất lượng hơn hẳn so với những dây chuyền sản xuất thủ công trước đó./.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com