Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rừng U Minh Hạ ở đất mũi Cà Mau

Một góc Vườn quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau. Ảnh: Mai Lý

Vườn quốc gia U Minh Hạ nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An (huyện U Minh) và Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời) tỉnh Cà Mau. Vào rừng, du khách sẽ đi giữa ngút ngàn lau sậy bung cờ trắng xóa, cùng với rừng tràm bạt ngàn lan tỏa hương thơm nhẹ nhàng trong gió. Thỉnh thoảng, lại gặp những bụi sim mua hoa tím lãng mạn điểm xuyết giữa màu xanh thăm thẳm của khu rừng tràm ngập mặn.

Vườn quốc gia U Minh Hạ được thành lập trên cơ sở sáp nhập Khu bảo tồn thiên nhiên rừng đặc dụng Vồ Dơi và một phần diện tích rừng tràm U Minh Hạ, có tổng diện tích 8.286 héc ta, chia làm ba khu vực, gồm khu dịch vụ hành chính, khu phục hồi sinh thái và khu bảo tồn. Đây là khu vực có hệ sinh thái mang nét độc đáo của vùng đất ngập nước trên lớp than bùn. Thực vật ở đây đặc trưng nhất là cây tràm và các loại dây leo. Hệ động vật tương đối phong phú, ngoài các loại cá đồng, chim chóc, Vườn quốc gia U Minh Hạ còn là nơi trú ngụ của trăn, rắn, khỉ, nai, cheo, heo rừng...

TPHCM - TP. Cà Mau: 360km.

TP. Cà Mau - U Minh Hạ: 40km.

Chung quanh Vườn quốc gia U Minh Hạ còn có hơn 25.000 héc ta vùng đệm được giao khoán cho nông dân canh tác, làm vành đai sinh thái bảo vệ rừng. Vườn còn có nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động thực vật quý, hiếm, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và phát triển du lịch.

Ở U Minh Hạ, bạn có thể thuê thuyền bơi vào sâu trong rừng để câu cá. Mùa hè và những ngày cuối tuần có khá nhiều khách ở TPHCM và các tỉnh khác về thưởng thức thú ẩm thực rừng và câu cá thư giãn. Mỗi vé 100.000đ, nếu may du khách có thể câu dính nhiều chú cá lóc hoặc cá bông trên dưới một ký, hoặc có khi nặng đến hai, ba ký là chuyện không hiếm. Ở U Minh Hạ, cá tự nhiên còn khá nhiều do rừng được bảo tồn nghiêm ngặt.

Bạn sẽ có cảm giác thú vị khi ngồi dưới tán rừng tràm lai rai cá lóc nướng trui hay rắn bông súng chấm muối hột đâm với ớt hiểm xanh! Rau rừng ở đây rất phong phú, du khách có thể tìm hái đọt choại, lá sen non, bông súng ma, rau mác, bông lục bình, đọt cóc kèn... hầu như có khắp nơi.

Đêm xuống, ngồi quanh bếp lửa hồng trong rừng tràm hay ngả lưng trên chiếc ghế mây của khu nhà sàn, du khách sẽ nghe những người dân địa phương, những “lão lâm” một thời ngang dọc trên những cánh rừng bạt ngàn tràm hoang, lau sậy kể chuyện đường rừng.

Cây tràm sống trong môi trường ngập mặn rừng U Minh Hạ. Ảnh: Mai Lý

Truyền thuyết Ông hổ mây

Đài quan sát dành cho du khách ngắm bao quát cảnh rừng tràm. Ảnh: Mai Lý

Chuyện xưa kể rằng, U Minh Hạ nằm ở bờ nam sông Trèm Trẹm trải dài ra tận mép biển tây liền với vịnh Thái Lan. Xưa kia, rừng U Minh Hạ đã từng có mãng xà khổng lồ, dân gian kinh sợ gọi là Ông hổ mây. Mãng xà đi đè rạp lau sậy thành lằn dài như vết ghe xuồng đẩy trên lúa, “xơi tái” những con nai, mễnh, heo rừng, khỉ vượn và từng đánh nhau với cọp.

Nhưng người ta bảo rằng, Ông hổ mây chưa bao giờ ăn thịt người. Con rắn khổng lồ này, theo mô tả của những người đã từng "đụng mặt" (?) kể lại: nó có mình dài hơn hai chục mét, da, vảy mốc thếch, vàng nhạt và có hình như trái mây già, trên lưng rắn có hai sọc đen cạnh hông như hai dây cương, mắt to xếch màu đỏ hồng, trên đầu có mồng như mồng gà trống Tàu. Mãng xà di chuyển bằng cách quăng, lướt mình trên đọt cây tạo ra tiếng gió rít, lá rụng rào rào. Muông thú hoảng kinh chạy, bay tứ tán khi đánh hơi thấy mùi rắn hổ mây. Đôi khi mãng xà túng mồi, cũng phải tát cá ăn bằng cách quấn đầu và đuôi vào hai thân cây như giăng võng rồi ép dẹp mình ra tát đìa bắt cá.

Giữa rừng khuya hoang vắng lạnh lẽo, bên ánh lửa bập bùng nghe tiếng gió thổi vi vu qua đồng bưng, đầm lầy cùng với thi thoảng tiếng chim kêu, vượn hú, du khách như sống lại thời quá khứ, thuở tiền nhân ta khai khẩn đất phương nam được truyền khẩu và ghi lại trong sách vở.

Đặc sản phương nam

Ở đồng bằng sông Cửu Long, trên những cánh đồng người ta bắt được rất nhiều rắn trun, rắn bông súng, rắn hổ hành... Đây là những loại rắn lành, thường sống ở rừng, đầm, lung, ao, hồ, ruộng ngập nước ở đồng bằng. Rắn trun dài khoảng 40cm đến 60cm, con nhỏ mình tròn bằng ngón tay út, con lớn có thể to cỡ ngón chân cái người lớn, lưng đen bóng, đầu nhỏ dẹt.

Rắn trun để nguyên con, đập đầu cho chết, khoanh tròn hình chữ S kẹp gắp tre nướng, hoặc nướng vỉ trên lửa than hồng. Trở cho đều, độ chừng non 10 phút, thấy da rắn phù lên rồi nứt bung, răn ra một đường, ấy là rắn đã chín tới. Mở kẹp, vỉ ra, để rắn trên lá chuối xanh cho thịt rắn hút hơi nước dịu lại. Cầm rắn bẻ thành khúc, chấm muối ớt ăn kèm với rau răm, diếp cá, húng nhủi rất hấp dẫn.

Về những địa phương có đồng, rừng rộng và còn hoang dã như U Minh, Đồng Tháp Mười, vùng tứ giác Long Xuyên... du khách sẽ có dịp thưởng thức nhiều loại bò sát rất đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài rắn trun nướng lèo, khách còn có thể “đưa cay” với rắn bông súng nướng mọi, rắn trun bằm xào lá cách, lươn hấp đọt bầu, lá nhàu, rau ngổ, lá cách, rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh, hầm sả, cua đinh nướng mật ong, canh chua ba ba nấu con mẻ, bắp chuối xiêm...

Rắn trun và cá lóc nướng, món ngon dân dã miệt vườn phương nam. Ảnh: Mai Lý

Rắn trun theo y học cổ truyền có tính mát, bổ thận, trị đau lưng nhức mỏi… Rắn trun, rắn bông súng, hổ hành, ba ba không nằm trong danh sách các động vật hoang dã bị cấm nên du khách có thể tìm thưởng thức thoải mái ở những nhà hàng đặc sản hoặc các quán ẩm thực bình dân có mặt khắp vùng đồng bằng.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Dã ngoại trên đảo năm sao
  • Đến với Mũi Cà Mau để biết "sống trong sợ hãi"
  • Lênh đênh những phận người sông nước miền Tây
  • Thăm "Hoa quả sơn" trên Bái Tử Long
  • Khám phá thác Đá Dăm
  • Du khách say lòng với những "homestay" miệt vườn
  • Theo ông Năm Yersin lên Suối Dầu
  • Chỉ còn là đám mây trôi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com