Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rượu cần Tây Nguyên ra phố

Thưởng thức rượu cần ở Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai - tinkinhte.com
Thưởng thức rượu cần ở Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai
Nói đến Tây Nguyên là nói đến loại thức uống được cất từ men của rừng, đó là rượu cần. Nay, rượu cần đã tràn ra phố, vào siêu thị.
 
Văn hoá rượu cần

Với các tộc người bản địa gốc Tây Nguyên, đời sống của họ luôn gắn liền với những điệu nhạc vút lên từ cây khèn K’muốt, những cung nhạc tuôn trào như con suối từ cây đàn T’rưng, những ngôi nhà rông, nhà dài với tiếng đồng vọng của chiêng năm, chiêng sáu, hình ảnh cây nêu vút cao lên tận đỉnh núi và đặc biệt không thể thiếu rượu cần.

Đây là thứ thức uống được làm từ ngũ cốc và men rừng, từ lâu đã trở thành “máu” của người Tây Nguyên. Từ việc cúng Yàng, mừng lúa mới, lễ Tết, hội hè, đến chuyện nhà, chuyện dòng tộc, chuyện buồn, vui..., họ đều cùng nhau “vít” cần để chia sẻ.

Chưa có tài liệu chính thức nào nói về sự ra đời của loại thức uống này, nhưng theo một số già làng ở Di Linh (Lâm Đồng), xuất phát từ việc cúng bái thần linh, lúc đầu bà con dùng “men rừng” chế biến từ lá và rễ của cây rừng trộn với cơm hèm ủ vào quả bầu khô để dâng thần linh... Sau lễ cúng, người ta đập quả bầu chia nhau mút. Thấy vậy, cụ nhím (con vật thiêng đối với đồng bào) mới bày cho dân bản cách ủ rượu và dùng cần để uống. Vì vậy, ngày nay, một số tộc người bản địa ở Lâm Đồng vẫn thường buộc một sợi lông nhím vào cần rượu để nhớ đến ơn cụ nhím.

“Việc tạo ra một chóe rượu ngon chính hiệu Tây Nguyên phụ thuộc rất nhiều yếu tố, như chóe làm rượu phải là chóe gỗ, men rượu phải là loại men rừng lấy ở tận rừng sâu, nơi có in dấu chân của con hươu, con nai…”, anh Păng Til Mút, ngụ tại Măngline, TP. Đà Lạt nói và cho biết, để ra lò được một chóe rượu cần ngất ngây men rừng, phải mất ít nhất là 6 tháng.

Theo ThS. Đặng Trọng Hộ, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa các tộc người bản địa gốc Tây Nguyên, nét văn hóa rượu cần không chỉ hình thành trong cách làm rượu, mà cả ở nghi thức mời rượu cũng như cách thưởng thức rượu. Mỗi tộc người Tây Nguyên có một cách mời rượu khác nhau. Riêng người Ê Đê có nghi thức mời rượu theo kiểu thác nước đổ.

Theo đó, rượu quý chỉ có một chóe, cột vào một lễ và bảy nàng sơn nữ trong lễ phục truyền thống, người đứng, người quỳ, tay bưng bầu nước, kề miệng bầu với nhau nghiêng cho nước chảy như một dòng thác tuôn trào vào miệng chóe. Khách được mời, tay cầm cần rượu, quỳ xuống, vít một hơi cho đến khi nào không còn hơi nữa mới thôi. Chỉ có khách quý mới được mời theo nghi thức này và khi được mời thì phải uống “cạn đến đáy lòng” mới là chân tình.

“Theo truyền thống, uống rượu tình cảm thì mọi người sẽ uống xoay vòng; uống thân thiện, tri kỷ thì mọi người cùng uống; còn uống hoà giải phải kèm theo con gà hoặc vòng cườm để làm chứng, người chịu lỗi uống trước, gà sẽ được làm thịt và lấy giò để cho già làng xem người có lỗi thành thật hay không. Riêng trong lễ đâm trâu, sẽ cuộc thi uống rượu cần giữa đại diện của mỗi làng”, ThS. Hộ cho biết.

Nhạt phai đường ra phố...

Giờ đây, rượu cần không chỉ có trong các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số, mà đã và đang tìm đường ra phố, vào cả siêu thị. Vì thế, ngày nay, không cần phải cất công đến Tây Nguyên, mà ngồi ở bất cứ đâu, mọi người cũng có thể được vít rượu cần.

Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, một số người không ngần ngại đầu tư để sản xuất cũng như mở đại lý kinh doanh, phân phối rượu cần. Ngay tại TP. Đà Lạt và TP. Buôn Ma Thuột, chỉ cần dạo quanh một vòng phố núi, sẽ thấy rất nhiều thương hiệu rượu cần nổi danh như Rượu cần Tây Nguyên E Đen, K’Long, Hòa Bình, Cao Nguyên, Y Nguyên, Y Pao, Hoàng Nguyên, Y Miên...

Chị Đường Dẫu Hà, ngụ tại Tà Nung, TP. Đà Lạt khẳng định: “Tất cả các loại ngũ cốc đều có thể làm được rượu cần, nhưng quan trọng nhất vẫn là tạo ra mùi hương đặc trưng của rượu. Nhiều người sử dụng đến gần 30 vị thuốc sa nhân, đinh hương, quế, thảo khấu… tạo nên hương vị cay, đắng, ngọt, thơm cho rượu cần, nhưng đó vẫn chưa phải là rượu cần xịn, mà mới chỉ là rượu cần thương phẩm”.

Những loại rượu đó chỉ mang danh “rượu cần”, còn “hồn” của nó thì vẫn ở chốn đại ngàn hoang dã. Bởi vì, men dùng để làm loại rượu này chỉ là loại men không có “dấu chân” của con hươu, con nai rừng. Đã vậy, giờ đây, thay vì đổ “nước suối ban mai” vào chóe rượu, người ta lại dùng nước khoáng, nước dừa, sang hơn thì bia, rượu ngoại vào để uống.

Không thể và cũng không nên ngăn cản con đường thương mại hoá của rượu cần, nhưng rừng và những người đã từng uống rượu cần bên bếp lửa, giữa tiếng cồng chiêng vang vọng trong một không gian văn hoá của núi rừng, cùng những sơn nữ trinh nguyên với bờ vai nuột nà dưới ánh trăng của rừng, những chàng Lang tay trong tay bên “vòng xoang thân ái”, thì khó chấp nhận cái cách uống rượu cần giữa phố thị.

(Theo Đại Phong // Báo đầu tư)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Huyền thoại Bắc Đèo Ngang
  • Việt Nam trong mắt các nhiếp ảnh gia nước ngoài
  • Lào Cai khoe sắc
  • Xem đâm trâu ở làng Mơ Hra
  • Lễ hội Lồng Tông ở Thượng Lâm: Âm hưởng miền cổ tích
  • Đặc sắc ngày hội văn hóa Mộc Châu
  • Lễ hội thả diều lớn nhất Việt Nam
  • Mùa xuân, về Đồng Kỵ xem "tung ông đám"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com