Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sức hút từ triển lãm sinh vật cảnh “độc nhất vô nhị”

(Ảnh minh họa: Viết Ý/TTXVN)
Trầm trồ, thán phục là cảm nhận chung của nhiều người khi đến tham quan triển lãm sinh vật cảnh có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Mở cửa đã hơn một tuần nay nhưng triển lãm không lúc nào ngớt khách. Không chỉ có người Hà Nội mà khách thập phương cũng không quản đường sá xa xôi đến Thủ đô để tham quan triển lãm cây cảnh “độc nhất vô nhị" này.

Cây “độc” giá ngất ngưởng

Nói về cảm xúc khi đến tham quan triển lãm, bác Phạm Tiến Hùng, 62 tuổi, cán bộ trường Đại học Hà Nội đã nghỉ hưu cho biết: "Với mỗi cây tôi có thể ngắm cả tiếng đồng hồ không chán. Những nghệ nhân quả là có con mắt nhìn, trình độ hòa nhập thiên nhiên và sự tỷ mỷ, công phu đáng khâm phục mới có thể tạo ra những kiệt tác. Trước đây, tôi có mua quyển sách những kiệt tác cây cảnh bonsai nhưng đến đây vẫn bị bất ngờ trước vẻ đẹp của các tác phẩm. Tôi đã tham quan hai ngày nhưng vẫn còn muốn đi nữa.”

Trên 1.000 sinh vật cảnh với nhiều kiểu dáng lạ mắt được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, thu hút khá đông khách tham quan, trong đó có những tác phẩm được định giá triệu USD.

Cây sanh lá nhỏ thế Thăng Long, tác phẩm của nghệ nhân sinh vật cảnh Đinh Hồng Quân được nhiều người thích thú bởi dáng vóc bề thế.

Ông Quân cho biết theo gia phả dòng họ chủ nhân trước đây để lại thì cây sanh này khoảng 100 tuổi. Cây sanh được tạo thế Thăng Long - rồng bay lên. Hiện nay có nhiều người muốn mua cây sanh này nhưng ông giữ lại để làm cây chủ đạo trong “Vườn cảnh đệ nhất Nam Phương” của gia đình.

Hỏi về giá trị của cây sanh, ông Quân thổ lộ nếu bán chắc chắn ông sẽ tổ chức đấu giá và giá khởi điểm của cây sanh không dưới 115 tỷ đồng!

Tác phẩm “Mâm xôi, con gà” của anh Phan Văn Thành ở Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là tâm điểm chú ý trong triển lãm bởi nó được định giá hàng triệu USD.

"Đây là cây quý có tuổi đời hàng trăm năm, đã được chế tác một cách hoàn hảo mô tả đúng như hình thù “mâm xôi, con gà.” Giá trị của tác phẩm này là hội tụ đủ bốn tiêu chuẩn của một cây cảnh đẹp “cổ, kỳ, mỹ, văn,” anh Thành giải thích.

Cũng như ông Quân, anh Thành chưa có ý định bán tác phẩm “ Mâm xôi, con gà.”

Anh cho biết mức giá 120 tỷ đồng là do các hội viên cây cảnh phát ra chứ bản thân anh chưa có quyết định chính thức.

Bên cạnh những tác phẩm hàng triệu USD, khách tham quan cũng thích thú trước những tác phẩm độc đáo, kiểu dáng lạ mắt như "Chiến thắng Bạch Đằng" đến từ Hải Phòng, cây phi lao cổ mang tên "Đôi bờ" đến từ Quảng Ngãi, các tác phẩm "Chung một cội nguồn," "Cửu long tranh châu," "Long cuốn thủy," "Cổ-kỳ-mỹ-văn," phối cảnh Khuê Văn Các dưới gốc cây đại thụ.

Nghề chơi cũng lắm công phu!

Triển lãm cây cảnh với sự tham gia của các hội sinh vật cảnh đến từ hơn 50 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, trong đó các đơn vị có số lượng cây cảnh lớn như Nam Định, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bình Định... đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn ở Thủ đô Hà Nội trong những ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Để có được một triển lãm hoành tráng, hấp dẫn như vậy là cả một quá trình chuẩn bị công phu từ lựa chọn cây, vận chuyển đến công tác bảo vệ của chính những chủ nhân có cây cảnh.
Anh Võ Hiệp - chủ nhân cây dó bầu chứa trầm hương cao 6,8 m, với hai thân tượng trưng cho hai miền Nam Bắc chế tác từ cây trầm hương khoảng 160 năm tuổi, anh đã mất công tìm kiếm suốt 3 năm ròng rã trên khắp những cánh rừng già của đất nước.

Năm 2010, anh đã may mắn gặp được cây dó bầu hai thân có trầm hương ở khu núi tỉnh Tây Ninh giáp giới Campuchia.

Theo anh Hiệp, chưa tính giá trị nghệ thuật, riêng trầm hương trong thân cây cũng đã lên đến tiền tỷ.

Hay để có bộ sản phẩm “Chiến thắng Bạch Đằng” với nhóm quần thể cây cảnh được đặt trên 5 chiếc thuyền với nhiều kích cỡ làm bằng gỗ sao đen mô tả trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938, anh Phạm Đức Thịnh ở thành phố Hải Phòng anh đã phải làm trong 10 năm, nguồn gỗ lấy từ các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên.

Để vận chuyển tác phẩm “Chiến thắng Bạch Đằng” từ Hải Phòng về Hà Nội, anh phải sử dụng 20 chiếc xe tải cỡ lớn với giá 40 triệu đồng/xe.

Sự công phu của các nghệ nhân đã mang đến cho triển lãm những giá trị nghệ thuật không thể đo đếm bằng tiền.

Không quản công sức, tiền bạc, những hội viên sinh vật cảnh trên địa bàn cả nước đã góp sức làm nên thành công cho triển lãm sinh vật cảnh chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

"Đến đây mới thấy tự hào vì các nghệ nhân mình tài hoa và công phu quá,” suy nghĩ của ông Phan Thanh Tùng, 62 tuổi, nhà 217 Hoàng Cầu, Hà Nội cũng là ghi nhận chung của những khách tham quan triển lãm sinh vật cảnh tại Bảo tàng Hà Nội đối với những nghệ nhân tài hoa đã làm nên những kiệt tác sinh vật cảnh./.
 
Tuyết Mai (TTXVN/Vietnam+)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Tháp Yang Prong huyền bí xuống cấp nghiêm trọng
  • Du lịch “bụi” Tánh Linh
  • Bình Ba - nắng cháy sạm da
  • Huyền thoại hồ Hà Nội
  • Ngàn năm quê lụa Vạn Phúc
  • Phố cổ không già
  • Quyến rũ Ninh Chữ
  • Bất biến Ô Quan Chưởng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com