Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thăm làng bánh tráng cù lao Mây

Cù lao Mây giữa nhiều sông rạch chằng chịt. Ảnh: Mai Lý

Về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến với những cù lao trên sông Hậu, du khách sẽ có cảm giác khám phá những điều mới lạ với nhiều truyền thuyết từ thời tiền nhân khai mở đất phương Nam. Cù lao Mây là một điểm đến hấp dẫn ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Về ý nghĩa và nguồn gốc tên gọi cù lao Mây được người dân địa phương giải thích, do nơi đây cù lao nổi lên giữa bốn bề sông nước, trên mây phủ, nên dân gian từ xưa đặt tên là cù lao Mây. Khi hình thành địa giới hành chính, đất cù lao Mây thuộc xã Thạnh Mỹ Hưng. Xã có chiều dài 20 ki lô mét, ngang từ 800 - 2.500 mét, có nhiều cồn nổi lên bao bọc chung quanh, kênh rạch chằng chịt. Năm 1906-1908, người Pháp đào con kênh nối sông Trà Ôn với sông Mang Thít, tạo ra con đường thủy nối từ Cà Mau lên Sài Gòn đi ngang cù lao Mây.

Sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán nhà Nguyễn ghi: Vào những năm nửa sau của thế kỷ XVIII, trong khi bôn tẩu lánh nạn Tây Sơn, xuôi theo dòng sông Hậu, từ xa, Nguyễn Ánh nhìn thấy một dải đất trông giống như áng mây mờ xanh xanh, thấp thoáng, bềnh bồng trên mặt nước. Khi đặt chân lên đất cù lao, ông nhận ra đây là nơi trú ẩn an toàn, quân Tây Sơn  khó lòng phát hiện. Nguyễn Ánh đặt tên cho cù lao này là Vân Châu (Cù lao Mây). Đến sau cách mạng tháng Tám, chính quyền lấy tên của một chiến sĩ cách mạng (*) đầu tiên hy sinh trên vùng đất cù lao này đặt tên xã Lục Sĩ Thành. Từ ấy, cù lao Mây có tên là cù lao Lục Sĩ Thành.

Bến phà từ chợ Trà Ôn sang cù lao Mây. Ảnh: Mai Lý

Có thể đến với cù lao Mây từ chợ Trà Ôn qua phà. Lên đất cù lao, du khách có thể đi xe đạp hoặc xe máy dạo quanh vùng đất phì nhiêu với những vườn cây ăn trái bạt ngàn. Ngoài những vườn sầu riêng nổi tiếng, du khách sẽ gặp những vườn bưởi, cam sành, chôm chôm, vú sữa... sai quả trĩu cành.

Đặc biệt, cù lao Mây nổi tiếng với sản phẩm bánh tráng. Du khách sẽ gặp nhiều hộ gia đình làm bánh tráng, chứng kiến sự cần cù, khéo tay của những người phụ nữ chân quê làm ra những chiếc bánh thơm, ngon cung cấp cho nhiều thị trường trong và ngoài nước. Ngoài bánh tráng nem, bánh tráng nhúng, bánh tráng ngọt, gần đây, nhiều hộ làm bánh còn sáng chế ra nhiều loại bánh mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, như bánh tráng nướng dừa béo, bánh tráng nướng tôm khô, bánh tráng nem lá dứa, bánh tráng củ dền…

Làng nghề bánh tráng cù lao Mây. Ảnh: Mai Lý

Khi mùa nước ở đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu rút. Làng nghề bánh tráng Lục Sĩ thành cũng rộn ràng vào vụ sản xuất hàng tết với không khí tất bật, náo nức, bởi đây là mùa mà sản phẩm bánh tráng mang thương hiệu Cù Lao Mây được xuất đi khắp nơi mang về nhiều lợi nhuận cho bà con.

Làng nghề bánh tráng trên cù lao Mây  ra đời có gần 70 năm nay. Hiện có trên 70 hộ làm nghề với hơn 200 lao động, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn sản phẩm bánh các loại, một ngày bình quân một lò sản xuất được khoảng 500 bánh, riêng những ngày tết thì năng suất tăng cao gấp 2- 3 lần. Khách hàng ưa chuộng bánh tráng cù lao Mây bởi hương vị đặc trưng, bánh khi ăn mềm dẻo, vị mặn vừa, gói với tôm, thịt, rau, bún, chấm nước mắm me hay tương xay ăn rất hấp dẫn, làm nên nét độc đáo của ẩm thực đồng bằng.

Cù Lao Mây còn có di tích văn hóa đình Hậu Thạnh được vua Tự Đức sắc phong Thành hoàng bổn cảnh năm 1852. Đình có nền cao, lợp ngói vẩy cá, bao gồm 3 phần: gian chính thờ Thành hoàng, gian kế gọi là Võ môn qui - nơi hội họp, gian cuối gọi là nhà Võ ca, hai bên có hai hàng gươm giáo gỗ, đây là nơi dùng để đàn ca, diễn xướng tuồng tích khi có lễ hội. Phía sau đình là nền Xã tắc thờ Thần Nông và cũng là nơi cúng hạ điền hàng năm.

Chợ nổi Trà Ôn. Ảnh: Mai Lý

Chung quanh đình rợp mát cây xanh, với các loại cổ thụ như dầu, sao, long não... có đến hàng trăm tuổi, xanh um, cao vút. Vào ngày 16 tháng Tư âm lịch hàng năm, lễ hội cúng đình Hậu Thạnh diễn ra rất trang nghiêm, long trọng. Có rất đông nhân dân và khách các nơi về tham quan, cúng bái, vui chơi, viếng cảnh trong không khí tưng bừng, náo nhiệt.

Chợ nổi Trà Ôn nằm giáp với cù lao Lục Sĩ Thành là nơi diễn ra sinh hoạt mua bán trên sông rất sinh động. Du khách, thương lái và người dân có thể mua được những sản phẩm, hàng hóa của vùng châu thổ sông Cửu Long như trái cây, lương thực, thủy hải sản của nhiều nơi mang đến. Chợ nổi ở Nam bộ là “hồn” của sông nước, đặc trưng độc đáo của cư dân đồng bằng.

Không khí trong lành mát mẻ, sông nước hữu tình, cảnh quan thơ mộng với những người dân chân tình, mến khách của Cù lao Mây sẽ làm cho bạn nhớ mãi vùng đất nầy.

________________________________________________

(*)Lục Sĩ Thành (? - 1946), liệt sĩ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vào tháng 2-2010.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Cần Giờ hướng đến đô thị du lịch sinh thái rừng-biển
  • Rừng nơi cuối đất
  • Vườn cò Bằng Lăng
  • Xóm lò đất dưới chân núi Pnom Pu
  • Chợ tình Khau Vai
  • Chợ Đồng Xuân và Sapa ở xứ Tây
  • Nhà cổ ông Cả Bá ở Thốt Nốt
  • Hành hương núi Kéc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com