Xã Sủng Trái, huyện Mèo Vạc cách thị xã Hà Giang chừng 130km, 90% diện tích là đá, khí hậu khắc nghiệt, địa hình núi cao hiểm trở. Vài năm trở lại đây, nghề dệt lanh truyền thống trở thành lối thoát nghèo cho đồng bào dân tộc, đồng thời mở ra hướng phát triển du lịch nơi cao nguyên đá.
Dùng tay tỉ mỉ tách từng sợi lanh bằng phương pháp thủ công. Ảnh: Lam Thanh |
Chúng tôi đến nhà ông Phàn Quẩy Chiêm, dân tộc Dao, một trong những gia đình dệt lanh số lượng lớn nhất xã. Ông Chiêm đang khệ nệ bê thùng phuy nước chàm đặc quánh vào góc nhà. Sau khi nhúng từng đống vải lanh vào ba thùng phuy, ông giải thích: Nhuộm vải lanh là một trong các công đoạn quan trọng của nghề dệt lanh truyền thống. Đầu tiên, muốn có sợi lanh người dân phải trồng cây lanh xen trong kẽ đá. Đến mùa thu hoạch độ tháng 6, mang cây lanh về phơi khô, tước sợi. Tiếp theo sẽ xe sợi rồi dệt thành từng tấm vải. Công đoạn kế đến quan trọng nhất là ngâm vải lanh trong nước chàm tạo màu, ngâm càng lâu màu vải càng khó phai, sau đó phơi khô. Và cuối cùng là cắt may. Sản phẩm chính là những chiếc áo tàpủ, quần nái, hay váy dân tộc của người Dao, người Mông.
Người Mông, Dao rất ưa chuộng vải lanh bởi nó có độ bền chắc hơn hẳn vải bông. Vải lanh còn được coi là sự gắn kết bền chặt giữa con người và thế giới tâm linh. Người Mông, Dao cho rằng, sợi lanh là sợi chỉ dẫn đường cho người chết về với tổ tiên và đầu thai trở lại làm người.
Theo cụ Sùng Thị May, nghệ nhân dệt vải lanh hơn 80 tuổi ở xã Sủng Trái, việc dệt vải lanh còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá tài năng, phẩm chất của thiếu nữ người Mông, Dao… trước khi về nhà chồng.
Hiện, tại Sủng Trái, mỗi gia đình lập một xưởng dệt lanh độc lập, lượng nhân công cũng theo đó tăng lên. Nhà ông Chiêm có sáu người, mỗi người phụ trách một công đoạn. Ông Chiêm nói gia đình ông làm nghề dệt lanh chuyên nghiệp, thu nhập chính từ nghề truyền thống này. Ngày cao điểm, gia đình ông có thể hoàn thành mười bộ tàpủ. Giá bán trung bình chừng 35.000 đồng/áo tàpủ, tháng giáp tết, gia đình ông thu về trên 1 triệu đồng/tháng. Ngoài làm sản phẩm phục vụ nhu cầu đồng bào trong vùng, ông Chiêm còn nhận cả đơn đặt hàng của khách du lịch nước ngoài, với giá gần 1 triệu đồng một áo tàpủ nhưng phải dày công hơn, dệt vải dày dặn hơn, không một sợi lỗi và phải ngâm vải lanh trong nước chàm tới… ba tháng!
Nghề dệt lanh phát triển, đang tạo thành một điểm du lịch thú vị đối với du khách ưa khám phá nét độc đáo, nguyên sơ của nghề truyền thống Sủng Trái.
(bài và ảnh: Lam Thanh // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com