Đến Quan Lạn không thể bằng những chiếc tàu sang trọng. Chúng chỉ phù hợp với vùng nước lặng và tuyến ngắn, còn để vượt 50km ra Quan Lạn, ta phải mua vé tàu đò vẫn khởi hành lúc 9g sáng từ bến Hòn Gai (Quảng Ninh). Khi đã lướt ra giữa biển, du khách chẳng có việc gì khác ngoài việc kề cà pha trà uống cùng nhà tàu vừa bàn tán tại sao tới giờ Bái Tử Long vẫn mang số phận như nàng công chúa ngủ trong rừng, mặc dầu nơi đây cũng đẹp không kém Hạ Long với hàng trăm đảo lô xô, nước trong xanh.
Khung cảnh hoang sơ tạo cho du khách cảm giác mình như Robinson lạc bước. Ảnh: Thai A |
Sẽ phải mất bốn giờ lênh đênh giữa biển khơi để tới Quan Lạn – hành trình đôi khi gặp những đợt sóng lớn trùm lên mui tàu và lúc đó cảm giác về sự mỏng manh của con người trước thiên nhiên bỗng trỗi dậy rõ hơn bao giờ hết. Mỗi ngày một chuyến, tàu đò sẽ cập bến Quan Lạn vào khoảng 1g trưa, và đó cũng là nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cho toàn đảo với gần 1.000 hộ dân sinh sống. Đá và bia hơi, gạo và ximăng, quần áo, bia...
Trên đảo hầu như ít trồng trọt nuôi cấy, bởi đã từ lâu người Quan Lạn vẫn chỉ thích duy trì nghề bắt sá sùng – loài sinh vật sống dưới cát nếu rang khô và uống bia sẽ có vị gần giống mực khô, còn ngoài ra rất được chuộng trong việc nấu nước phở. Nhưng dù cho sá sùng Quan Lạn đã ngao du khắp chốn, đã tạo nên hương vị tuyệt diệu cho hàng triệu bát phở nhưng chắc cũng ít ai biết cách bắt chúng thế nào.
Để chứng kiến cách bắt sá sùng, ta sẽ phải dậy sớm và đi xe ôm hoặc xe lam ra bãi bồi. Một vùng mênh mông, ở đó buổi sáng nước biển rút ra xa để lộ nền đất pha cát in dấu hàng triệu vết bò ngoằn ngoèo của sá sùng. Chẳng ai thấy chúng bò bao giờ, bởi khi bình minh chưa lên sá sùng đã rúc sâu xuống cát, càng nắng to chúng càng rúc sâu hơn. Trên mặt đất, những người phụ nữ bịt kín mặt rảo bước như chim bồ nông. Thuổng trong tay, họ đi theo những con đường vô định, nhanh như cắt phóng thuổng xuống và hất lên tảng cát lớn, ở đó văng ra chú sá sùng đỏ hồng ngoe nguẩy. “Mồi” là tên dân địa phương gọi sá sùng, và họ thường trả lại thiên nhiên những chú “mồi” chưa đủ lớn.
Mỗi ngày rảo bước từ 4 – 5g sáng cho tới 11 – 12g trưa, mỗi người thường bắt được gần 1kg sá sùng với hàng trăm phát thuổng phóng mỗi lúc một sâu hơn. Buổi sớm chỉ cần đào sâu 20 – 30cm, càng gần trưa càng sâu và có lúc phải đào tới 70 – 80cm mới tóm được sá sùng. Giống thời trân có khi nào dễ kiếm, bởi vậy đến Quan Lạn nhất thiết không nên bỏ qua món sá sùng tươi xào. Giòn và mềm, thơm ngát và ngọt lịm trong cuống họng... Món ăn này trên đất liền chắc tìm đỏ mắt không ra.
Bao trùm lên tất cả trên đảo vẫn là những bãi biển hoang sơ, càng thú vị hơn khi gắn liền cùng huyền thoại về trận thuỷ chiến của danh tướng Trần Khánh Dư đã mai phục và thiêu đốt hoàn toàn đội thuyền lương của đạo quân Nguyên Mông năm 1288. Hàng năm, vùng biển Quan Lạn đang từ hoang vắng bỗng rộn ràng cờ xí, chiến thuyền trong lễ hội từ 10 tới 18.6 âm lịch. Hàng trăm thuyền kết cờ rực rỡ tái hiện lại trận thuỷ chiến thời xưa với vang dậy tiếng trống, thanh la và tiếng người hò reo.
Mỗi năm một lần, Quan Lạn chỉ tưng bừng vào lễ hội, còn lại là sự tĩnh lặng bao trùm, và khi dẫm chân trần trên bờ biển trắng loá, khi thả người trong làn nước biển trong veo, ta sẽ cảm thấy thật may mắn khi được tận hưởng cảnh bình yên. Không nhà hàng, không taxi, đã ra Quan Lạn chỉ có tắm biển và ăn hải sản tươi. Bia lạnh bán trong thị trấn khi có khi không tuỳ theo những con tàu vượt biển, còn điện máy nổ sẽ tắt trên toàn đảo vào 11g hằng đêm. Một phong cách gợi nhớ Robinson trên hoang đảo.
(bài và ảnh: Thái A // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com