Người Champa có mặt ở nhiều nơi từ Trung và Nam bộ lên đến tận Tây Nguyên. Và khu di tích Mỹ Sơn là một trong số nơi người Champa sinh sống, địa điểm còn sót lại nhiều đền tháp được xây dựng theo tâm thức Ấn Độ giáo, tiến triển liên tục từ thế kỷ VII đến thế Kỷ XII và đây là nơi còn khắc đậm dấu ấn của người Champa.
Những tòa tháp nguy nga tráng lệ xưa kia, sau chiến tranh và sự phá hủy của thời gian, nay đã không còn nữa. Theo các nhà nghiên cứu của văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam và nước ngoài, thì Mỹ Sơn hàm chứa 6 phong cách được định danh theo quy chuẩn của kiến trúc Mỹ Sơn. Trong đó ở thế kỷ X đánh dấu nhiều công trình đỉnh cao của những công trình này.
Vậy nhưng khu di tích Mỹ Sơn vẫn còn là “ẩn số”. Các lớp gạch đá xây dựng ở khu di tích được người Champa xây hầu như không thấy mạch vữa, mà vẫn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. “Giờ có nhiều ý kiến khác nhau về những công trình này. Có người thì cho họ đã dùng nhựa cây đốt lên, có người thì nói họ dùng lá cây nghiền ra bôi vào sau đó để cho khô rồi xây tiếp… nhưng vẫn chưa có những kết luận chính xác”, anh Cường, nhân viên hướng dẫn du lịch ở khu di tích Mỹ Sơn, cho biết.
Việc tìm hiểu “ẩn số”, nguồn cội Champa giúp ta có cái nhìn tổng quan về quá trình phát triển cùng giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của khu di tích này.