Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thiên đàng chốn rừng xanh

Từ hàng ngàn năm qua, những người Baduy đã sống thành làng và bao bọc lẫn nhau bởi một hệ thống chi chít các làng với một quy ước bất di bất dịch: người Baduy đen sống thành 30 làng như một vòng thành luỹ khép kín bên ngoài để bảo vệ và che chở cho ba làng của người Baduy trắng sống khép kín trong rừng sâu.

Những người Baduy đen luôn từ chối thế giới vật chất, tiện nghi, họ luôn hài lòng với cuộc sống hoang dã của họ chốn rừng sâu. Ảnh: Binh Nguyên

Đó là những con người lạ lùng nhất mà tôi gặp trong hành trình xuyên rừng già vùng Gajebor trên đảo Java của Indonesia. Với tộc người Baduy trắng thuần khiết nhất và cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, cho dù khu rừng già Gajebor chỉ cách thủ đô Jakarta hoa lệ của Indonesia chừng 130km đường chim bay.

Robinson ra phố

Người dẫn đường cho tôi đi vào rừng thăm làng Baduy đen lại là một anh chàng người Baduy trắng. Đó là Juri, có lẽ đây là người duy nhất trong cộng đồng Baduy trắng “phá lệ” tiếp xúc với thế giới văn minh hiện đại. Đã bao thế hệ Baduy đã bị chính quyền trung ương Indonesia đưa vào nề nếp, cứng rắn có, mềm dẻo có, nhưng đều thất bại và buộc lòng cho người Baduy một “quy chế đặc biệt trong khu rừng đặc biệt”, không cần phải đăng ký nhân khẩu, không đi nghĩa vụ quân sự, không đến trường và đặc biệt hơn không được chu cấp bất cứ thứ gì như điện sinh hoạt và nước máy, ngay cả chữ viết cũng không… Vì vậy cho đến nay, không có một số liệu chính xác dân số của người Baduy trong rừng Gajebor. Vì theo tập tục, khi người chết, mang ra rừng vùi xuống đất và trồng lên đó một cái cây rồi quên ngay tức khắc khi vừa về đến nhà…

Juri đưa chúng tôi vượt hết ngọn núi này đến ngọn núi kia bằng đôi chân trần, đôi giày đi rừng của tôi đã rách nát, nhưng bàn chân trần của Juri vẫn dẻo dai đạp gai mà vươn tới. Cách nay ba năm, khi Juri gặp người dẫn đường Indonesia ở bìa rừng, người này có nhã ý mời Juri về thủ đô chơi cho biết. Juri đã vượt qua mọi khuôn phép của làng để đi bộ, chưa hề có một khái niệm về thế giới văn minh, nhưng sau một tuần đi bộ theo đường ray xe lửa, anh đã tìm đến được Jakarta. Khi hỏi về thế giới văn minh mà Juri đã diện kiến ở Jakarta, anh lắc đầu: “Thật không thể hiểu nổi vì sao người ta lại chọn sống giam mình giữa những khối nhà (cao ốc) và cái hộp (xe hơi) khủng khiếp như thế. Lại còn thêm cái hộp đi lên trời nữa (thang máy). Nếu để chọn lựa, tôi sẽ chọn sống ở rừng thôi…”

Bình yên nơi hoang dã

Tôi như lạc vào một thế giới của buổi đầu văn minh nhân loại khi tiếp cận được làng Baduy đen, dù đây chỉ mới là “vòng rào bảo vệ đầu tiên” trong hệ thống làng Baduy. Quả thật khó tìm ra nơi này một vật gì đó đến từ thế giới văn minh. Ngay cả chiếc cầu treo cực kỳ đẹp ở cuối làng cũng không thể tìm ra một chiếc đinh sắt hay sợi kẽm.

Gần như tự chủ hoàn toàn trong cuộc sống nơi hoang dã, nhưng cộng đồng người Baduy từ xưa tới nay chưa bao giờ phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền hay cảnh sát. Dân các làng sống rất hoà bình với nhau. Họ cũng không chấp nhận những cuộc hôn nhân ngoài chủng tộc, ai muốn tìm đến thế giới văn minh, chỉ có cách duy nhất: ra khỏi làng!

Đêm nay, chúng tôi nghỉ lại giữa rừng Ciboleger trong làng người Baduy đen. Chỉ duy nhất một vật dụng mà chúng tôi cảm nhận nó thuộc về thế giới văn minh là chiếc đèn dầu mù u. Chủ nhà, anh Amen cho hay: “Chiếc đèn này không được phép sử dụng trong làng người Baduy trắng đâu. Trong đó chỉ có đuốc và bếp củi thôi”. Chiếc đèn là do một nhóm thám hiểm để lại và Amen giữ thắp sáng. Còn điện ư? – “chúng tôi không có nhu cầu sử dụng điện”, Amen nói.

Đêm, trong ánh đuốc chập chùng của nghi lễ hiến tế, cả làng nhảy theo nhịp trống trầm hùng. Tôi không thể ghi chép gì, nhưng đôi giày rách toác sau những ngày băng rừng lội suối đã ghi lại tất cả, một cảm giác dâng trào: đây chính là chốn thiên đàng đích thực mà những con người như tôi luôn bon chen, khao khát tìm đến...

(Theo bài và ảnh: Binh Nguyên/sgtt)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Độc đáo giếng nước ngọt 200 tuổi ở Cù Lao Chàm
  • Du thuyền sông Giăng
  • Bí ẩn ở chùa Săm-pua
  • Phú Yên êm đềm
  • Rừng U Minh Hạ ở đất mũi Cà Mau
  • Dã ngoại trên đảo năm sao
  • Đến với Mũi Cà Mau để biết "sống trong sợ hãi"
  • Lênh đênh những phận người sông nước miền Tây
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com