Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phú Yên êm đềm

Đồng lúa Tuy Hòa, xa xa là núi Chóp Chài. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Chúng tôi đáp xuống sân bay Đông Tác vào lúc xế trưa, đang vào thời điểm áp thấp nên khí hậu ở Phú Yên cũng khá dễ chịu. Điểm đến nghỉ đêm của chúng tôi là khách sạn Cendeluxe. Từ khách sạn này có thể nhìn thấy tháp Nhạn trên đỉnh núi Nhạn, cảnh ruộng đồng mênh mông và con sông lượn lờ quanh thành phố.

Không sôi động như ở Nha Trang, thành phố biển Tuy Hòa có vẻ hiền hòa, yên bình. Phú Yên vốn được coi là vựa lúa ở miền Trung. Ít có thành phố nào trên cả nước có thể nhìn thấy cảnh ruộng lúa xanh vàng bao quanh thành phố như Tuy Hòa. Nó tạo nên vẻ đẹp mộc mạc và nét đặc trưng riêng của Phú Yên. Phú Yên là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, tính theo quốc lộ 1A, địa phận Phú Yên nằm giữa đèo Cả hay còn gọi là đèo Hổ Dương ở phía nam, giáp tỉnh Khánh Hòa và đèo Cù Mông hay còn gọi là đèo Cù Mãng, giáp tỉnh Bình Định về phía bắc.

Con sông Đà Rằng hay sông Ba (Krông Pa) uốn lượn xuyên qua đồng lúa mênh mông. Phú Yên còn là nơi đầu tiên phát triển nghề đánh bắt cá ngừ đại dương, là loại cá ngon và bổ nổi tiếng của thế giới.

Đêm ở Tuy Hòa cũng êm đềm. Từ trên tầng 17 của khách sạn, ở mọi góc nhìn với mọi vị trí, du khách có thể ngắm nhìn cảnh tháp Nhạn với ánh sáng trang trí nổi bật trên nền trời đêm.

Mũi Điện với ngọn hải đăng trên đỉnh. Bên dưới là bãi Môn và dòng nước ngọt chảy dọc chân núi ra biển. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Sáng hôm sau, chúng tôi được đưa đến cụm danh thắng hải đăng Đại Lãnh, mũi Điện, vũng Rô nằm cạnh đèo Cả, phía nam thành phố Tuy Hòa. Dọc đường, chúng tôi đi ngang qua bạt ngàn ruộng lúa hai bên quốc lộ 1A. Người dân ở đây nói rằng, đến mùa lúa là có đặc sản... chuột. Chuột ở Phú Yên nhiều đến nỗi người ta phải muối thịt chuột.

Quay nhìn về hướng bắc, trên đỉnh núi Chóp Chài có đài ăng ten, nhìn xa trông giống như một ngư dân đang đứng tung lưới.

Trên đường đến mũi Điện chúng tôi nhìn thấy xa xa ẩn hiện trong mây ngàn là núi Đá Bia hay còn gọi là Thạch Bi Sơn. Tương truyền rằng khi vua Lê Thánh Tôn thân chinh cầm quân đánh Chămpa, ông đã cho khắc chữ xác định biên giới lãnh thổ của nước Đại Việt. Núi Đá Bia có tảng đá cao 80 mét cao chót vót trên đỉnh, nay thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Sau lộ trình 35 cây số, chúng tôi đến mũi Điện. Ở Phú Yên, người ta cho rằng đây là điểm cực Đông của đất liền nước ta, là nơi nhìn thấy tia nắng sớm đầu tiên. Con đường từ lộ chính đến mũi Điện đi ngang qua bãi Môn, một bãi biển tuyệt đẹp và cát trắng sạch. Theo tôi, bãi Môn đẹp hơn bãi biển Đại Lãnh ở chỗ là dọc theo con đường đến bãi Môn và mũi Điện là dòng nước ngọt trong trẻo chảy từ đất liền ra biển. Địa danh này được một người địa phương giải thích là do trước đây hai bên dòng nước ngọt có rất nhiều môn - một loại cây hoang giống như cây bạc hà dùng nấu canh chua ở miền Nam nên người dân ở đây đặt tên bãi biển này là bãi Môn.

Gành Đá Đĩa ở huyện Tuy An. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Ngọn hải đăng mũi Nậy cao 25 mét với 107 bậc thang phía bên trong cột hải đăng, được xây dựng năm 1890. Đứng trên ngọn hải đăng có thể nhìn thấy cảnh trời nước mênh mông với sức gió thổi mạnh đến chao đảo người đứng. Do con đường lên ngọn hải đăng thoai thoải và có nhiều bóng cây rất lý tưởng cho chuyến đi tản bộ tham quan.

Rời mũi Điện, chúng tôi đi Vũng Rô, một vị trí bí mật tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chuyển vào cho chiến trường miền Nam qua những chuyến tàu ‘Không Số’ theo con đường Hồ Chí Minh trên biển. Vũng Rô là một vịnh ẩn mình giữa núi đá bao quanh bởi đèo Cả, núi Đá Bia và hòn Bà từ ba phía đông, tây và phía bắc. Phía nam của vịnh là hòn Nưa cao 105 mét, sừng sững như một pháo đài canh gác cửa ra vào vịnh. Con đường đến Vũng Rô đi qua đèo núi quanh co. Rất nhiều tàu thuyền đánh cá neo đậu trong vịnh tạo nên cảnh quan đẹp mắt.

Sáng hôm sau, chúng tôi được đưa đi tham quan gành Đá Đĩa, cách thành phố Tuy Hòa 50 cây số; trong đó có 13 cây số rẽ về hướng đông ở gần đầu cầu Ngân Sơn và chạy dọc bờ sông về xã An Ninh Đông. Đây là vùng giáp biển với đặc điểm là đá ở đây hình lục giác hoặc hình tròn, có mặt cắt trông như đĩa đựng thức ăn. Từng cột đá dựng chéo hay thẳng đứng sắp xếp khít đều lên nhau với chiều rộng của vùng có đá đĩa khoảng 50 mét và trải dài hơn 200 mét.

Dọc theo gành Đá Đĩa là nhà dân trồng hoa màu và nhất là có bãi biển đẹp dài chừng 3 cây số gần đó, rất tiện cho du khách đến tham quan và tắm biển. Được biết Đá Đĩa là loại đá bazan, được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa. Nham thạch phun từ miệng núi lửa ra biển khi gặp nước biển lạnh thay đổi nhiệt độ đột ngột nên bị đông lại mà thành. Do nằm ở hướng chính đông và giáp biển nên khi đứng tham quan ở gành Đá Đĩa sóng rất to, đánh mạnh vào gành tạo nên cảnh sóng bọt trắng xóa, chụp ảnh rất đẹp.

Nhà thờ Mằng Lăng, nơi lưu giữ cuốn thánh kinh đầu tiên in bằng tiếng Việt. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Trở lại Phú Yên, chúng tôi ghé tham quan nhà thờ Mằng Lăng, được xây dựng năm 1892 thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nhà thờ vẫn còn giữ được nét cổ xưa, là một trong những nhà thờ thuộc nhóm cổ nhất Việt Nam. Từ ngoài cổng bước vào, phiá bên trái có ngọn đồi, trên có tượng của ngài Andre Phú Yên, một con người đã ‘tử vì đạo’. Bên trong quả đồi là hang động, nơi lưu giữ cuốn sách thánh kinh tiếng Việt đầu tiên được in ở Ý do cha Đắc Lộ thực hiện.

Sáng hôm sau chúng tôi lên thăm tháp Nhạn. Xuống xe ở chân núi Nhạn, chúng tôi đi đường vòng khoảng chừng vài trăm mét là đến chân tháp. Tháp Nhạn trông đơn giản hơn so với các tháp chàm khác như thápPonagar (Nha Trang), tháp Bánh Ít (Quy Nhơn). Tháp Nhạn là thắng cảnh được coi là hình ảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Yên, là nét tô điểm cho thành phố Tuy Hòa về đêm.

Gần đến giờ ra sân bay, chúng tôi vẫn cố gắng tranh thủ ghé qua chợ Tuy Hòa. Hỏi thăm người dân nơi đây, chúng tôi tìm đến mua vài thứ đặc sản như cà phê Phú Yên có vị riêng, được nhiều người ưa thích và có nhiều thương hiệu nổi tiếng tại địa phương, chả cá chiên sẵn, chả bò "cô Tý"...

Vũng Rô yên bình nhìn từ trên đèo. Xa xa, nằm giữa là hòn Nưa. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Người Phú Yên cũng đang đẩy mạnh sản xuất, tiếp thị cho sản phẩm từ nguyên liệu sẵn có như thủ công nghệ làm từ gáo dừa, các sản phẩm mỹ nghệ làm từ vỏ ốc biển. Một vài loại khô cá ướp sẵn có tên nghe là lạ như khô cá lao, cá bồi… Nước mắm ở Phú Yên cũng có vị thơm ngon không kém những nhãn hiệu nước mắm khác nhưng tiếc là chưa xây dựng thương hiệu riêng.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Rừng U Minh Hạ ở đất mũi Cà Mau
  • Dã ngoại trên đảo năm sao
  • Đến với Mũi Cà Mau để biết "sống trong sợ hãi"
  • Lênh đênh những phận người sông nước miền Tây
  • Thăm "Hoa quả sơn" trên Bái Tử Long
  • Khám phá thác Đá Dăm
  • Du khách say lòng với những "homestay" miệt vườn
  • Theo ông Năm Yersin lên Suối Dầu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com