Đến Lâm Đồng, du khách không chỉ nhìn cảnh đẹp mộng mơ, hoa tươi khoe sắc vào mùa đông, không khí mát dịu của mùa hè và thưởng thức ly trà ấm áp của mùa đông, mà còn được chứng kiến tận mắt đôi tay thoăn thoắt của các cô gái dân tộc: Cơ Ho, Mạ, Chu Ru… hái những búp trà non tơ cho vào gùi trên đồi trà bạt ngàn ở Cầu Đất, Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, đem về lò sấy thành trà để uống hoặc đãi khách.
Mùa thu hoạch trà Ô Long ở Lâm Đồng.
Trà là cây chủ lực để chế biến xuất khẩu của Lâm Đồng. Người Pháp sớm lập đồn điền canh tác và lập Sở Cầu Đất để chế biến trà từ năm 1927. Lúc đó, nước ngoài biết đến danh trà Cầu Đất và sau này là trà B' Lao của Bảo Lộc, trà Ô Long trồng trên đất Bảo Lâm.
Những người sành điệu thưởng thức trà dễ dàng nhận ra đặc trưng của từng loại trà qua hương thơm tự nhiên, vị trà không chát, ngọt dịu mà có hậu… Nhờ vậy, trà Cầu Đất đã từng được xuất khẩu sang các nước: Pháp, Hà Lan, Đức, Đài Loan và các nước Trung Đông.
Sở dĩ trà đen của Lâm Đồng được người trong và ngoài nước thích dùng vì trà được trồng trên vùng đất thích hợp ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển với một quy trình sản xuất, chăm sóc và chế biến rất nghiêm ngặt.
Để có hương trà ngọt dịu đặc trưng, trà nguyên liệu trải qua nhiều công đoạn khi chế biến như: vò lá trà, sấy khô nhằm giảm lượng nước, giúp cho trà săn chắc, không cho nấm phát triển, bảo quản được lâu và hương vị còn nguyên chất.
Dưới tán trà cổ thụ Cầu Đất tỏa bóng mát hay bên vườn trà Ô Long xanh rờn, uốn lượn trên đồi cao chạy mút tầm mắt, du khách sẽ có cảm giác thích thú khi nhấm nháp ly trà nóng - một đặc sản nổi tiếng của đất Lâm Đồng./.
(Theo Bài và ảnh: Lê Vũ Hoàng/baocamau)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com