Những thân cây samu vươn dài từ bên mé vực vút lên trời. Tiết tháng Giêng, hoa samu màu nâu nhàn nhạt, nở thơm đến bàng hoàng theo từng cơn gió với khách đi đường. Đừng nhìn xuống bên này, bên đó là vực. Có tay lái xe lần đầu đi Đồng Văn, buổi tối chăm chú lái nên không để ý phía bên trái đường. Buổi sáng, đi trở lại con đường đó, tay lái xe giật mình, hóa ra đêm qua, ta đi trên độ cao này, với những cung đường này, và bờ vực ngấp nghé này. Liều thật.
Còn hai người khách đi trong bóng đêm bằng xe máy, ánh xe vàng vọt nhập nhoạng dưới ánh trăng rằm. Trăng núi là lạ, đi trên triền núi này, thấy trăng như miếng bánh chỉ lấp ló một nửa như đang chơi trò trốn tìm trên đỉnh núi đêm. Đi sang quả núi khác, ngửa mặt lên, thấy trăng lại vẹn nguyên dáng tròn bay vọt hẳn lên đỉnh núi. Dừng chân, chụp ánh trăng nguyên tiêu, nghĩ đến duyên hạnh ngộ được thưởng trăng đầu năm trên cao nguyên đá, biết bao giờ gặp lại. Tội gì không chụp. Xong, lại tiếp tục chuyến du hành.
Đường xa, ngoằn ngèo, khách tự kể chuyện cho nhau nghe. Rằng “Một người lái xe trên đường rừng ban đêm, bỗng có cô gái vẫy đi nhờ xe, tóc cô dài thướt tha, trông cũng duyên dáng, chân chất. Đi một đoạn, lúc đó gió to, bỗng người lái xe nhìn thấy cái gì giống như những sợi tóc bay về phía trước. Ngoảnh lại nhìn, thấy đằng sau là một cái đầu trọc lốc đang nhìn mình. Hoảng quá, anh quẳng xe, chạy trốn. Hình như cái đầu trọc đang đuổi theo. Khi tỉnh dậy, vừa mở mắt, lại thấy ngay cái đầu trọc lông lốc, anh ngất thêm lần nữa. Hóa ra, không phải ma. Cô ấy bị sao đó, phải đội tóc giả, chẳng may gió to quá, bay mất bộ tóc, chưa kịp giải thích gì thì người lái xe đã bỏ chạy, và ngất xỉu. Cô phải đi mãi mới có một nhà ven đường nhờ đưa anh ta vào lay tỉnh và lại tặng cho anh một phen thót tim. Nghe nói sau này, đôi nhầm lẫn trớ trêu đó trở thành vợ thành chồng. Một lần khác...”
- “Thôi, xin đừng kể nữa, đang đi trong đêm mà”. Người ngồi sau chắc bắt đầu hoảng. Người đằng trước được thể, tự nhiên tức cảnh sinh tình, bắt đầu làm văn mới hãi: “Ta đang đi trong tiếng vượn kêu trăng, trong tiếng hú của những loài ma quái dật dờ, những đốm đom đóm chập chờn mờ ảo”. Khách ngồi sau, chỉ thiếu điều rú lên, van xin thôi đừng kể ma khi đi đường rừng và hãy tập trung vào tay lái.
Sáng hôm sau, khi được nhìn cao nguyên đá một cách rõ nét, trong cái lạnh của mùa xuân, của khí đá, những đỉnh núi tai mèo nhọn hoắt xám ngắt một màu, lòng khách chợt nao nao thầm bái phục thiên nhiên đã sắp đặt thành hình cao nguyên đá có dáng hình kỳ lạ. Đá đang sống, đang quằn quại, đang nhảy múa. Trông đá oai dũng, thẳng thắn và mạnh mẽ. Xen trong màu xám ngắt của đá, có màu vàng của hoa cải. Nhìn những nhánh cải lún phún, mọc len chen lấm tấm phủ men dưới núi, lại thấy sức sống mãnh liệt của cỏ cây trên đá. Mùa sau sẽ là những cây ngô, nhọc nhằn bám từng mụn đất trên đá để vươn lên, mà thấy mặt trời.
Chợ của cái đẹp
Từ sáng sớm trong sương núi, đã thấy tiếng bước chân, tiếng ngựa và tiếng cười nói. Nếu đi vào chủ nhật hoặc thứ bảy, ngày cuối tuần, đó là chợ phiên vùng cao. Được đi chợ thật vui, và lạ mắt, lần nào cũng như... mới. Chợ may mắn thay, vẫn giữ được nhiều mái nhà cổ, thâm trầm và cổ xưa theo lối kiến trúc Việt - Hoa (cũng bởi nơi này giáp với biên giới Trung Quốc). Trông cũng xứng đáng đi những chặng đường xa tới đây, bởi nếu chỉ gặp những mái xi-măng, mái nhựa thì quả là thất vọng và buồn thương tràn trề. Chợ không chỉ có người Mông, mà còn có người Nùng, Dao, Tày, Hán, Kinh... dập dìu những áo những váy, những khăn của trai gái đi chợ huyện.
Chợ Đồng Văn giờ hàng hóa phong phú lắm, có ông già bán thuốc lá trông như miếng măng khô, có bà già bán khăn đúng giá không mặc cả, lại có đứa bé theo mẹ đi chợ, mũi dãi thò lò quên chẳng quệt vì mải cầm chặt trên tay quả cam mẹ mua. Một đôi vợ chồng trẻ đang ngần ngừ cầm lên đặt xuống mãi một miếng vải lanh hoa đã nhuộm. Những chiếc đèn pin, thuốc, dầu, dép tổ ong đặc biệt được ưa chuộng. Góc bên này, mấy cô Mông má đỏ hây hây xúng xính váy điệu đà bá vai bá cổ đứng buôn chuyện với mấy anh thanh niên cổ quàng chiếc khăn sặc sỡ, đầu đội mũ nồi.
Một loạt hàng xôi bảy sắc thơm mùi lúa nương đắt khách đến nỗi các bà bán hàng xới không kịp. Xéo bên là bác thợ khâu giày với chiếc máy độc đáo chạy phần phật. Hàng thịt bên cạnh treo chiếc thủ lợn có vẻ như quyến rũ ít nhất cũng làm các bà mẹ đi qua liếc ngang liếc dọc. Túm năm tụm ba là mấy bác đang săm soi xem chiếc liềm nào sắc và bền.
Đối diện là hàng bán hương trông như những bó rạ úp ngược, ngay bên cạnh là hàng bánh nướng. Cả nhà em bé Mông ra bán bánh gạo nướng, chồng quạt, vợ lật lên lật xuống từng miếng bánh sao cho vàng rộm, đứa con nhỏ ngồi cạnh. Trông rõ hạnh phúc.
Giữa chợ, là quán rượu ngồi dăm ba bác rít thuốc lào, làm bát rượu cho đỡ lạnh. Có tiền thì ta vào làm bát thắng cố nghi ngút khói với cái môi gỗ xinh xinh. Hai vợ chồng cùng ngồi ăn đút cho nhau - tình cảm gọi là ngọt lịm. Các cô gái gùi địu đằng sau là cái gà, cái lợn, cái dê. Không thích gùi thì buộc chúng bằng sợi dây cho chạy lon ton đằng trước. Rượu thì không phải chỉ hàng thắng cố mới có. Rượu bán hàng can, được chuyền qua những ống nhỏ, vào các chai và dĩ nhiên, phải có màn thử rượu xem có ngon hay không. Rượu ở đây thường là rượu ngô non, nhưng cũng xin cẩn thận, và hãy mua ở chỗ quen biết, nếu không thì rượu “dỏm” cũng có khơ khớ ngoài chợ.
Cà phê phố cổ
Khách tha thẩn sau khi nếm xôi bảy màu đẫy ra rồi, hít thử, lượn thử qua quán thắng cố mà không dám ăn (kém thế). Lại chợt thấy quán cà phê bên chợ, quán Phố cổ. Để dành đến tối, mặc quần áo thật ấm, đội những chiếc khăn mới mua ban sáng để “cà phê Phố cổ”.
Quá tuyệt cho những đêm trăng đẹp như này, ngồi trong một không gian bao quanh của núi rừng điệp trùng, với vị rét se sẽ của cao nguyên đá, của mùi người và mùi nồng nồng ngai ngái của bò trâu - dư vị của phiên chợ còn sót lại. Nhâm nhi tách cà phê nóng, máu lên gọi tí rượu ngô lại ngồi nhâm nhi với nhau. Thêm tí lạp xường, thịt treo gác bếp xé nhỏ chấm với ớt khô, hòa với vị đắng của rau cải Mèo. Về thành phố, lấy đâu ra đồ “xịn” như vậy.
Mà khách thấy lạ, bởi ngồi ở cà phê Phố cổ, mà lòng lại nhớ cao nguyên đá Đồng Văn, nhớ Hà Giang, nhớ những cung đường bị sạt lở, hoặc bé như sợi chỉ vắt vẻo cheo leo bò quanh núi, nhớ đôi má hây hây của các nàng thiếu nữ, những đôi mắt ngây tròn của những em bé vùng cao. Ôi cuộc sống, cảm ơn vì đã được sống để hưởng thụ. Lần sau hỏi đi nữa không? Có chứ, tại sao không, đi, đi nữa, và còn đi để thỏa cơn nhớ đến mê mẩn này./.
(Theo Tạp chí Đẹp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com