Nằm trên những con đường buôn bán sầm uất của khu phố Tàu tại Sài Gòn là những ngôi chùa có tuổi đời trên 200 năm, đã được công nhận di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Quen gọi là chùa nhưng thực chất là đình miếu do ban quản trị các hội quán điều hành. Đánh một vòng quanh quận 5, bạn đã tham quan được những sáu ngôi chùa cổ.
Chùa Hải Nam – hội quán Quỳnh Phủ. Ảnh: Thiên Ý |
Điểm đến đầu tiên, chùa ông Bổn còn được gọi là Nhị Phủ miếu hay hội quán Nhị Phủ nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Chùa ông Bổn xây dựng năm 1730, có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa tại Sài Gòn. Sau khi xây dựng, chùa trải qua nhiều lần trùng tu, hiện chùa trưng bày chuông đồng và câu đối từ đời Mãn Thanh. Theo dân gian, ông Bổn (thần Phúc Đức) – thần phù hộ buôn bán thuận lợi, phát đạt. Chùa gần kề hai chợ đầu mối lớn: Kim Biên và chợ vải Soái Kình Lâm. Không những bà con tiểu thương ở hai chợ trên mà các chợ khác thường đến đây cúng bái với mong ước mua may bán đắt, làm ăn khấm khá. Hai ngày lễ lớn của chùa là rằm tháng giêng và rằm tháng tám – ngày sinh và ngày mất của ông Bổn.
Vãn chùa cổ và ăn món Hoa chính gốc
Thích dạo phố, bạn có thể gửi xe tại chùa thả bộ sang đường Phùng Hưng rồi xuôi theo đường Nguyễn Trãi để thưởng thức những món ăn đặc sản của người Hoa. Quán cơm gà Đông Nguyên nằm ngay góc Nguyễn Trãi – Châu Văn Liêm nổi tiếng ở khu vực Chợ Lớn hơn 60 năm qua. Ngoài đặc sản cơm gà, còn có các loại canh tiềm như ngầu pín tiềm, gà ác hầm thuốc bắc, canh cải Tứ Xuyên… Quán lẩu Dân Ích cũng nằm trên góc đường này trên 20 năm, nồi lẩu dạng cù lao, xài than và nổi danh với nước lẩu ngon ngọt từ nguyên liệu thiên nhiên. Trên đường Châu Văn Liêm còn có quán sủi cảo Đại Nương chính tông vùng Sơn Đông, Trung Quốc. Ngoài ra, khu vực này còn bán các loại nước mát trị nóng, ho đặc sắc của người Hoa.
Đường Lão Tử nhỏ nằm song song với đường Nguyễn Trãi nhưng khá nhộn nhịp do có chùa Quan Âm toạ lạc. Chùa thuộc hội quán Ôn Lăng do một số thương nhân người Hoa di cư sang Việt Nam xây dựng vào năm 1740. Chùa dựng bằng gỗ và đá, theo kiến trúc đền miếu của người Phúc Kiến. Điểm nhấn kiến trúc là đỉnh chùa chạm trổ tinh xảo, mô phỏng quần thể đền miếu y như thật. Hiện chùa vẫn còn lư hương, đỉnh gang, đại hồng chung từ thời Quang Tự nhà Thanh; đối diện chùa là hồ phóng sanh khá rộng. Theo truyền tụng, trước đây chùa khá vắng vẻ nhưng cách nay hơn chục năm, ban quản trị chùa sang Trung Quốc thỉnh Phật bà Quan Âm về thờ cúng. Từ đó, chùa sầm uất hẳn lên, khách thập phương đến viếng nhiều.
Xem cổ vật, kiến trúc… và tìm sách tiếng Hoa
Từ đây rẽ phải hướng ra đường Nguyễn Trãi sẽ gặp ngay ngôi chùa Tàu được nhiều du khách nước ngoài đến tham quan – chùa bà Thiên Hậu thuộc hội quán Tuệ Thành do những người Quảng Đông đến Việt Nam xây dựng vào năm 1760. Hiện chùa còn lưu giữ 15 ống bơm nước chữa cháy từ năm 1898, vết tích của xe cứu hoả do hiệu Di Hoà Phát chế tạo tại thành Đông, Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc). Qua nhiều lần trùng tu, chùa vẫn lưu giữ được các cổ vật như bộ lư, đại đồng chung, tượng, bia… Đối diện chùa có hai hiệu sách của người Hoa là Bồi Trí và Triệu Quang Phục, bạn có thể tìm thấy các loại sách, liễn… đặc trưng của người Hoa.
Từ chùa bà Thiên Hậu, thả dọc lên vài trăm mét có chùa Quan Đế, còn gọi chùa Ông hay miếu Quan Đế thuộc hội quán Nghĩa An do người Triều Châu và người Hẹ xây dựng cách đây hơn 200 năm và thờ Quan Vân Trường (Quan Công). Chính điện, trên hương án đặt chiếc lư đồng cổ vào năm đạo Quang thứ 5 (1825). Khám thờ Quan Đế làm bằng gỗ, chạm khắc nhiều lớp hình và tượng Quan Đế lớn nhất tại Sài Gòn. Hiện chùa Quan Đế còn lưu giữ bộ chuông trống cổ: bộ bên trái làm bằng gang đúc ở Phật Trấn – Quảng Đông năm 1850, bộ còn lại đúc tại tỉnh Gia Định vào khoảng năm 1836 – 1862. Những bức phù điêu, bức tranh điêu khắc thật sống động vẫn được bảo tồn và lưu giữ nét văn hoá cổ xưa.
Ngoài ra, tại quận 5 còn một số nơi thờ bà Thiên Hậu như chùa bà Hải Nam (hội quán Quỳnh Phủ), chùa bà Hà Chương (hội quán Hà Chương)… Khi xây dựng chùa Hà Chương, các tiền nhân đã mang sáu cột rồng bằng đá được chạm khắc tinh xảo từ Trung Quốc sang. Sau đó, người Pháp đã mang hai cột về Pháp, còn lại bốn cột được giữ tại chùa cho đến ngày nay. Hầu hết các điểm bán nhang đèn trước cổng chùa sẽ giữ xe cho khách đi chùa miễn phí nếu mua nhang đèn tại quầy của họ. Các chùa mở cửa mỗi ngày từ 6 – 17giờ.
(bài: Minh Cúc, ảnh: Thiên Ý // SGTT Online)
Địa chỉ
Chùa Quan Âm, 12 Lão Tử, P.11, Q.5; chùa ông Bổn, 264 Hải Thượng Lãn Ông, P.14, Q.5; chùa bà Thiên Hậu, 710 Nguyễn Trãi, P.11, Q.5; chùa bà Hải Nam, 276 Trần Hưng Đạo, P.11, Q.5; chùa bà Hà Chương, 802 Nguyễn Trãi, P.14, Q.5; chùa Quan Đế, 676 Nguyễn Trãi, P.5, Q.5.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com