Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Về thăm chợ nổi Long Xuyên

Tuy ít được nhiều người biết tới nhưng sinh hoạt mua bán nhộn nhịp ở chợ nổi Long Xuyên cũng hấp dẫn du khách không kém các chợ nổi tiếng ở Cần Thơ, Hậu Giang. Ảnh: Huỳnh Nam

Lớn, nhỏ khác nhau tùy vị trí giao thông và quy mô mua bán hàng hóa nhưng lề lối giao tiếp và hình ảnh sinh hoạt ở các chợ nổi miền Tây đều giống nhau. Chợ nổi Long Xuyên thuộc loại nhỏ so với các “tên tuổi” được dân du lịch chú ý như Phụng Hiệp, Cái Răng, Phong Điền... nhưng không vì thế mà kém hấp dẫn dối với khách tham quan.

Chúng tôi có dịp trở lại thăm Long Xuyên sau vài mươi năm. Như bao thành phố miền Tây khác, Long Xuyên cũng được mở mang và xây cất nhiều trong vài chục năm trở lại đây. Nhà cửa lên tầng, đường sá to rộng, công viên dài, nhà buôn, phố xá dần dần thoát ra khỏi vẻ chân quê hồi trước.

Buổi sáng, chúng tôi dậy sớm kiếm một quán cà phê lề đường giữa khu trung tâm của thành phố Long Xuyên. Điểm tâm xong cả nhóm trèo lên xe lôi ra bến phà Ô Môi. Tới bến phà, chẳng cần kêu, các “cò” đò túa ra mời chào, săn đón. Thấy bọn tôi lễ mễ túi đeo vai, máy ảnh, máy quay lỉnh kỉnh, họ kháo nhau đồ chừng nhà báo về. Nét đáng yêu ở miền sông nước Cửu Long là như thế. Cứ thấy một nhóm vác máy chụp ảnh là bà con nghĩ ngay đến đài và hỏi dò chừng nào chiếu lên màn hình để chờ đón xem. Anh em có giải thích đến mấy họ cũng không tin, thôi thì cứ để ý nghĩ đó lưu giữ cho cả làng đều vui vẻ.

Các chị “cò” đò nhốn nháo bu quanh nhưng không hề tranh giành hoặc lôi kéo khách. Hết người này đến người kia mời, ra giá, bàn bạc với nhau, khi người này dạt ra thì người khác mới xen vào. Chúng tôi hỏi một chị chào hàng là đò có áo phao không, tài xế có giấy phép lái đò không hay tay ngang… Chị trả lời nhanh nhảu, hỏi bất cứ gì cũng đáp có. Vừa liến thoắng trả lời khách, chị nhìn các “cò” khác, độ chừng ước tìm một cái giá thích hợp để khách chịu. Rõ ràng là các chị nhong nhóng thăm dò. Nói cao thì sợ vuột mất khách, mà nói hời thì e lỡ một đám sộp.  Phần chúng tôi cũng muốn cho mau xong nên dăm điều ba đỗi là thuận liền. Chị “cò” xăng xái hướng dẫn đoàn len qua một cổng khác của bến bắc vô chỗ đò đang neo.

Nhóm bạn nhiếp ảnh từ Nha Trang tham quan chợ nổi Long Xuyên. Ảnh: Huỳnh Nam

Bước xuống đò rồi, phao chẳng thấy đâu, hỏi thì bác tài líu ríu nói để trong khoang. Vậy rồi cũng xí xóa cho qua, chẳng lẽ đã bước xuống  rồi lại bỏ quay lên?! Được cái tài công cũng vui vẻ, sẵn sàng chiều ý anh em nên cũng mau dàn xếp với nhau.

Đò nổ máy lạch bạch tách ra khỏi bến bắc, len lách qua từng dãy đò, thuyền để ra sông. Trời hưng hửng nắng, mặt sông sóng cuồn cuộn đỏ ngầu. Thuyền qua, xuồng lại, tắc ráng phạch phạch, ghe chèo tíu tít. Gió mát lồng lộng vì lòng sông rộng.  Mùa này nước sông Hậu nhiều nên các ghe bầu chở hàng nặng thấy nước mấp mé theo be thuyền.

Đò rẽ sang hướng phải, chạy băng băng, lướt qua các thuyền di chuyển hay đậu tại chỗ. Thỉnh thoảng đối mặt với chiếc bắc kềnh càng lừ đừ trôi như con trâu mộng ngâm nước.

Chợ nổi cũng là nơi cư ngụ của nhiều gia đình chọn lối sống trên sông nước. Ảnh: Huỳnh Nam

Dọc dài hai bên sông cảnh vật khác hẳn nhau. Một bên là thành phố với những nhà tầng cao đẹp, còn một bên vẫn là đồng cộ xa xa với nếp nhà sàn cất rải rác dọc dài theo bờ nước. Càng ra ngoài càng thấy cảnh tấp nập, có nơi như bị nghẽn thắt lại, nhứt là từ những nhánh kinh, mương đổ ra sông. Lưu thông trên bộ tắc nghẽn ra sao thì lưu thông dưới nước cũng không kém. Người ngày càng đông lên, của ngày càng khó kiếm nên nơi nào sông lành thì dân tựu về sinh sống.

Cũng như trên đất, mức độ khoảng trống thu hẹp dần thì dưới sông bây giờ cũng vậy. Có nơi họp thành một quần thể dân cư cố định, biến chiếc thuyền thành căn nhà, quần áo phơi giăng, bàn thờ Ông Thiên, vòm cửa, vòng hoa trang trí san sát nhau.

Lại thêm cơ man những ụ thuyền, tàu sửa chữa, trụ bơm nhiên liệu chiếm dụng luôn dòng sông làm nơi kinh doanh, phục vụ tại chỗ. Nếu xưa kia ghe thuyền cần dầu hay xăng phải lên bờ vất vả thì bây giờ chẳng phải đi đâu cả, cứ ới là có dịch vụ đến ngay.

Cây xăng nổi của Petrovietnam. Ảnh: Huỳnh Nam

Bởi thế, ngẫu nhiên con sông Tiền, sông Hậu bỗng thành bà mẹ hiền giang rộng tay nuôi đàn con tứ xứ.  Ghe chành, ghe vựa, ghe bán, ghe buôn, nhứt nhứt đều có, sống dựa nhau và cùng chia xẻ miếng cơm, manh áo với nhau. Ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi trên sông thứ gì cũng có. Cứ an nhiên ở tại chỗ sẽ có đủ món đến đon đả mời. Các thuyền con đảo quanh các nhà thuyền hay các chành, vựa để bưng bát bún, tô bánh canh hay ly cà phê, chai nước ngọt.

Đò chạy chừng nửa tiếng thì tấp vào một cụm mấy chiếc thuyền to cột níu nhau bằng những dây đỏi. Tiếng lao xao, ồn ào xen lẫn nhịp điệu cất xếp hàng và lời trêu ghẹo, đùa nghịch nhau.

Bác tài vừa tấp đò sát vào vừa thông báo là tới chợ nổi rồi. Tôi nhìn quanh một lượt, thuyền kết thành một hòn đảo nho nhỏ choán gần hết lòng sông. Các thuyền từ các nơi đổ về đem theo những trái cây, hoa quả miệt vườn ra sang tay cho chành. Đủ loại mặt hàng từ chuối, bưởi, dừa, thơm, quít, cam, đu đủ…

Dù đang bận bịu chuyền tay nhau xuống hay lên hàng, nhìn thấy chúng tôi, ai cũng nhao nhao chào thăm hỏi. Có nơi còn mau mắn mời chúng tôi nhảy lên thuyền lớn để chụp ảnh, quay phim.

Các anh trong nhóm chúng tôi nhanh nhẹn nhảy lên, người đứng ở mũi, người trụ trên mui, người lò dò túa ra các thuyền bên cạnh săn ảnh. Tôi cũng cố bước lên theo, chỉ khi lên đến trên cao mới thấy lòng sông Hậu thật vĩ đại. Nhìn quanh một vòng thấy mút tầm mắt bao la. Thuyền, người, người, thuyền, huyên thuyên, náo nhiệt.

Chuyển hàng sang thuyền lớn của vựa bán sỉ nông sản. Ảnh: Mạnh Anh

Càng lúc ghe vừa, ghe nhỏ tấp vào càng nhiều, hàng tới tấp lên và xuống. Một đằng tập trung về vựa, một đằng phân phối xuống thuyền để kịp theo con nước đổ về Sài Gòn.

Các ngọn bẹo cắm lên kéo xuống xoành xoạch để thêm vào các món hàng mới. Đó là tín hiệu để thuyền buôn nhận ra mặt hàng mình đang nhắm mà ghé vào cất (mua) hoặc bán. Cửu vạn là dân sở tại nên đã quá quen công việc, làm thoăn thoắt, tay liền miệng, miệng liền tay, trửng giỡn coi như không hề biết mệt nhọc.

Có anh còn nhứ thảy cho anh em chúng tôi loại trái cây đang bốc xếp và giục: “Ăn đi, ăn thử cho biết”.  Cứ tưởng anh chàng bốc hàng sẽ bị nhà chủ ngồi phát thẻ theo dõi hàng hóa ngay đó cự nự, trái lại họ cũng nói hùa đốc vô: “Ăn đi, thử cho biết trái cây miệt vườn”.

Bỗng dưng tôi thấy cảm mến tấm lòng cởi mở và bao dung của người miền Tây trước giờ vẫn vậy.  Ở đó không có sự so đo hẹp hòi mà chỉ có sự phóng khoáng vung tay. Tâm hồn họ luôn chân chất, bình dị, thẳng thắn và dễ dãi.

Tôi nhìn bao quát một vòng các ghe. Nhìn sang phía thành phố, ngôi nhà lồng chợ Long Xuyên mới cất, tân kỳ và đồ sộ. Nóc tua tủa ra những mũi nhọn tựa ngôi sao nhiều cánh. Chợ đã cao mà hai tấm pa-nô quảng cáo còn cao hơn, nó che khuất một phần nóc chợ và xoay mặt ra hướng sông.

Rời mũi ghe, tôi men theo hông ra lần sau thuyền. Dăm ba bác đang ngồi nhậu quanh một ly thủy tinh nhỏ đựng thứ rượu trong vắt cùng mấy lát xoài và quả cóc đỏ màu muối ớt. Thấy tôi, họ reo: “Ngồi xuống nhắp cái cho ấm bụng”. Gió sông thổi bung, có vẻ lạnh là khác, nhưng tôi từ chối vì biết chắc nếu ngồi xuống là không sao dứt ra được.

Dòng nước đẫm màu phù sa của sông Hậu vừa là nguồn nước sinh hoạt (ăn uống, giặt giũ...) vừa là nơi nhận mọi thứ chất thải của cư dân trên mặt sông. Ảnh: Mạnh Anh

Tôi lò dò tìm ra chỗ bắp cày bánh lái. Một cô gái ngồi chải mớ tóc xõa. Tôi nhấc máy định quay, cô vội la ngăn và lấy hai tay quơ mái tóc che kín mặt. Tôi bỏ đi, đến chỗ ba bốn đứa nhỏ đang chơi lò cò trên sàn ghe. Một thằng bé mon men đi sau tôi la chí chóe: “Ngộ bay, tao thấy hình tụi bay ở trỏng nè”. Rồi khi nó nghe chính tiếng nó lao xao trong máy lại ré lên: “Có tiếng tao rõ nữa nè”.  Cả bọn cười khe khé, tôi vui lây với sự hồn nhiên của đám nhỏ.

Đột nhiên, tôi thấy các anh đổ xô ra mạn thuyền nhìn chăm chăm xuống nước. Có anh thủ máy bấm lia chia ghi hình gì đó. Tôi nhớm nhìn theo. Một chiếc xuồng ba lá đang cặp bán món điểm tâm, khách ăn tíu tít, nhưng điều làm các anh chú ý là cô hàng tự nhiên khoắng cái tô vừa bán cho khách xuống sông rửa, rồi tiếp tục múc cho khách kế tiếp.

Điều này khiến anh em chúng tôi vô cùng lạ lẫm vì nó không hợp vệ sinh chút nào vậy mà cư dân nhà thuyền tỉnh bơ coi như một chuyện thường tình. Chẳng lẽ suốt đời sống với sông nước rồi con người đến thành tín thương yêu dòng chảy đến độ không còn dè dặt, e ngại gì nữa sao?

Hơn một tiếng đồng hồ lặn hụp với sinh hoạt chợ nổi, đến khi nhà đò giục, anh em chúng tôi mới lo xếp máy ra về. Con đò chia tay với thuyền chành, thuyền vựa, giã từ những con người mến khách ở miền sông nước Hậu Giang.

Đò cặp bến, chúng tôi bước lên, niềm vui xen lẫn những băn khoăn vừa chớm dậy. Gặp lại chị “cò”, chúng tôi đùa đòi bớt tiền thuê, chị nhỏn nhoẻn cười lảng đi thật nhanh. Hai cỗ xe lôi lại lóc cóc đưa chúng tôi về thành phố Long Xuyên. Nhìn đồng hồ, đã 1 giờ rưỡi trưa, bụng bắt đầu nhói kiến bò.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Bên cầu Hiền Lương
  • Chùa Cò ở Trà Vinh
  • Du lịch Hội An mùa nước lụt
  • Bà Rịa-Vũng Tàu, quen mà lạ
  • Đến Cà Ná - nghe tiếng gọi của biển
  • Về Óc Eo thăm chùa Phật Bốn Tay
  • Đến Hà Tiên, chơi biển Mũi Nai
  • Du lịch cùng mưa Huế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com