Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: Một thiên đường còn lại ở Việt Nam

Thành tựu của 10 năm hợp tác giữa các nhà nghiên cứu khoa học của Vườn thú Cologne (Đức) lừng danh với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB) chính là sự phát hiện 14 loài bò sát lưỡng cư và 10 loài cá mới. Đặc biệt, việc phát hiện loài Bách xanh núi đá cùng 3 loài lan Hài dưới tán của nó, đã gây sửng sốt cho thế giới.

Năm 1998, lần đầu tiên làm việc tại PN-KB, TS Theo Pagel, Giám đốc Vườn thú Cologne, khẳng định: “Chúng tôi muốn làm việc ở nơi này, một thiên đường còn lại ở Việt Nam”. Lúc đó, ông trực tiếp đi thị sát và phát hiện ra rằng, PN-KB tiềm ẩn những bí mật của tự nhiên mà các nhà khoa học thế giới chưa kịp khám phá.

Qua năm 1999, dự án Bảo tồn Tài nguyên thiên nhiên của Vườn thú Cologne “có mặt” tại Vườn quốc gia PN-KB. Các nhà khoa học của Cologne đã tập trung vào lĩnh vực bảo tồn tài nguyên, nghiên cứu đa dạng sinh học, các chương trình như cứu hộ và tái thả động vật hoang dã vào môi trường tự nhiên, bảo vệ rừng, phối hợp với Hội động vật Frankfurt thực hiện chương trình tái hòa nhập các loài linh trưởng nguy cấp tại Vườn quốc gia PN-KB, bảo vệ động vật hoang dã.

Những chương trình và hoạt động của dự án đã mang lại những thành tựu có ý nghĩa trong công tác bảo tồn và nghiên cứu khoa học tại Vườn quốc gia PN-KB.

1 trong 14 loài bò sát lưỡng cư được tìm thấy ở Phong Nha - Kẻ Bàng.

Trong giai đoạn 1999 - 2009, các nhà khoa học đã phát hiện đến 14 loài bò sát, lưỡng cư mới. Công lao đó thuộc về các nhà khoa học đến từ Vườn thú Cologne và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, như TS Theo Pagel, TS Thomas Ziegler, nhà nghiên cứu động vật học Vũ Ngọc Thành, TS Martina Vogt, Nghiên cứu sinh Lê Khắc Quyết cùng sự phối hợp tích cực với trách nhiệm cao của các chuyên viên nghiên cứu Vườn quốc gia PN-KB và người dân vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới này.

Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu, TS Thomas Ziegler (Vườn thú Cologne), sau gần 10 năm nghiên cứu, đã phát hiện mới 9 loài ở PN-KB.

Ông và cộng sự đã nghiên cứu và công bố những phát hiện mới tại vùng này, như: Rắn lục vảy lưng ba gờ (Triceratolepidophis sieversorum) năm 2000, Tắc kè Phong Nha (Cyrtodactylus phongnhakebangensis) năm 2002; Thằn lằn tai Noggei (Tropidophorus noggei); Rắn mai gầm Thành (Calamaria thanhi) năm 2005; Rắn sãi an-đờ-ri (Amphiesma andreae); Thằn lằn bóng (Lygosoma boehmei) năm 2006, Tắc kè gấm (Cyrtodactylus cryptus) năm 2007; Rắn má Smithi (Fimbrios smithi) và Nhái cây Quyết (Philautus quyeti) năm 2008.

Đặc biệt, trong những phát hiện của ông, Tắc kè Phong Nha là loài đặc hữu, chỉ có ở PN-KB, nơi có hệ thống hang động là sinh cảnh của loài này. Các loài khác tưởng chừng như đã tuyệt chủng, nay chỉ thấy xuất hiện ở PN-KB.

Các nhà khoa học khác cũng lần lượt công bố thêm loài mới như Tắc kè lưng nhẵn (Gekko scientiadvantura) do Herbert RSLER phát hiện năm 2004; Rắn rào bourreti (Boiga bourreti) được Frank Tillac và các cộng sự công bố cùng năm 2004; Rắn sãi mép trắng (Amphiesma leucomystax) được Patric David và các cộng sự công bố năm 2007.

Ngoài ra, còn có 2 loài Thằn lằn nước (Leptoseps tetradactylus) và Rắn lục Trường Sơn (Trimeresurus truongsonensis) đã được mô tả của nhóm nghiên cứu người Nga (Orlov et al. 2004, Darevsky & Orlov 2005).

Dưới tán những cây Bách xanh trên núi đá vôi hơn 500 năm tuổi (ảnh trên) là loài lan Hài đốm - tưởng đã tuyệt chủng (ảnh dưới).

Như một thiên đường, tại PN-KB, nhà thực vật học, GS-TS Nguyễn Nghĩa Thìn đã xác nhận sự có mặt của 2.651 loài thực vật, nhà ngư học Nguyễn Thái Tự công bố 162 loài cá, với 10 loài mới. Quần thể Bách xanh đá ở Km 39, đường 20, lan Hài xoắn, lan Hài xanh, lan Hài đốm của GS-TS V.Averyanov Leonis cũng là những phát hiện quan trọng mang tính toàn cầu.

Nhờ đó, Tổ chức UNESCO đã khuyến nghị xây dựng hồ sơ di sản cho PN-KB lần thứ 2 với những phát hiện có tính đa dạng sinh học trên.

Chính các nhà khoa học thế giới đã góp phần vinh danh cho Di sản Thiên nhiên thế giới - Vườn quốc gia PN-KB. Trong tương lai, PN-KB rất cần sự hợp tác hơn nữa của các nhà khoa học trong và ngoài nước để có các giải pháp bảo tồn hiệu quả những giá trị về tài nguyên thiên nhiên quý giá nơi đây - một thiên đường đa dạng sinh học mang tính toàn cầu.

Th.S Nguyễn Văn Huyên
(PGĐ Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng)

Thêm loài Khướu mun đá

Ngày 14-10, Ban quản lý Vườn quốc gia PN-KB cho biết, vừa phát hiện một loài chim mới có tên Khướu mun đá (Stachyris herberti), chỉ mới tìm thấy ở vùng núi đá vôi PN-KB do các nhà khoa học của Vườn thú Cologne phát hiện.

Như vậy, số loài chim tại PN-KB hiện có 338 loài, trong đó 20 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 17 loài được ghi trong Sách đỏ thế giới. Các nhà bảo tồn chim thế giới đã xếp PN-KB là một trong 200 vườn chim quan trọng của toàn cầu và là 2 trong số 60 vùng chim quan trọng bậc nhất Việt Nam.

Đ.Tứ

 

(Theo SGGP Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Phát hiện 15 hang động mới tuyệt đẹp tại Quảng Bình
  • "Thượng sơn" Anh Vũ
  • Lên Bưng Thị, xuống cù lao
  • Độc đáo sơn mài Bình Dương
  • Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư
  • Viếng chùa Cổ Thạch
  • Về Thoại Sơn huyền thoại
  • Thăm “đỉnh trời”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com